8 cách đơn giản để thực hiện lối sống xanh cho nhà bếp
Thực hành các thói quen bền vững không chỉ tốt cho môi trường; mà còn giúp bạn tiết kiệm chi phí năng lượng và tạo ra ít chất thải hơn. Cắt giảm lượng nước, điện, gas, và những vật dụng dùng một lần là những cách đơn giản để làm cho nhà bếp của bạn trở nên thân thiện với môi trường hơn. Hãy sử dụng danh sách dưới đây để đánh giá những thói quen nấu nướng và dọn dẹp của bạn, đồng thời khám phá xem việc đi theo lối sống xanh sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí về lâu dài như thế nào.
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu cố gắng sống bền vững hơn, hãy cam kết thực hiện [chỉ] một ý tưởng mới từ hôm nay. Dần dần theo thời gian, hãy thử thách bản thân để nâng cao lối sống xanh của bạn bằng cách cắt giảm chi phí hóa đơn tiện ích cùng chất thải nhà bếp. Dưới đây là tám cách dễ dàng để bắt đầu.
1. Làm sạch an toàn
Tốt hơn hết là bạn nên kiểm tra các nhãn [bao bì] trên các sản phẩm tẩy rửa xem có chứa “những từ báo hiệu” theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường hay không. Từ nguy hiểm cho biết đó là các công thức có hại nhất, theo sau là cảnh báo và thận trọng. Để tìm hiểu về nhãn Lựa chọn An toàn hơn (Safer Choice), bạn hãy vào xem trang web của Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA. Để biết các thuật ngữ khác, bạn hãy tìm hiểu Bộ Giải Mã Nhãn của Nhóm Công Tác Môi Trường (Environmental Working Group’s Label Decoder).
2. Tối đa hóa hiệu suất tủ lạnh của bạn
Tủ lạnh nên đầy nhưng không quá chật, và các cuộn dây không bị bám bụi. Tránh cất trữ thực phẩm khi còn đang quá nóng. Và dù khoản tiền bạn tiết kiệm được khá nhỏ nhặt, thì bạn cũng nên tuân theo lời dạy của Cha: Đừng để cửa tủ lạnh mở quá lâu.
3. Tiết kiệm năng lượng nấu ăn
Nấu ăn theo mẻ lớn, [chế biến] các món ăn nấu gọn trong một nồi (one-pot meal) và rã đông thịt trong tủ lạnh (không phải lò vi sóng) giúp giảm mức độ sử dụng các thiết bị gia dụng. Những cách tiết kiệm năng lượng đơn giản khác: chọn nồi có kích thước phù hợp với bếp và tránh mở cửa lò nướng khi đang nấu. Sử dụng nắp nồi cũng giúp bạn giảm nhiệt độ bếp.
4. Rửa chén hiệu quả
Một chiếc máy rửa chén tiết kiệm năng lượng kết hợp với việc rửa bát bằng tay cẩn thận là cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí và ít gây tác động tới môi trường. Khi rửa bát đĩa trong bồn, bạn hãy cọ rửa, ngâm và chà đĩa trong nước nóng pha với xà bông, sau đó nhúng vào nước lạnh sạch. Đối với máy rửa chén, bạn hãy chọn chế độ rửa nguyên tải (full load) vào giờ thấp điểm (như giờ đi ngủ), và không sử dụng chế độ sấy nhiệt.
5. Tránh [mua] các bao bì không cần thiết
Bạn hãy thực hiện những thói quen mua sắm mà giúp bạn giảm thiểu rác thải và tiết kiệm tiền. Dần dần giảm số lượng bao bì bạn mua bằng cách chọn các gói ngũ cốc, nui mì và gia vị cỡ lớn, sau đó đổ chúng vào các hũ tái sử dụng tại nhà. Mang theo hộp đựng của riêng bạn (loại được cửa hàng chấp nhận) để mua thực phẩm như ngũ cốc sấy khô theo số lượng lớn. Sử dụng các túi vải hoặc túi lưới cho hoa quả và rau củ, đồng thời cân nhắc kỹ về các sản phẩm được đóng gói sẵn hoặc đựng trong hộp nhựa. [Vì] ngoài bao bì dùng một lần, rau củ được chế biến trước còn đắt tiền và có thể giảm giá trị dinh dưỡng.
6. Tái sử dụng những gì bạn có thể và tái chế phần còn lại
Trên ứng dụng Pinterest tràn ngập những ý tưởng cho các lọ thủy tinh, như tạo ra các bồn cảnh thủy tinh hay cắm thảo mộc trong nước. Và những lọ đó đi kèm “miễn phí” khi bạn mua những lọ dưa chua, sốt salsa và nước sốt spaghetti. Hãy giảm thiểu rác và thùng tái chế là cách nhanh nhất để hướng tới lối sống không rác thải.
7. Chọn hộp đựng có thể tái sử dụng
Những lọ thủy tinh có nắp kín khí vẫn là một trong những cách tốt nhất để bảo quản thức ăn thừa. Các cách khác để tránh dùng những chiếc hộp sử dụng một lần gồm có màng bọc bằng sáp ong, sản phẩm tạo ra lớp đậy chặt trên mặt tô, có thể giặt tay và tái sử dụng. Thay vì dùng túi nhựa dùng một lần, hãy chọn túi silicon có thể làm nóng hoặc làm nguội, có thể dựng đứng được và có khóa kín. Hộp đựng bằng thép không gỉ cũng là một lựa chọn tái sử dụng khác, chúng nhẹ và không dễ bị vỡ.
8. Nuôi dưỡng đất
Khi vận hành trung tâm tái chế nhỏ của riêng bạn, hãy cân nhắc đến việc ủ phân. Lượng chất hữu cơ mà bạn tạo ra theo thời gian bằng cách trộn thức ăn thừa với rác sân vườn sẽ giúp bạn bớt phải mua đất và phân bón cho sân nhà và khu vườn của mình. Nguồn dinh dưỡng đó tốt cho đất của bạn, và bạn đã giúp giảm khí methane mà thực phẩm tạo ra trong các bãi chôn lấp rác. Ngoài ra, đất có trộn phân hữu cơ thì ít cần tưới nước hơn.
Ái Như biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times