8 loại hoa thích hợp trồng trong vườn rau, vừa đẹp vừa ăn ngon và có thể xua đuổi côn trùng
Có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới việc trồng những cây hoa xinh đẹp trong vườn rau thì cảnh tượng sẽ như thế nào? Việc trồng hoa trong vườn rau thật sự có rất nhiều lợi ích. Nó không chỉ biến vườn rau trở nên tươi đẹp như một khu vườn hoa rực rỡ, mà việc trồng xen lẫn này còn có thể ngăn cản côn trùng có hại và thu hút côn trùng có lợi, chẳng hạn như những loài côn trùng thụ phấn hoa. Điều thú vị hơn là, nhiều loại hoa có thể ăn được, thích hợp chế biến thành món ăn hoặc pha chế thành đồ uống.
Trong cùng một vườn rau, cây hoa và rau được trồng xen kẽ (interplanting) với nhau. Việc gieo hạt cùng lúc, chăm sóc nhiều loại cây cùng lúc, sẽ tiết kiệm được thời gian và không gian. Mặc dù một số cây hoa không thể ngăn chặn côn trùng có hại hoặc thu hút côn trùng có lợi, nhưng những bông hoa xinh đẹp của chúng thực sự được yêu thích. Khi hái rau thì có thể đồng thời ngắt vài cành hoa cắm vào bình, trang trí cho bàn ăn, khiến căn phòng càng thêm xinh đẹp thú vị.
Dưới đây xin giới thiệu 8 loại hoa, bạn có thể trồng xen kẽ, tạo nên một góc nhìn mới cho vườn rau nhà mình nhé!
1. Cúc kim tiền
Cúc kim tiền (Calendula, Pot Marigolds) hay còn gọi là cúc tâm tư, thường bị nhận nhầm thành cúc vạn thọ Pháp (French marigold). Đây là loài hoa rất thích hợp để trồng xen kẽ trong vườn rau. Hoa của nó không chỉ hấp dẫn nhiều loại côn trùng thụ phấn như ong mật, bướm, mà còn hấp dẫn những loại côn trùng ăn thịt bắt các loài rệp cây (aphid) và côn trùng gây hại khác.
Cúc kim tiền là loài cây che phủ đất hoặc che phủ cây trồng rất có giá trị, bộ rễ chùm dày có thể bảo vệ hoặc ngăn chặn sự xói mòn của đất. Hoa kim tiền sau khi tàn có thể trở thành chất xúc tác của phân bón, giúp phân giải phân bón, tăng thêm lượng chất hữu cơ trong đất trồng. Điều thú vị nhất là hoa cúc kim tiền có thể dự đoán thời tiết: khi khí hậu ẩm ướt, hoa sẽ khép lại, đây là dấu hiệu cho biết thời tiết sẽ trở nên ẩm ướt.
Hoa cúc kim tiền cũng có thể được sử dụng trong ẩm thực. Ví dụ như dùng cúc kim tiền và Bách lý hương làm bánh quy bơ Scotland, hoặc dùng Cúc kim tiền pha chế thành món trà lạnh. Đây là những món điểm tâm ngọt và thức uống thuần thiên nhiên cho buổi trà chiều.
Hoa cúc kim tiền có các màu sắc khác nhau như vàng, cam, hồng và màu vàng nhạt. Đây là loài hoa ưa nắng hoặc môi trường có ít bóng râm, thích hợp trồng trên đất màu mỡ, có độ acid từ nhẹ đến trung bình và thoát nước tốt.
2. Cúc vạn thọ
Hoa cúc vạn thọ (Tagetes sp.) có thể được dùng để ngắm, cũng có thể dùng trong ẩm thực. Cánh hoa có thể chế biến thành món salad hoặc ngâm thành trà để uống, còn có thể làm gia vị thay thế cho cây Ngải thơm (tarragon).
Trồng cây hoa cúc vạn thọ xung quanh vườn rau tạo hàng rào, khiến thỏ sợ hãi và không dám bước vào vườn rau. Nếu trồng cúc vạn thọ kết hợp với những cây họ đậu, có thể khiến bọ rùa Mexico bối rối không tìm thấy cây mà chúng thích.
Cây cúc vạn thọ có hiệu quả rất tốt trong việc xua đuổi các loài côn trùng gây hại như ruồi trắng (whitefly), sâu sừng cà chua (tomato hornworm), bọ trĩ (thrips) và bọ xít (squash bugs). Rễ của cây cúc vạn thọ tiết ra một chất có tác dụng diệt tuyến trùng nốt sần rễ (root nematodes). Nếu bạn đang lo lắng về tuyến trùng nốt sần rễ gây nguy hại cho cây trồng, vậy thì sau mùa cây cúc vạn thọ sinh trưởng, hãy nhớ để lại gốc và rễ của chúng ở trong đất.
