Ảnh: Tham quan chùa Todaiji, di sản thế giới ở thành phố Nara, Nhật Bản
Chùa Đông Đại (tiếng Nhật là Todaiji) là một trong những điểm tham quan mà quý vị không nên bỏ qua khi du lịch đến thành phố Nara, Nhật Bản. Ngôi chùa này tọa lạc ở thành phố Nara, Nhật Bản, do Thánh Vũ Thiên Hoàng (Thiên hoàng thứ 45 của Nhật Bản), một người tín phụng Phật giáo kiến lập vào năm 728. Tính đến nay, ngôi chùa có lịch sử khoảng 1,200 năm. Bởi vì ngôi chùa nằm ở phía Đông của thủ đô Heijo Kyo lúc bấy giờ nên được đặt tên là Đông Đại. Đây là một ngôi chùa danh tiếng của phái Hoa Nghiêm trong Phật giáo Nhật Bản, được liệt kê là di sản văn hóa thế giới vào năm 1998, như một phần của “Tài sản văn hóa của Cố đô Nara.”
Nổi tiếng nhất trong chùa Đông Đại là Đại Phật điện (Daibutsu-den), nơi tôn trí tượng Đại Phật của Nara. Mặt chính diện của Đại Phật điện rộng 57 mét, sâu 50 mét và cao 48 mét. Hiện nay, đây được xem là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới.
Chùa Đông Đại có khoảng không gian rộng lớn với rất nhiều kiến trúc. Già lam (kiến trúc bên trong chùa miếu) lấy Đại Phật điện làm trung tâm, phía bắc có giảng đường, tăng phòng, thực đường (nhà ăn), phía tây có giới đàn viện, phía tây bắc là Chính thương viện, Chuyển hại môn, phía đông có nhị nguyệt đường, pháp hoa đường, khai sơn đường … đều là các kiến trúc có giá trị lịch sử cao quý. Trong lịch sử lâu đời, tất cả các kiến trúc này đều đã gặp phải thiên tai nhân họa, đồng thời đã trải qua nhiều lần sửa chữa và tái thiết.
Khi du khách đi bộ dọc theo con đường bên cạnh bãi đậu xe, điều đầu tiên xuất hiện trong tầm mắt là quốc bảo “Cổng phía Nam.” Vị trí hướng Nam của cổng này là cổng chính của Đông Đại tự, với chiều cao 25 mét. Đây là cổng núi lớn nhất ở Nhật Bản. Trong chiến tranh, chùa Đông Đại bị hư hại nghiêm trọng. Cổng phía Nam hiện tại do nhà sư Trọng Nguyên Thượng Nhân (Shunjōbō Chōgen) xây dựng lại vào thời Kamakura. Ông là người đã thúc đẩy việc xây dựng lại chùa Đông Đại. Tượng Kim Cang Lực Sĩ ở hai bên cổng do bậc thầy điêu khắc tượng Phật là Vân Khánh và Khoái Khánh sáng tác. Bức tượng được điêu khắc theo hình thức đặc biệt đối xứng hai bên, bên trái là “tượng Ngâu Hành,” bên phải là “tượng A Hành.”
Khi đến cổng giữa, phải mua vé vào cổng ở lối vào bên trái, băng qua hành lang và một con đường lớn lát gạch đá, dẫn thẳng đến Đại Phật điện, nơi Đại Phật Nara được tôn thờ. Con đường này không chỉ để du khách tản bộ mà còn tượng trưng cho quá trình Phật giáo truyền nhập vào Nhật Bản. Màu sắc của các viên đá khác nhau được sử dụng như một phép ẩn dụ cho thứ tự Phật giáo du nhập vào Nhật Bản. Viên đá màu đen ở chính giữa con đường tượng trưng cho nguồn gốc của Phật giáo từ Ấn Độ. Những viên đá màu đỏ ở hai bên tượng trưng cho Trung Quốc, tiếp theo là Triều Tiên, và cuối cùng là những gạch đá hình thoi với số lượng lớn đại diện cho Nhật Bản.
