5 điều mà Trung Cộng sợ nhất
Ý kiến bình luận
Hôm 16/4, tòa án Hồng Kông đã chính thức tuyên án các nhà hoạt động dân chủ chủ chốt bị kết án vào tháng trước (03/2021). Hầu hết các bản án của họ là khoảng từ một năm đến 18 tháng tù giam. “Tội danh” mà những người này bị kết tội là tụ tập bất hợp pháp mà không được cho phép trong một cuộc biểu tình quy mô lớn hồi tháng 08/2019 với sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông.
Tội danh này dường như không liên quan đến Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, nhưng nhiều người đã móc nối việc xét xử và kết án của tòa án Hồng Kông với Luật An ninh Quốc gia do Trung Cộng áp đặt.
Vì nỗi sợ hãi là động lực cho nhiều hành động hiếu chiến trong và ngoài nước của Trung Cộng, nên hành vi gần đây của Trung Cộng ở Hồng Kông tiết lộ một số nỗi sợ hãi chính yếu của nhà cầm quyền này.
Cô lập về kinh tế
Trên bình diện thế giới, tính hợp pháp của chế độ cộng sản trong ba thập kỷ qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng kinh tế và tiềm năng kinh tế từ dân số đông. Nó sử dụng điều này làm mồi nhử để thao túng các chính phủ và tập đoàn ngoại quốc muốn có thị phần tại Trung Quốc.
Ba động lực chính của tăng trưởng kinh tế là đầu tư, tiêu dùng và xuất cảng. Trong đó tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đại lục đóng góp ít nhất vào GDP của chính nước này, chỉ chiếm hơn 40% GDP – ít hơn nhiều so với mức 70% thông thường của hầu hết các quốc gia khác. Ngoại thương thông qua xuất cảng là đòn bẩy lớn cho GDP của Trung Quốc.
Hệ thống Trung Cộng là một hệ thống chuyên chế hành chính lãnh đạo. Chế độ này kiểm soát xã hội theo nhiều cách, nhưng trong hai thập kỷ qua, sự kiểm soát này đã được phản ánh thông qua các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Các nhà chức trách càng có nhiều tiền, quyền kiểm soát của họ đối với xã hội càng mạnh mẽ.
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đại lục dựa trên mô hình Đông Á, trong đó chú trọng xuất cảng. Mô hình Đông Á dựa vào tiêu dùng ở các thị trường ngoại quốc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lý do tại sao việc cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc lại khiến Trung Cộng kinh hãi đến vậy.
Điều này không chỉ đơn giản là do khả năng hạn chế sự phụ thuộc của thị trường Hoa Kỳ vào các sản phẩm Trung Quốc–mà hành động này đã buộc các quan chức Trung Cộng phải xem xét lại việc tiếp tục mô hình Đông Á ở đại lục, từ đó đặt ra thách thức đối với cấu trúc của mô hình tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của ông Trump và ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới, Trung Cộng đã phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho sự phát triển kinh tế trong tương lai của mình. Đây là lý do lớn nhất khiến Trung Cộng bắt đầu thúc đẩy sự tự lực và lưu chuyển nội bộ nguồn vốn tại Trung Quốc. Một khi nền kinh tế suy thoái, doanh thu của nhà cầm quyền Trung Cộng sẽ chịu áp lực, và ngân sách để duy trì sự ổn định chế độ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu không có đủ tiền để tuyên truyền và đủ động lực để hợp pháp hóa sự lãnh đạo độc tài của Trung Cộng đối với Trung Quốc, chế độ [cộng sản] này sẽ lung lay.
Trao đổi công nghệ với phương Tây bị đổ vỡ
Nỗi sợ hãi này chủ yếu liên quan đến nền kinh tế, bởi vì nền kinh tế dựa vào xuất cảng của Trung Quốc đã chạm ngưỡng của nó, nên quý vị chỉ có thể xuất cảng nhiều hàng hóa như vậy thôi. Với sự phát triển của nền kinh tế thế giới ở một ngưỡng [nhất định], xuất cảng hàng hóa giản đơn và giá rẻ không thể tăng với tốc độ như trong vài thập kỷ vừa qua. Do đó, Trung Quốc cần nâng cấp chất lượng sản phẩm để tiếp tục gia tăng thị phần của nước này. Điều này sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải nghiêm túc nâng cấp đổi mới công nghệ và thiết kế.
