Argentina: Tổng thống Javier Milei ký sắc lệnh sa thải 5,000 nhân viên chính phủ
Hầu hết các nhân viên chính phủ được tuyển dụng kể từ ngày 01/01 năm nay sẽ không được gia hạn hợp đồng.
Tân Tổng thống Argentina Javier Milei đã tiết lộ kế hoạch sa thải khoảng 5,000 nhân viên chính phủ được tuyển dụng trong năm nay trước khi ông nhậm chức như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cắt giảm chi tiêu của chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đang gặp khó khăn.
Theo báo cáo, ông Milei, một nhà kinh tế, đã ký một sắc lệnh hôm 26/12 nói rằng chính phủ của ông sẽ không gia hạn hợp đồng cho hàng ngàn nhân viên chính phủ được tuyển dụng kể từ ngày 01/01.
Tuy nhiên, sắc lệnh này, được công bố trên Official Gazette, cũng gồm các trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như trong trường hợp nhân viên được thuê theo “hạn ngạch do pháp luật quy định hoặc các hình thức bảo vệ đặc biệt khác,” gồm cả những người khuyết tật hoặc nhân viên được xem là “không thể thiếu,” theo tờ báo Tây Ban Nha El Pais.
Sắc lệnh này cũng lưu ý rằng các hợp đồng khác với chính phủ được thực hiện trước năm 2023 cũng sẽ được “xem xét toàn diện” trong 90 ngày tới, theo ấn phẩm này.
Nhìn chung, chính phủ của ông Milei ước tính có hơn 5,000 viên chức sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm nhân sự này, nhưng công đoàn Hiệp hội Nhân viên Nhà nước (ATE) dự đoán khoảng 7,000 người có thể mất việc làm.
Công đoàn lập kế hoạch biểu tình
Trong một tuyên bố hôm 26/12, Tổng thư ký ATE Rodolfo Aguiar cho biết công đoàn này có kế hoạch vận động vào ngày hôm sau ở nhiều nơi trên đất nước để phản đối sắc lệnh.
Ông Aguiar nói: “Những nhân viên này trong mọi trường hợp đều thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để bảo đảm hoạt động của toàn bộ các khu vực của đất nước, bất kể mối quan hệ hợp đồng của họ thuộc loại nào.”
Ông nói thêm, các cuộc biểu tình sẽ gồm đình công, tập hợp, hội họp, và chặn đường.
Ông Aguiar tiếp tục, “Chúng tôi, các quan chức nhà nước sẽ thực hiện mạnh mẽ kế hoạch tranh đấu của mình. Chúng tôi không thể bị buộc tội tấn công chính phủ. Rõ ràng là hòa bình xã hội đang bị phá vỡ bởi một chính phủ có ý định bỏ mặc hàng ngàn gia đình trên đường phố. Vậy thì chúng tôi sẽ xuống đường để bày tỏ rằng chúng tôi muốn ngăn chặn những điều chỉnh của chính phủ.”
Ông nói thêm: “Nếu chính phủ tiếp tục thực hiện việc sa thải này, nhiều nhân viên và gia đình sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, và toàn bộ cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng một cách gián tiếp. Tại đất nước này, bất kỳ sự sa thải nào cũng đồng nghĩa với việc mất quyền lợi cho tất cả người dân của chúng tôi.”
Ông Milei, 53 tuổi, nhậm chức tân tổng thống Argentina hôm 10/12 sau khi vượt qua ông Sergio Massa, bộ trưởng kinh tế dưới thời chính phủ theo chủ nghĩa xã hội của ông Alberto Fernández.
Kỷ nguyên ‘hòa bình và thịnh vượng’
Trong bài diễn văn chính thức đầu tiên của mình, ông tuyên bố sẽ chôn vùi những gì ông mô tả là “những thập niên của sự thất bại, tranh đấu nội bộ, và tranh chấp vô nghĩa,” và theo đuổi một kỷ nguyên mới “hòa bình và thịnh vượng.”
Ông cũng cảnh báo người dân Argentina chuẩn bị cho một “sự xáo động” kinh tế do những cải cách khác nhau mà ông dự định thực hiện trong những tuần và tháng tới nhằm nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế đang gặp khó khăn của Argentina, đồng thời tuyên bố rằng “không có giải pháp thay thế khả thi nào cho những điều chỉnh đó.”
Ông nói thêm: “Không cần phải bàn cãi giữa sự xáo động và ‘chủ nghĩa dần dần’ — trước tiên vì kinh nghiệm cho thấy rằng tất cả các chương trình ‘theo chủ nghĩa dần dần’ đều kết thúc tồi tệ.”
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Argentina đã tăng 143% so với cùng thời kỳ năm ngoái, và các chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 200% vào cuối năm nay.
Chi phí sinh hoạt cao và nạn cướp bóc tràn lan cũng như tình trạng nghèo đói gia tăng một phần là nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của ông Milei trong cuộc bầu cử mới nhất sau khi nhiều cử tri cáo buộc cựu lãnh đạo Alberto Ángel Fernández đã không chịu trách nhiệm về sự suy thoái làm tê liệt nền kinh tế.
Cùng với việc cải cách chi tiêu và bảng lương của chính phủ, ông Milei cũng tuyên bố sẽ cho phép tư nhân hóa các công ty truyền thông nhà nước và các công ty dầu khí nhà nước chẳng hạn như đại công ty dầu mỏ YPF như một cách để thúc đẩy xuất cảng và đầu tư vào Argentina.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times