Trước khi bước vào Đại Phật điện còn có một bảo vật quốc gia. Đó là chiếc đèn lồng hình bát giác bằng đồng lâu đời nhất và lớn nhất ở Nhật Bản. Đây là di vật quan trọng của chùa Đông Đại kể từ khi dựng lập đến nay. Đèn lồng hình bát giác cao khoảng 4.6 mét, được làm bằng đồng, hình dáng trang nhã. Trên thân đèn được chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt. Bốn mặt của tám bức vách chạm nổi các vị Bồ Tát, mỗi vị Bồ Tát chơi các nhạc cụ khác nhau. Bốn mặt còn lại chạm nổi hình sư tử bay trong mây. Tương truyền, một trong tám mặt chạm khắc của chiếc đèn lồng đã bị đánh cắp, sau đó được làm lại và lắp đặt mới.
Cạnh lối vào bên phải Đại Phật điện có tượng Tân Đầu Lô Tôn Giả. Đây là tác phẩm chạm khắc bằng gỗ thời Edo, dựa theo thuyết Tân Đầu Lô Tôn Giả bị Thích Ca Như Lai hạ xuống hàng 16 La Hán. Do tùy ý hiển lộ thần thông, nên ngài bị Đức Phật quở trách và phạt không được vào chánh điện nhận phẩm cúng dường. Từ đó, tượng của Tân Đầu Lô Tôn giả trong các tự viện Nhật Bản đều được an trí ở cửa ra vào hoặc bên ngoài Phật điện.
Tên chính thức của Đại Phật điện chùa Đông Đại là Đông Đại tự Kim Đường (Todai-ji Kondo). Kim Đường được xây dựng lần đầu tiên vào thời Nara, sau đó trải qua hai cuộc chiến tranh và bị thiêu rụi. Kiến trúc hiện tại do nhà sư Công Khánh Thượng Nhân xây dựng lại vào thời Edo. Do khó khăn về tài chính, phải mất 25 năm dài đằng đẵng, Đại Phật điện mà chúng ta nhìn thấy hiện nay mới được hoàn thành vào năm 1709, và quy mô chỉ bằng 2/3 so với trước đó.
“Đại Phật Nara” trong Đại Phật điện là biểu tượng của Nara Kansai. Tên chính thức của Đại Phật là “Lô Xá Na Phật” (Lushana Buddha), có nghĩa là Phật Tổ rọi chiếu ánh quang huy khắp thế giới. Đại Phật Nara cao khoảng 15 mét, được cho là được đúc thành từ gần 500 tấn đồng và 440 cân vàng. Đây là tượng Phật bằng đồng mạ vàng lớn nhất được biết đến trên thế giới. Cùng với Đại Phật Liêm Thương (Kamakura) ở Quan Đông (Kanto), đây được xem là hai tượng Phật lớn nhất ở Nhật Bản.
Đại Phật Nara đã bị hư hại và xây dựng lại nhiều lần do thiên tai. Vì vậy, niên đại lịch sử của mỗi bộ phận trên tượng không giống nhau. Hiện tại, phần dưới đầu gối của bức tượng là lâu đời nhất, có lịch sử khoảng hơn 1,000 năm. Phần dưới vai của bức tượng được đúc lại vào thời Kamakura (khoảng thế kỷ 12), còn phần đầu được xây dựng lại cách đây 300 năm. Dù đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai và trùng tu nhưng phần cánh hoa trên liên đài và phần bụng của tòa sen vẫn giữ được dáng vẻ của thời Nara.
Ngày 07/08 hàng năm là ngày chùa Đông Đại ấn định làm lễ thanh tẩy tượng Đại Phật Nara. Vào ngày này, khoảng 120 nhà sư bước vào Đại Phật điện trong trang phục màu trắng sau khi họ đã thanh tẩy bản thân trong Điện Nhị Nguyệt (Nigetsu). Trước tiên, các vị sư sẽ tụng đọc kinh văn, sau đó bắt đầu tiến hành việc thanh tẩy tượng Phật. Nghi thức này đã kéo dài hơn 50 năm.