Tiến bộ công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát xã hội và duy trì quân đội của Trung Cộng. Trung Cộng khét tiếng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách hà khắc để giám sát và theo dõi công dân của mình.
Nếu việc trao đổi khoa học và công nghệ với phương Tây bị gián đoạn, sẽ tác động nghiêm trọng đến Trung Cộng, đặc biệt là việc Trung Cộng mất đi khả năng đánh cắp tài sản trí tuệ từ ngoại quốc.
Một lượng lớn sinh viên ngoại quốc đến từ Trung Quốc đại lục học tập và nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các trường đại học Âu Châu và Hoa Kỳ. Vào năm 2020, có hơn 370,000 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hoa Kỳ. Đối với Trung Cộng, đây là một kênh và là phương thức “trao đổi” vô giá với khoa học và công nghệ Hoa Kỳ. Giờ đây, Hoa Kỳ không chỉ đã cắt đứt các hoạt động trao đổi học thuật cao cấp mà còn đang xem xét làm thế nào giảm số lượng sinh viên Trung Quốc theo các ngành khoa học và kỹ thuật.
Mặc dù Trung Quốc có nhiều chuyên gia khoa học và công nghệ xuất sắc, nhưng [kiểu] văn hóa hiện nay lại kìm hãm sự sáng tạo và đổi mới thực sự, bởi vì sự đổi mới và sáng tạo vốn dĩ không tương hợp với các hệ thống chuyên quyền và toàn trị. Nếu không thể tiếp tục “trao đổi” khoa học và công nghệ với ngoại bang, thì tiến bộ về khoa học và công nghệ dưới sự thống trị của Trung Cộng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Sự độc lập của Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương
Trung Cộng khởi đầu với chủ nghĩa Marx cùng chủ nghĩa cộng sản và luôn sử dụng điều này làm nguyên tắc cốt lõi cơ bản để cai trị Trung Quốc đại lục.
Nhưng trên thực tế, kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa dưới thời Mao Trạch Đông, tư tưởng cộng sản thuần túy đã biến mất ở đại lục. Chỉ một số lãnh đạo cao cấp của Đảng thực sự còn tin tưởng vào hệ tư tưởng của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa cộng sản, điều này đã mang đến một cuộc khủng hoảng chưa từng có về tính chính danh của Trung Cộng.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng này, kể từ đó Trung Cộng đã áp dụng chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến để khẳng định quyền kiểm soát của mình. Đây là lý do tại sao chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy trong hai thập kỷ qua.
Chẳng hạn, trong các thế hệ tuyên truyền trước đây, Trung Cộng đã cố tình nói về chiến thắng của nó trước những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc để hợp pháp hóa việc Trung Cộng nắm chính quyền. Nhưng gần đây, Trung Cộng đã bắt đầu nhấn mạnh các cuộc chiến tranh lịch sử của Trung Quốc chống lại Nhật Bản, mạnh bạo tuyên bố rằng Trung Cộng đã dẫn đầu những chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản. Mọi người đều biết rằng chính những người theo Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã lãnh đạo cuộc chiến chống Nhật Bản vào thời điểm đó. Để che lấp sự thật này, Trung Cộng đã thay đổi độ dài được ghi nhận trong lịch sử về cuộc chiến tranh kháng Nhật của Trung Quốc từ 8 năm thành 14 năm để tính cả cuộc Bình định Mãn Châu Quốc, một cuộc nổi dậy kháng Nhật từ Mãn Châu Quốc, do Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Cộng cùng lãnh đạo vào giữa những năm 1930.
Tuy nhiên, sự nhiệt thành đối với chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đại lục do Trung Cộng liên tục thúc đẩy vẫn không suy giảm. Người dân Trung Quốc đã bắt đầu nhìn Trung Cộng từ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc và bản sắc Trung Quốc hơn là ý thức hệ cộng sản.