Hoa cúc vạn thọ có các màu sắc như đỏ, cam, vàng và vàng kim. Đây là loài hoa ưa nắng, thích hợp trồng trên đất có độ ẩm trung bình và thoát nước tốt.
3. Hoa hướng dương
Vườn rau cũng là nơi rất tốt để trồng cây hoa hướng dương. Nó có thể làm giá đỡ cho những cây dây leo. Hoa hướng dương chứa nhiều mật, thu hút côn trùng thụ phấn. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là sóc cũng thích hoa hướng dương và thích ăn hạt của cây này. Vì vậy, nếu trồng cây hoa hướng dương để thu hoạch hạt, cần phải thực hiện một số biện pháp ngăn chặn sự phá hoại của loài sóc. Chẳng hạn như trồng các loại rau có lá thô như bí đỏ Mỹ phía dưới cây hoa hướng dương, có thể giúp ngăn chặn động vật xâm nhập.
Hạt hướng dương có thể ăn được. Ví dụ, làm món trứng chiên hạt hướng dương đơn giản và bổ dưỡng: tuần tự cho hạt hướng dương, hạt mè và hạt lanh vào chảo và rang qua, sau đó thêm bơ và khuấy đều; thêm một chút tiêu đen; tiếp đó cho trứng gà vào, khuấy đều cho đến khi chín; sau đó trút ra đĩa, rắc một ít hành hoa cắt nhỏ lên trên là có thể thưởng thức.
Hoa hướng dương có màu vàng, đỏ, màu socola và màu đỏ rượu. Cây cần ánh nắng chiếu trực tiếp hoàn toàn, thích hợp trồng ở đất bình thường, đủ nước và thoát nước tốt.
4. Cúc sao nhái
Nếu muốn thu hút các loài côn trùng ăn thịt có ích như bọ cánh gân xanh (green lacewings) để săn bắt rệp, côn trùng giáp xác và sâu đục lá, thì nên trồng cây cúc sao nhái (Cosmos bipinnatus) hay còn gọi là cúc Ba Tư lớn, đặc biệt là các giống màu trắng hoặc cam nhạt.
Cúc sao nhái là cây dễ sinh trưởng nhất, có thời gian ra hoa dài, thường được trồng làm hoa cắm bình (hoa cắt cành), tất nhiên cũng sẽ thu hút côn trùng thụ phấn có ích. Hoa cúc sao nhái có đặc tính chống oxy hóa, nếu dùng làm sản phẩm chăm sóc da, có thể có hiệu quả trong việc làm chậm quá trình lão hóa da.
Hoa cúc sao nhái có các màu như hồng, tím, đỏ, vàng, cam và trắng. Cây cần ánh nắng chiếu trực tiếp, thích hợp trồng trong đất thông thường, có độ ẩm trung bình và thoát nước tốt.
5. Hoa Lưu ly
Cây lưu ly (Borage) là loại thực vật thân thảo, thích hợp trồng xen kẽ trong vườn rau. Cây lưu ly có lịch sử thảo dược phong phú, có tác dụng làm dịu các triệu chứng khó chịu trong chu kỳ sinh lý ở phụ nữ, giúp làm đẹp, dưỡng nhan. Ngoài ra, nó còn có thể được dùng để làm món salad hoặc làm nước chanh lưu ly mát lạnh vào ngày hè: cho lá cây lưu ly cùng với nước cốt chanh, nước và mật ong vào máy xay sinh tố, xay cho đến khi thành một loại nước mịn là có thể dùng được.
Cây lưu ly là một trong những lựa chọn hàng đầu cho vườn rau gia đình. Đây là loài cây dễ trồng và tự nhân giống sinh sôi, giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Lưu ly thu hút ong mật và những chú chim nhỏ, đồng thời có đặc tính thu hút côn trùng thực vật, chuyên dụ loài bọ rệp, nên cũng thu hút các loài côn trùng săn mồi ăn rệp. Cây lưu ly có thể dùng làm phân bón xanh hoặc cho thêm vào phân bón giúp phân hủy nhanh. Rễ cây có tác dụng giúp đất thoát nước và thông khí.
Hoa lưu ly có hình ngôi sao, màu xanh lam hoặc hồng. Cây cần ánh nắng chiếu trực tiếp nửa ngày đến cả ngày, thích hợp với loại đất trồng màu mỡ, ẩm ướt và thoát nước tốt.