Ngoài ra, phía bên trái của Đức Phật là tượng Hư Không Tạng Bồ Tát trong tư thế ngồi, và phía bên phải là tượng của Như Ý Luân Quán Âm cũng trong tư thế ngồi. Phía sau, ở hai bên trái, phải của Đại Phật điện là tượng Thiên Vương rất lớn: Quảng Mục Thiên Vương và Đa Văn Thiên Vương.
Hư Không Tạng Bồ Tát là Bồ Tát của Phật giáo Mật tông, còn được dịch là Hư Không Dựng Bồ tát, mật hiệu là Như Ý Kim Cang, tượng trưng cho bầu trời, cai quản mặt trời, mặt trăng và các vì sao, nên còn được gọi là Minh Tinh Thiên Tử Bồ Tát, Đại Minh Tinh Thiên Vương Bồ Tát. Đây là một trong tám vị đại Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa, đồng thời cũng là vị Bồ Tát chuyên chủ về công đức, phú quý và trí nhớ.
Như Ý Luân Quán Âm tên đầy đủ là Như Bảo Luân Vương Quán Thế Âm Bồ Tát, còn được gọi là Đại Phạn Thâm Viễn Quán Âm, Như Ý Chư Bảo Vương Bồ Tát. Đó là một trong những hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, với nhiều hình tượng khác nhau như hai cánh tay, bốn cánh tay, sáu cánh tay, tám cánh tay, mười cánh tay, mười hai cánh tay .v.v.
Quảng Mục Thiên Vương là một trong bốn Đại Thiên Vương hộ pháp nổi tiếng của Phật giáo. “Quảng Mục” có nghĩa là có thể quan sát thế giới bất cứ lúc nào bằng thiên nhãn thanh tịnh. Vị Thiên vương này cầm trong tay một cuốn sách và một cây bút, khác với hình tượng của Phật giáo Trung Quốc (một tay quấn rồng hoặc rắn, tay kia cầm một viên bảo châu), giống phong cách tạc tượng của Ấn Độ.
Đa Văn Thiên Vương cũng là một trong bốn Đại Thiên Vương hộ pháp nổi tiếng của Phật giáo, còn được gọi là Tỳ Sa Môn. “Đa Văn” có nghĩa là tinh thông Phật Pháp, ban phúc, đức khắp bốn phương. Vị này đứng đầu trong tứ đại Thiên Vương. Tay phải cầm bảo tháp, tay trái cầm đinh ba, khác với hình tượng của Phật giáo Trung Quốc (tay phải cầm ô báu, tay trái đặt trên con chuột vàng đang trong tư thế nằm), giống phong cách tượng Ấn Độ.
Trong Đại Phật điện, chỉ có thể nhìn thấy Quảng Mục Thiên Vương và Đa Văn Thiên Vương, nhưng không thấy Trì Quốc Thiên Vương và Tăng Trường Thiên Vương. Tương truyền, các tôn tượng đó đã bị lược bỏ bớt do khó khăn tài chính trong quá trình tái thiết vào thời Edo.
Các kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật của chùa Đông Đại đều chiếm một vị trí tôn quý trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản. Đồng thời, quần thể kiến trúc đặc định của ngôi chùa này tương đồng với quy cách tự viện cao cấp nhất thời Đường ở Trung Quốc, bảo lưu hoàn chỉnh phong cách độc đáo của những ngôi tự viện thời nhà Đường ở Trung Quốc.
Một điểm độc đáo khác của chùa Đông Đại là các đàn hươu bản địa Nhật Bản có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong khu vực chùa rộng lớn, và du khách có thể tự do tiếp xúc và cho hươu ăn. Những người hiện đại sống ở thành phố lâu năm không có nhiều cơ hội tiếp xúc với hươu hoang dã. Vì vậy, những chú hươu Nara đi lại khắp nơi, lẫn vào giữa các đoàn du khách cũng là một điểm thu hút của ngôi chùa này. Trước khi đến tham bái Đại Phật Nara, đừng quên mua một số thức ăn dành cho hươu từ những người bán hàng bên cạnh lối vào ở Cổng phía nam, để có những trải nghiệm khó quên khi cho đàn hươu ăn.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