Vào năm 2016, ông Tập Cận Bình đã mạnh bạo tuyên bố trong một bài diễn văn trước công chúng rằng nhà cầm quyền này “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai, bất kỳ nhóm nào, bất kỳ đảng phái chính trị nào, vào bất kỳ thời điểm nào, dưới bất kỳ hình thức nào, tách rời bất kỳ phần nào ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.”
Tuyên bố cứng rắn này là một ví dụ hoàn hảo cho việc kích hoạt làn sóng chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến đang trỗi dậy ở Trung Quốc đại lục.
Do đó, khi đối mặt với các vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, Trung Cộng không thể nhân nhượng hoặc thể hiện bất kỳ sự yếu kém nào thông qua nhượng bộ. Thông qua quá trình phát triển của mình, Trung Cộng đã vô tình lấy lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc để biện minh cho sự cai trị của mình, không còn lại bất kỳ lý tưởng cộng sản ban đầu nào của nó.
Tự do tín ngưỡng
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, Trung Cộng đã tăng cường đàn áp tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh, với một mục tiêu rất rõ ràng: loại bỏ bất kỳ niềm tin vào ý thức hệ nào khác ngoài Trung Cộng. Để duy trì quyền lực, nhà cầm quyền này kiểm soát những gì người dân Trung Quốc có thể chứng kiến, có thể làm, và có thể tin tưởng.
Trung Cộng đã phá bỏ các nhà thờ, bắt giữ các nhà lãnh đạo giáo hội ngầm, và buộc các nhà lãnh đạo Công giáo phải tuân theo các chỉ thị của Trung Cộng vi phạm các nguyên tắc của Thiên Chúa giáo.
Ở Tây Tạng, chiến lược chính của Trung Cộng nhằm tiêu diệt phong trào độc lập của Tây Tạng là nhắm vào Phật giáo Tây Tạng. Các đồn cảnh sát được thiết lập bên trong các tu viện Tây Tạng. Các Lạt ma Tây Tạng bị buộc phải nghiên cứu chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật và “tư tưởng Tập Cận Bình.” Những người bất đồng chính kiến bị bắt và bỏ tù mà không cần xét xử.
Ở Tân Cương, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đã bị bắt và đưa vào các trại tập trung để tẩy não tập thể. Trọng tâm chủ đạo ở đây vẫn là hệ tư tưởng tôn giáo. Một số lượng lớn các giáo sĩ Hồi giáo đã bị bắt, và các kinh điển tôn giáo khác nhau đã bị tiêu hủy. Bất kỳ bài diễn văn trực tuyến nào về đức tin và tôn giáo đều bị coi là “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” và bị kiểm duyệt.
Cốt lõi của việc đàn áp ở cả Tân Cương lẫn Tây Tạng đều là tôn giáo. Ở Tân Cương, nhà cầm quyền cộng sản đã cố gắng xóa bỏ mọi văn hóa tôn giáo. Những nỗ lực này bao gồm việc ép các tín đồ tôn giáo uống rượu, ăn thịt lợn, kết hôn phụ nữ Hồi giáo với nam giới người Hán Trung Quốc, và thực hiện việc cưỡng bức phá thai và triệt sản, tất cả đều vi phạm các giáo lý cơ bản của đạo Hồi. Nhưng trong mắt Trung Cộng, những thông lệ Hồi giáo truyền thống này lại là biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Đối với các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, có một cơ quan riêng biệt nằm ngoài vòng pháp luật, giống như Gestapo của Đức Quốc xã, được thành lập có tên là Phòng 610. Trong hai thập kỷ qua, các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tra tấn mọi mặt về thể xác lẫn tinh thần. Những ai nhượng bộ bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình và tuyên bố chỉ trung thành với Trung Cộng và học thuyết vô thần. Những ai kháng cự sẽ phải đối mặt với sự tra tấn liên tục và thậm chí các cơ quan nội tạng của họ bị thu hoạch và bán trên thị trường cấy ghép tạng bất hợp pháp cho những người ở trong nước và ngoại quốc liều lĩnh mong được thay thế nội tạng.