6. Cúc bách nhật
Hoa cúc bách nhật (Zinnia elegans) có mật hoa dồi dào, hấp dẫn ong mật và các loài côn trùng thụ phấn khác. Chim ruồi (hummingbird) cũng thích bay đến gần loài hoa này. Hoa cúc bách nhật cũng có thể thu hút côn trùng gây hại, nhất là các loài bọ màu xám trắng, hồng nhạt, và đặc biệt loài bọ cứng Nhật Bản (Japanese Beetle) gây hại nghiêm trọng cho cây trồng. Tuy nhiên, trừ khi trong vườn đã xuất hiện bọ cánh cứng Nhật Bản và cần phải giải quyết chúng gấp, còn không thì người ta thường không trồng cúc bách nhật để tránh thu hút bọ cánh cứng Nhật Bản đến phá vườn.
Hoa cúc bách nhật có màu sắc đa dạng, nở liên tục, rất thích hợp làm hoa cắm bình.
Hoa cúc bách nhật có màu đỏ, hồng, vàng, cam, tím nhạt, tím, xanh và trắng. Cây cần ánh nắng chiếu trực tiếp, thích hợp với loại đất trồng giàu hữu cơ, thoát nước tốt.
7. Hoa sen cạn
Cây sen cạn (Tropaeolum majus, còn gọi là hoa Kim liên), sắc màu rực rỡ như gấm hoa, tràn đầy không khí vui mừng, thích nhiệt độ hơi thấp, mùa hoa có thể kéo dài đến mùa thu. Cây sen cạn có thể bảo vệ rau xanh chống lại loài bọ bí và bọ cánh cam, còn có khả năng thu hút bọ rệp. Hoa và lá sen cạn ăn rất ngon, nếu để côn trùng ăn hết thì sẽ rất đáng tiếc.
Hạt của loại cây này tương đối lớn, dễ thu hoạch và có thể dùng cho mùa gieo hạt lần sau, có nhiều giống sen cạn có khả năng nhân giống. Trước khi gieo hạt, cần phải dùng dao cắt một đường nhỏ vào hạt giống hoặc dùng giấy nhám loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài hạt, giúp hạt giống dễ nảy mầm hơn.
Hạt giống này còn có thể được ngâm thành món hạt lên men, không tốn kém mà lại ngon miệng. Nguyên liệu: hạt của cây sen cạn màu xanh, nước, giấm trắng, muối, đường, lá nguyệt quế và húng tây tươi.
Hoa sen cạn có màu đỏ, cam, vàng và màu vàng nhạt. Cây cần ánh nắng chiếu hoàn toàn hoặc một phần, phù hợp với loại đất trồng cằn cỗi đến trung bình, có tính acid nhẹ và thoát nước tốt.
8. Hoa oải hương
Cây hoa oải hương ưa ánh nắng mặt trời, thích hợp với loại đất trồng thoát nước tốt. Vì vậy, các loại rau trái trồng cạnh và kết hợp với hoa oải hương, tốt nhất cũng nên có cùng điều kiện sinh trưởng. Cây hoa oải hương là bạn đồng hành tuyệt vời của măng tây và các loại hương thảo Địa Trung Hải, nếu trồng kết hợp sẽ cho hiệu quả rõ rệt.
Ở trong gia đình, cây oải hương có nhiều công dụng. Ví dụ, tự làm siro oải hương. Cách làm: lấy cánh hoa oải hương đun sôi với nước, sau đó thêm mật ong và đường; nấu liu riu, khuấy đều cho đến khi đường và mật ong tan ra, để nguội 1-2 tiếng. Sau đó, cho siro oải hương và sữa yến mạch vào coffee, sẽ có món thức uống rất thơm ngon. Hương thơm của oải hương kết hợp với mùi thơm của coffee, vừa giúp thân tâm thư thái, lại có cảm giác dễ chịu.
Trồng oải hương trên luống đất xung quanh vườn rau, tạo thành hàng rào tự nhiên rất đẹp mắt. Hương thơm nồng nàn của oải hương cũng có thể thu hút côn trùng thụ phấn và côn trùng có ích. Bọ ve (tick) là loài gây hại hoạt động trong các bụi cỏ, còn mang mầm bệnh truyền nhiễm, nhưng chúng rất không ưa thích mùi oải hương. Loài bướm trắng nhỏ cũng sợ mùi oải hương, thậm chí ngay cả chuột cũng tránh xa cây oải hương.