Ấn Độ chỉ trích Trung Quốc và Pakistan mời các nước khác tham gia vào những dự án hành lang kinh tế
Hôm 26/07, giới chức Ấn Độ đã lên án một hành động của Pakistan và Trung Quốc liên quan đến việc mời thêm các quốc gia khác tham gia vào các dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC). Ấn Độ không công nhận hành lang này là hợp pháp, khi tuyên bố rằng vùng lãnh thổ này thuộc về Ấn Độ và đã bị Pakistan chiếm đóng bất hợp pháp.
Phát ngôn viên đặc trách các vấn đề ngoại giao của Ấn Độ Arindam Bagchi nói rằng bất kỳ sự can dự nào của các bên thứ ba trong CPEC sẽ “xâm phạm trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.”
Ông Bagchi cho biết chính phủ Ấn Độ “phản đối một cách mạnh mẽ và cứng rắn các dự án trong cái gọi là CPEC,” vốn đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp là Jammu và Kashmir của nước này.
“Những hoạt động như vậy vốn dĩ là bất hợp pháp, không chính đáng và không thể chấp nhận được, và sẽ nhận được sự đáp trả tương ứng từ phía Ấn Độ,” ông nói trong một tuyên bố bằng văn bản.
Nhận xét của ông Bagchi được đưa ra sau khi Pakistan và Trung Quốc tuyên bố hôm 22/07 rằng họ sẽ mời bất kỳ quốc gia thứ ba nào tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng CPEC trị giá hàng tỷ dollar này để “hợp tác đôi bên cùng có lợi.”
Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ Ngoại giao Pakistan nói rằng CPEC là “phần quan trọng nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường” và đã tạo ra một bước đột phá trong việc tăng cường kết nối quốc tế và khu vực, đặc biệt là liên quan đến việc mở rộng hành lang này sang Afghanistan.
Bẫy nợ của Trung Quốc
CPEC là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng hồi năm 2013. Các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, đã chỉ trích chương trình cơ sở hạ tầng BRI là một “bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.
Trung Quốc đã đầu tư hơn 62 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng theo chương trình CPEC, bao gồm một dự án cảng nước sâu ở Gwadar, châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn hồi tháng 11/2021.
Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao có trụ sở tại Hoa Kỳ tuyên bố trong báo cáo tháng Bảy của họ rằng “chỉ một số ít” các dự án cơ sở hạ tầng giao thông vận tải do BRI tài trợ ở Pakistan đã được hoàn thiện.
Ông Felix K. Chang, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao cho biết, “Do đó, mặc dù thâm hụt thương mại của Pakistan với Trung Quốc tăng hơn 164% từ năm 2013 đến năm 2021, nhưng rất khó để quy sự suy giảm đó cho BRI.”
Pakistan đã tham gia một chương trình tài trợ trị giá 6 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 07/2019 sau khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Nhưng nguồn tài trợ này đã bị tạm ngưng do những vấn đề liên quan đến các cải tổ cần thiết.
Islamabad đang đàm phán với IMF để hồi sinh quỹ cứu trợ này. Hồi tháng Năm, Thủ tướng Shehbaz Sharif cho biết, nợ ngoại quốc của Pakistan đã đạt đến mức mà ngay cả các thế hệ sau này cũng không thể trả hết.
“Chính phủ của ông Imran Khan đã nhận những khoản vay lớn đến nỗi các thế hệ sau của chúng ta có thể không trả nổi,” ông Sharif nói trong một bài diễn văn trước công chúng, đề cập đến người tiền nhiệm của mình.
Các cuộc biểu tình lớn chống lại CPEC nổ ra vào tháng 11/2021 khi người dân địa phương phản đối việc chính phủ cấp giấy phép cho tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt gần thành phố cảng Gwadar.
Họ cũng phản đối tình trạng thiếu nước uống và thiếu điện trầm trọng, hạn chế đi lại, và hạn chế tiếp cận biển do mức độ an ninh cao của hành lang CPEC vốn chạy xuyên qua tỉnh [Balochistan].
Các cuộc biểu tình đã giảm bớt sau khi chính phủ đồng ý với hầu hết các yêu cầu của người biểu tình hồi tháng 12/2021.
Cô Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.