Tôn giáo và niềm tin cá nhân thường có sự ước chế đối với đạo đức vượt thoát khỏi hệ tư tưởng chính trị và quốc gia, tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho bất kỳ chế độ độc tài toàn trị nào.
Gỡ bỏ “cái nhãn” Trung Cộng khỏi định nghĩa về người dân Trung Quốc
Điều mà Trung Cộng lo sợ nhất là sự thật rằng Trung Cộng không phải là Trung Quốc, và Trung Cộng không đại diện cho người dân Trung Quốc.
Ngày 04/09/2020, Tập Cận Bình đã có bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc. Mở đầu bài diễn văn, ông đã tự hào giới thiệu 5 điều “thề không” của Trung Cộng. Theo kênh thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, 5 điều này là:
“Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay thế lực nào xuyên tạc lịch sử của Trung Cộng hoặc bôi nhọ bản chất và sứ mệnh của Đảng.
Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân, hoặc thế lực nào xuyên tạc, làm thay đổi con đường chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc, hoặc phủ nhận và bôi nhọ những thành tựu to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay thế lực nào tách Trung Cộng ra khỏi nhân dân Trung Quốc hoặc gây đối lập giữa Đảng với nhân dân Trung Quốc.
Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay thế lực nào áp đặt ý chí của họ lên Trung Quốc thông qua việc bắt nạt, thay đổi hướng tiến bộ của Trung Quốc, hoặc cản trở những cố gắng của nhân dân Trung Quốc nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhân dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ cá nhân hay thế lực nào gây nguy hại đến cuộc sống hòa bình và quyền phát triển của mình, cản trở sự giao lưu và hợp tác của họ với các dân tộc khác, hay phá hoại sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển của nhân loại.”
Lời hứa thứ năm nhấn mạnh rằng Trung Cộng không sẵn lòng tách rời khỏi các nền kinh tế quốc tế.
Các đảng phái chính trị không tương đồng với chính phủ, và chính phủ không phải là đại diện tuyệt đối cho người dân của bất kỳ quốc gia nào.
Trung Cộng không có nghĩa là đất nước Trung Quốc, và chế độ cộng sản không đồng dạng là người dân Trung Quốc.
Trong loạt bài xã luận của The Epoch Times có tựa đề, “Chín Bài bình luận về Đảng Cộng sản”(Cửu Bình), hành vi của Trung Cộng được mô tả như hành vi của một sinh mệnh ký sinh.
Sự bất phân ranh giới giữa Đảng với đất nước, giữa Đảng với nhân dân, giữa Đảng và chính phủ là những điều kiện tiên quyết và là cơ sở để Trung Cộng tồn tại ở Trung Quốc.
Về nội bộ, trong Đảng và các đảng viên của nó lại rất rõ ràng. Công chức phải là Đảng viên, và việc thăng chức chỉ áp dụng cho các Đảng viên. Nhiều công việc được ưu tiên cho các đảng viên Trung Cộng. Người dân Trung Quốc hiểu rất rõ rằng các đảng viên Trung Cộng là những người thuộc tầng lớp tinh hoa.
Ngày mà mọi người đều hiểu rằng Trung Cộng không đại diện cho người dân Trung Quốc sẽ là ngày tàn của nó. Trung Cộng không phải là Trung Quốc, và Trung Cộng không đại diện cho người dân Trung Quốc.
Nhận thức này lần đầu tiên được đưa ra trong các đề mục chính thức trong một bài diễn văn của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Kể từ đó, Trung Cộng đã mang lòng thù hận sâu sắc đối với ông Pompeo. Tuyên bố của ông đã đánh vào gót chân Achilles của Trung Cộng và có sức mạnh khiến Trung Cộng trở nên hoàn toàn bất hợp pháp.
Tác giả Alexander Liao là một nhà bình luận và là một ký giả, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện.
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: