Anh: Nhóm người tiêu dùng cảnh báo về việc thu thập dữ liệu cá nhân của các loại TV và máy giặt công nghệ cao
Một nhóm người tiêu dùng đã cảnh báo rằng hệ thống chuông cửa, TV và thậm chí cả máy giặt sử dụng công nghệ cao cũng đang xâm phạm quyền riêng tư của chúng ta bằng cách gián tiếp thu thập dữ liệu cá nhân.
Tổ chức có tên là Which? này kết luận rằng các thiết bị thông minh đang thu thập nhiều dữ liệu hơn mức cần thiết, thậm chí còn gắn nhãn hiệu cho các thiết bị gia dụng là “gián điệp trong nhà.”
Họ đã phân tích chính sách quyền riêng tư của các loại loa, camera, và chuông cửa có thương hiệu nổi tiếng và nhận thấy rằng các thiết bị này đều đòi hỏi người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn mức cần thiết để hoạt động.
Điều đó bao gồm các loại camera và chuông cửa thông minh do công ty Trung Quốc Hikvision sản xuất, mà các chuyên gia giám sát cho rằng hệ thống camera an ninh (CCTV) của công ty này ẩn chứa rủi ro an ninh.
Nghiên cứu cho thấy camera và chuông cửa thông minh Ezviz được các nhà bán lẻ lớn trên đường phố bán ra gồm Argos, có thiết bị theo dõi từ ít nhất hai công ty Trung Quốc khác, bao gồm bộ phận tiếp thị kinh doanh của TikTok, Pangle và Huawei.
Which? đã phát hiện ra hệ thống thông minh này cũng có các thiết bị theo dõi từ Google và Meta giúp thu thập dữ liệu cá nhân.
Loa thông minh Bose vừa chia sẻ dữ liệu người dùng với Meta vừa chia sẻ thông tin với các sản phẩm Google Nest, vốn yêu cầu thông tin liên lạc và thông tin định vị.
Arlo, thuộc sở hữu của thương hiệu hệ thống báo trộm Verisure; Eufy — một công ty khác của Trung Quốc — cũng như Ring thuộc sở hữu của Amazon, công ty sản xuất chuông cửa thông minh, muốn có quyền truy cập vào “vị trí nền” (background location) của người dùng.
Which? khẳng định, nếu chỉ để cảnh báo người dùng khi hệ thống an ninh gia đình của họ được kích hoạt thì yêu cầu này là không cần thiết
Phần lớn việc thu thập dữ liệu được thực hiện thông qua các ứng dụng di động được kết nối với các thiết bị này.
Hiện tại, nhóm đang kêu gọi cơ quan giám sát quyền riêng tư của Anh Quốc can thiệp và thúc giục người tiêu dùng thận trọng hơn trước khi họ đồng ý [với yêu cầu mà thiết bị đưa ra].
Tính minh bạch
Nói về nghiên cứu của nhóm người tiêu dùng này, bà Rocio Concho, giám đốc phụ trách vấn đề chính sách và vận động chính sách của Which?, cho biết việc công chúng tiếp tục phải “trả giá” bằng dữ liệu cá nhân của họ để sử dụng các loại thiết bị thông minh đó là không thể chấp nhận được.
Bà Concho nói: “Người tiêu dùng đã trả tiền cho các sản phẩm thông minh, trong một số trường hợp là hàng nghìn bảng Anh, vì vậy việc họ phải tiếp tục ‘trả giá’ bằng thông tin cá nhân của mình là quá đáng.”
“Các công ty không nên thu thập nhiều dữ liệu hơn những gì họ cần để cung cấp dịch vụ sẵn có này, đặc biệt nếu họ định vùi lấp thông tin quan trọng này trong các điều khoản và điều kiện dài dòng văn tự.”
Bà Concho kêu gọi Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) xem xét việc cập nhật các hướng dẫn để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn khỏi việc vô tình để lộ lượng lớn dữ liệu của chính họ mà không nhận ra.
Bà nói: “Theo luật bảo vệ dữ liệu, các công ty phải minh bạch về những gì họ thu thập cũng như cách xử trí thông tin và việc thu thập phải phù hợp và chỉ được thực hiện khi cần thiết.”
“Tuy nhiên, Which? cho hay, các lý do để lấy thông tin thường quá rộng để người tiêu dùng hiểu rõ được giá trị, khi mà các công ty khẳng định về ‘các lợi ích hợp pháp’ của họ.”
Báo cáo được công bố hôm thứ Năm (07/09) của Which? cho biết, người tiêu dùng cần phải “phân tích kỹ càng” điều khoản thỏa thuận trước khi họ nhấn nút “chấp nhận” khi đăng ký các thiết bị và ứng dụng mới.
Bản hướng dẫn có tên là “Gián Điệp Trong Nhà” này cho biết nhiều người không hiểu đầy đủ chính xác những gì họ đang ghi danh vì các chính sách bảo mật thường dài dòng và khó hiểu.
Một khảo sát dành cho các thành viên của Which? cho thấy tỷ lệ người không đọc bất kỳ chính sách quyền riêng tư nào chiếm tới một phần ba, hai phần ba còn lại nói rằng họ chỉ đọc lướt qua.
[Chính sách của] Google Nest dài 20,000 từ, sẽ mất 1 giờ 20 phút để một người đọc bình thường có thể đọc hết.
Tự giao nộp thông tin
Trình bày tại phiên chất vấn gần đây của Hạ Nghị viện Anh về các thiết bị được kết nối, Tiến sĩ Efpraxia Zamani, giảng viên cao cấp về hệ thống thông tin tại Khoa Thông tin thuộc Đại học Sheffield, cho biết các điều khoản và điều kiện phức tạp đến mức người tiêu dùng không phải là đồng ý chia sẻ dữ liệu mà là “tự giao nộp” thông tin đó.
Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ Nghị viện Anh gần đây đã kêu gọi chính phủ chuẩn hóa giao diện quyền riêng tư cho các thiết bị được kết nối để khắc phục vấn đề này.
Hưởng ứng trước báo cáo này, phát ngôn viên của Amazon cho biết: “Chúng tôi thiết kế các sản phẩm của mình để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của khách hàng, đồng thời giúp khách hàng kiểm soát trải nghiệm của họ.”
“Chúng tôi không bao giờ bán dữ liệu cá nhân của họ, và chúng tôi không bao giờ ngừng nỗ lực để giữ an toàn cho thông tin của họ. Chúng tôi sử dụng dữ liệu một cách có trách nhiệm để cung cấp những gì khách hàng của chúng tôi mong đợi: những sản phẩm mà họ yêu thích và những sản phẩm luôn được cải thiện để trở thành phiên bản tốt hơn.”
Phát ngôn viên của Google nói rằng: “Google luôn tuân thủ đầy đủ luật bảo mật hiện hành và cung cấp sự minh bạch cho người dùng về dữ liệu mà chúng tôi thu thập và cách chúng tôi sử dụng dữ liệu đó.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times