Áp lực gia tăng đối với công ty Fintech khổng lồ Trung Quốc trước thềm IPO bom tấn
Chính phủ Hoa Kỳ có thể sớm đưa một công ty công nghệ tài chính Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc vào danh sách đen, trước khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thương vụ IPO được coi là lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Chính phủ TT Trump được cho là đang xem xét việc đưa Tập đoàn Ant Technology vào danh sách đen thương mại, hay còn được gọi là “Danh sách pháp nhân”, do những lo ngại về an ninh quốc gia. Hành động này sẽ hạn chế các công ty Hoa Kỳ giao thương với công ty fintech khổng lồ của Trung Quốc, vốn là công ty mẹ của nền tảng thanh toán kỹ thuật số lớn nhất Trung Quốc Alipay.
Được điều hành bởi tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, công ty Alipay hiện đang chuẩn bị cho một đợt IPO bom tấn tại Thượng Hải và Hồng Kông. Điều này đã làm dấy lên hồi chuông báo động ở Washington vì phần lớn số tiền huy động được dự kiến đến từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Bản cáo bạch của Ant Group tiết lộ những rủi ro tiềm tàng trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Báo cáo cũng cho rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là một rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, báo cáo này hầu hết đều bỏ qua những rủi ro phát sinh từ mối quan hệ của công ty với Trung Quốc.
Vào năm 2018, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã chặn thương vụ Ant Financial mua lại công ty chuyển tiền MoneyGram của Hoa Kỳ vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo Ủy ban về Rủi ro hiện tại: Trung Quốc (CPDC), một tổ chức vận động chính sách có trụ sở tại Washington, công ty Alipay và chủ sở hữu một phần của công ty này – Alibaba – đóng một vai trò then chốt trong việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc.
Nhóm CPDC đã gửi cho Tổng thống Donald Trump một bức thư hôm 14/10 để kêu gọi ông bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ khỏi các công ty không minh bạch của Trung Quốc. Bức thư có chữ ký của 60 cựu học viên an ninh quốc gia, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và văn phòng, và các nhà hoạt động nhân quyền, nêu lên mối lo ngại về ba công ty Trung Quốc – Ant Technology Group, China National Chemical Corporation và China Three Gorges Corporation – và những nỗ lực của họ trong việc huy động hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Nhóm này khuyến nghị rằng các công ty Trung Quốc có liên kết với quân đội Trung Quốc hoặc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và có tên trong Danh sách pháp nhân của Hoa Kỳ phải bị hủy đăng ký trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ và bị loại ra khỏi tất cả các chỉ số và quỹ hoán đổi danh mục ETF (exchange-traded fund).
“Khi quý vị đầu tư vào một công ty do Trung Quốc sở hữu và kiểm soát như thế này, quý vị đang đặt cược vào sự thành công của ĐCSTQ,” Chủ tịch CPDC Brian Kennedy nói với The Epoch Times.
“Liệu có bao nhiêu người dân Hoa Kỳ thực sự muốn làm điều đó?”
Công ty fintech khổng lồ Ant Technology đã làm dấy lên những lo ngại khi các công nghệ của công ty này bị ĐCSTQ và PLA sử dụng để đàn áp người dân Trung Quốc. Công ty này cũng tham gia vào việc xây dựng hệ thống tín dụng xã hội gây tranh cãi của Trung Quốc, vốn là hệ thống dùng để theo dõi mọi cử chỉ và hành vi mua bán của công dân Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng các ngân hàng đầu tư ở Wall Street đang thúc đẩy những điều này hầu như không đánh giá đúng những gì đang diễn ra. Và nếu như vậy, họ đang bị lừa dối về điều đó,” ông Kennedy nói.
Trong bức thư gửi cho tổng thống, CPDC cáo buộc các ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ đang tích cực thúc đẩy việc luân chuyển một khối lượng lớn tài sản từ thị trường vốn Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup là những nhà bảo trợ chung cho thương vụ IPO của Ant Group. Công ty này đặt mục tiêu huy động gần 30 tỷ USD từ việc niêm yết kép tại Thượng Hải và Hồng Kông, nếu thành công sẽ đánh dấu đợt IPO lớn nhất mọi thời đại.
Reuters đưa tin hôm 14/10 rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu quá trình đưa Ant Group vào danh sách pháp nhân.
Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times. Bộ Thương mại Hoa Kỳ từ chối bình luận về việc liệu họ có đưa công ty này vào danh sách đen thương mại của mình hay không.
Ông Kennedy nói: “Tôi sẽ hết lời ca ngợi chính phủ TT Trump và Bộ Ngoại giao nếu họ nộp hồ sơ để liệt kê Ant Group vào danh sách pháp nhân.”
Tuy nhiên, ông dự đoán rằng hành động này sẽ gây ra căng thẳng giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Theo ông Kennedy, chính quyền đang cố gắng tìm cách bảo vệ các nhà đầu tư Hoa Kỳ nhưng quá trình này diễn ra rất chậm.
“Tôi nghĩ rằng họ đang cố gắng tìm ra một cách hợp lý để giải quyết tất cả những việc này. Bộ trưởng Mnuchin và cộng sự của ông tại Bộ Tài chính rất tin vào thương mại và tài chính toàn cầu, và muốn làm mọi cách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này. Vì vậy, sự việc này đang diễn ra một cách chậm chạp.”
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), một người không ủng hộ Trung Quốc, cũng nêu lên những mối lo ngại về đợt IPO sắp tới của Ant Group và yêu cầu Chính phủ TT Trump xem xét việc trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng.
“Vào thời điểm mà Nghị viện, Chính phủ và các nền dân chủ trên thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Trung Quốc đàn áp Hồng Kông do Bắc Kinh vi phạm các cam kết một cách trắng trợn, thì việc Wall Street bất chấp tất cả để theo đuổi lợi nhuận sẽ chỉ hợp pháp hóa việc Trung Quốc lật đổ pháp quyền của Hồng Kông,” ông viết trong một tuyên bố với The Epoch Times.
“Chính phủ nên xem xét nghiêm túc các lựa chọn có sẵn để trì hoãn thương vụ IPO của Ant Group.”