Ấn Độ: 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm ngày thứ 8, các quan chức xem xét kế hoạch giải cứu khác
LUCKNOW, Ấn Độ—Vụ sập đường hầm ở miền Bắc Ấn Độ khiến 41 công nhân bị mắc kẹt đã bước sang ngày thứ tám. Các quan chức đã và đang cố gắng tiếp cận những công nhân này, và đến hôm Chủ Nhật (19/11) họ đang tính đến các kế hoạch giải cứu khác sau khi quá trình đào hầm phải tạm dừng vì máy khoan gặp trục trặc.
Hôm thứ Bảy (18/11), một máy khoan mới đã được chuyển đến địa điểm xảy ra tai nạn ở tỉnh bang Uttarakhand để thay thế một chiếc máy khoan bị hỏng khi khoan xuyên qua đá và mảnh vụn. Họ đã sử dụng máy khoan đó để đục một đường thông tới chỗ những công nhân bị mắc kẹt, từ đó họ có thể đặt một đường ống rộng để cho mọi người chui qua và thoát ra ngoài.
Ông Devendra Patwal, một quan chức quản lý thảm họa cho biết, cho đến nay, các nhà chức trách đã khoan được 24m (79 feet) xuyên qua khu vực bị sụt lún với các mảnh đá vụn, nhưng cần phải khoan 60m (197 feet) mới có thể đưa được các công nhân ra ngoài.
Hôm Chủ Nhật, các quan chức đang cân nhắc các biện pháp mới để giải cứu công nhân. Bà Deepa Gaur, một phát ngôn viên của chính phủ, cho biết phương án mới có thể bao gồm khả năng sử dụng máy khoan mới được gửi đến để khoan xuyên thẳng từ đỉnh đồi xuống nơi các công nhân đã bị mắc kẹt bên trong đường hầm bị sập.
Bà nói, phương án này sẽ tốn nhiều thời gian hơn, có thể phải mất thêm bốn hoặc năm ngày nữa.
Khoảng 200 nhân viên cứu trợ thiên tai đã có mặt tại hiện trường để sử dụng thiết bị khoan và máy xúc trong hoạt động cứu nạn, với kế hoạch là đẩy các ống thép rộng 80cm qua một lỗ hổng sau khi dọn sạch đất đá vụn.
Ông Anshu Manish Khalkho, giám đốc Tập đoàn Phát triển Cơ sở hạ tầng và Xa lộ Quốc gia (NHIDCL), cho biết sau khi họ tạm dừng hoạt động khoan hôm thứ Bảy, các chuyên gia bắt đầu lo ngại rằng rung động cường độ cao của máy khoan có thể khiến nhiều mảnh vụn rơi xuống và cản trở nỗ lực cứu nạn. Máy có công suất khoan lên tới 5m/giờ và được trang bị ống có đường kính 99 cm để dọn sạch đất đá vụn.
Ông Khalko cho biết việc khoan thẳng đứng từ đỉnh đồi cũng có thể tạo thêm nhiều mảnh vụn, nhưng họ sẽ chọn một kỹ thuật cụ thể được thiết kế để khoan qua các lớp đất bồi, nơi nền đất không ổn định khiến các phương pháp truyền thống trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia hy vọng phương pháp này sẽ giúp giảm thiểu mảnh vụn.
Tuy nhiên, một thách thức là việc khoan từ trên xuống có nghĩa là họ sẽ cần đào sâu 103 mét (338 feet) để tiếp cận những công nhân bị mắc kẹt — gần gấp đôi so với khi họ tiếp tục đào từ phía trước.
Ông Bhaskar Khulbe, nhân viên phụ trách dự án đường hầm, cho biết các nhà chức trách cũng đang dự tính khoan từ hai bên và từ cuối đường hầm.
Ông Vijay Singh, một quan chức tại phòng điều khiển, cho biết họ cũng đã mở rộng đường ống được lắp đặt bên trong đường hầm để các công nhân bị mắc kẹt nhận được thực phẩm như các loại hạt, đậu gà rang, bỏng ngô, và các mặt hàng thiết yếu khác. Việc cung cấp oxy đang được vận hành qua một đường ống riêng biệt.