Ảnh hưởng của Trung Cộng dẫn đến bạo loạn tại quần đảo Solomon
Hối lộ chính trị của Bắc Kinh chính là nguyên nhân.
Một phần Khu Chinatown và một đồn cảnh sát ở thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon đã bị thiêu rụi trong các cuộc biểu tình khởi phát vào ngày 24/11/2021.
Nhiều người dân địa phương không hài lòng với việc Thủ tướng Manasseh Sogavare quay lưng lại với Đài Loan và hướng về Bắc Kinh trong năm 2019 (được người dân địa phương gọi là “Sự Thay đổi Đột ngột”), chưa kể đến sự đói nghèo, các ưu đãi dành cho những cư dân người Hoa, và việc làm rơi vào tay ngoại kiều do các công ty Trung Quốc thuê, thay vì trao cho người dân địa phương.
Bắc Kinh được cho là đã biếu tặng lên tới 615,000 USD cho mỗi một nghị viên Quốc hội để bỏ phiếu cho sự thay đổi đột ngột này. Các tài liệu cho thấy các khoản chi 200,000 USD của đại sứ quán [Trung Cộng] cho 39 nghị viên Quốc hội thân Bắc Kinh – một số lượng [nghị sĩ] cần thiết để sửa đổi hiến pháp, điều mà ông Sogavare mong muốn thực hiện.
Kết quả của sự ảnh hưởng độc đoán lộng quyền của Bắc Kinh ở Solomons và việc khai thác kinh tế trên các hòn đảo cách xa thủ đô, là gần giống một cuộc nội chiến sắc tộc, với hòn đảo đông dân nhất của quốc gia quần đảo này, đó là đảo Malaita được Hoa Kỳ và Đài Loan ủng hộ. Tất cả điều này được dựng lên là để chống lại vị thủ tướng được Bắc Kinh hậu thuẫn của đất nước, và theo một số báo cáo, [để nhắm vào] dân tộc thiểu số và người dân tộc gốc Hoa địa phương của hòn đảo thủ đô này, bao gồm những người nhập cư thế hệ thứ nhất và thứ hai.
Sự hỗn loạn chính trị này là do sai lầm của Hoa Kỳ, Úc, và các đồng minh, những nước đã bỏ mặc Solomon đến độ mà Bắc Kinh có thể tăng cường ảnh hưởng của mình ở đó, và khai thác triệt để quần đảo này về mặt kinh tế và chính trị, giống như việc gây ra bạo lực đa chủng tộc, mà gần đây có lẽ dẫn đến sự tử thương của ba người vì hỏa hoạn ở Khu Chinatown.
Năm 2017, Solomon đã ký một hiệp ước an ninh với Úc mà họ đã kích hoạt để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện hữu.
Giờ đây, Úc, New Zealand, Fiji và Papua New Guinea (PNG) đang can thiệp — với hàng trăm cảnh sát, quân đội, và một tàu hải quân — một số nhà phân tích cho rằng sự can thiệp này không chỉ là quá ít ỏi, quá muộn màng mà còn sai đối tượng, vì hành động này là đang ủng hộ một chính phủ thân Bắc Kinh.
Theo bà Cleo Paskal, một nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn Chatham House, sự tham nhũng của chính phủ [được] Bắc Kinh [dưỡng thành], sự xúi giục bạo loạn bằng cách bắn vào các cuộc biểu tình ôn hòa trước đó, và các cam kết truy tố những người được cho là đứng sau vụ bất ổn này, có thể dễ dàng mở rộng thành một cuộc tấn công phổ biến hơn nhằm vào những nhân tố ủng hộ dân chủ của hòn đảo.
Ông Alex Gray, cựu chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia [của Hoa Kỳ] nhận định, “Canberra dường như không nhìn nhận tình hình bất ổn hiện qua thấu kính về sự cạnh tranh của Trung Quốc. Chính phủ của ông Sogavare đã chứng tỏ mình là một công cụ cho những tham vọng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, và sự can thiệp của Úc sẽ củng cố quyền lực của ông Sogavare ở Honiara. Trong khi lên án tình trạng bạo lực trong những tuần gần đây, Hoa Thịnh Đốn nên nhìn nhận rằng kết quả này là trực tiếp đi ngược lại với những lợi ích của mình.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ James To, tác giả của một cuốn sách về người Hoa ở hải ngoại, lại lập luận rằng sự can thiệp này là cần thiết.
Ông nói: “Canberra không có lựa chọn nào khác — họ bị ràng buộc bởi Hiệp ước, và họ cần thực hiện lời hứa, chứ không chỉ có nói suông khi họ phải thể hiện trách nhiệm đối với khu vực Thái Bình Dương. Bất cứ điều gì khác sẽ làm suy yếu mọi thứ mà Úc đã đang cố gắng thể hiện như một cường quốc trong khu vực.”
Ông tiếp tục, “Một diễn biến khác sẽ là không thể nào chấp nhận được đối với Canberra — nếu Trung Quốc tăng cường sự hiện diện, ảnh hưởng và hoạt động của mình trên khắp ‘khu vực làm ăn’ của Canberra.”
Giống như ông Grey, bà Paskal chỉ trích sự can thiệp của Úc, mà bà lập luận là chống lại những cư dân ủng hộ dân chủ, những người tìm cách bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình.
So sánh tình hình bất ổn này với Hồng Kông, bà Paskal nói rằng “Giành được quyền kiểm soát một quốc gia dù chỉ được ủy quyền, Trung Cộng [Đảng Cộng sản Trung Quốc] phá hủy tăng trưởng kinh tế của tất cả mọi người, trừ nhóm đặc quyền, đặc lợi, và dẫn đến chủ nghĩa độc tài ngày một lớn dần lên (và ngày càng tàn bạo) mạnh tay đàn áp những quan điểm bất đồng, công khai trong nước. Người dân địa phương chỉ có thể hoặc phục tùng một chế độ dùi cui hoặc liều mạng để cố gắng chống trả.”
Bà Paskal kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nền dân chủ trên toàn cầu. “Nếu bây giờ thế giới tự do không tập hợp lại để hỗ trợ những người chiến đấu trên tuyến đầu, chiến tuyến sẽ mở rộng, Trung Cộng có được nhiều nguồn lực và quyền tiếp cận chiến lược hơn, và kết cục là sau đó chúng ta sẽ chiến đấu chống lại một Trung Cộng có vị thế tốt hơn và mạnh hơn.”
Bà Paskal, ông Grey, và ông James To đều đúng. Úc và các đồng minh nên can thiệp để củng cố nền dân chủ và ngăn chặn bạo lực đối với các cộng đồng người Hoa địa phương ở Solomons. Nhưng trong khi làm như vậy, họ cũng nên loại bỏ bất kỳ chính trị gia nào đồng lõa với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Ông Sogavare, người ủng hộ Bắc Kinh, cần phải bị loại bỏ do đồng lõa với chủ nghĩa khủng bố. Cần cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và tiến hành một cuộc bầu cử mới.
Khi một chính phủ ủng hộ chủ nghĩa toàn trị, đó được cho là một chính phủ thất bại và không còn hợp pháp (ngay cả khi được bầu một cách dân chủ), đặc biệt là khi người đứng đầu nhà nước không còn được dân chúng ủng hộ do hối lộ độc tài. Khi các tiểu bang thất bại, người dân của họ và các tiểu bang hợp pháp khác (phải là dân chủ theo định nghĩa của [nhà triết học người Anh] John Locke), nên khôi phục lại nền dân chủ.
Do đó, Úc và các đồng minh có trách nhiệm can thiệp và loại bỏ ông Sogavare một cách khéo léo, để nền dân chủ thực sự có thể phát triển mạnh mẽ trở lại ở Quần đảo Solomon.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: