5 cách thoát khỏi cô đơn, khiến trái tim mỏng manh trở nên dũng cảm
Hết thảy những thứ bên ngoài, đều có thể là tài nguyên của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm từ trong đó những gì phù hợp nhất với mình, sau đó hãy bám rễ thật chắc, ăn sâu vào lòng đất.
Bất luận là phụ thuộc vào sự cởi mở của người khác hay để thoát khỏi nỗi cô đơn, gốc rễ của bản thân đều không nằm ở chính mình. Những tâm hồn mong manh đều từng muốn đem gốc rễ này đặt vào người khác, nhưng hiện tại chúng ta đã biết, điều này là không thể.
Không thể đặt gốc rễ vào trạng thái ảo tượng sai lầm, bởi vì ảo tưởng của bản thân chính là trốn tránh việc đặt cái gốc rễ này.
Có một số người từng nói rằng bản thân không có gốc rễ nào cả, kỳ thực không phải vậy. Hết thảy mọi người đều có gốc rễ, nhưng không phải mỗi cá nhân đều có thể đặt được rễ của mình xuống đó. Rễ cây không bám xuống thì sẽ trôi dạt theo người khác, khiến bản thân người đó không tìm được cảm giác thân thuộc, cũng không có cảm giác an toàn.
Người có tính cách nịnh bợ, chính là người không có cái rễ vững chắc. Mà để cắm rễ, chúng ta có thể làm như thế này.
Thứ nhất: Khiến bản thân trở nên quan trọng
Bạn thường ngại mua những thứ tốt hơn một chút cho mình, nhưng nhiều khi lại mua cho người mình thích mà không hề do dự? Một số người thích hưởng thụ những thứ mà người yêu họ hào phóng mua cho. Điều này không có gì đáng trách, nhưng có một số người xem việc mua cho bản thân là một sự ủy khuất. Nếu bạn là người ở vế sau, thì có thể thay đổi bản thân thông qua những cách dưới đây.
Bạn có thể lựa chọn một số hành động về mặt hành vi để biến việc làm người khác hài lòng thành việc làm hài lòng chính mình. Nếu tìm được thứ mình thích và có thể mua được, hãy hành động quyết đoán, dùng những gì yêu thích để tư dưỡng bản thân. Làm được như thế không hề dễ dàng, nhất là đối với những người có tính cách nịnh bợ, họ có thói quen đặt người khác vào vị trí quan trọng hơn.
Nhận thức được việc quá coi trọng người khác mà bỏ bê chính mình, cũng như hiểu rõ sự khiêm tốn và nỗi sợ hãi của bản thân, như vậy vẫn là chưa đủ. Nhiệm vụ chủ yếu nhất của chúng ta là mang lại một số thay đổi đáng kể cho người có tính cách nịnh nọt. Vậy nên chúng ta cần hành động và làm điều gì đó để tự giúp bản thân.
Nếu kiểu hành vi ban đầu khiến bản thân không thoải mái, thì hãy thay đổi phương thức. Đây ít nhất cũng là một cố gắng tích cực, chứng tỏ rằng bạn đang khám phá những khả năng khác. Có một số người không dám làm cho bản thân trở nên quan trọng, luôn cảm thấy xấu hổ. Điều này có thể là bởi vì họ chưa bao giờ được coi trọng như thế, nên không quen với trạng thái được đánh giá cao.
Điều tôi muốn nói với những người này là, bạn đương nhiên xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp. Nếu bạn mua thứ mình thích, bất kể đắt hay rẻ, chỉ cần là bạn muốn mua thì chúng đều có giá trị. Thật tuyệt nếu bạn có đủ khả năng mua nó, nếu không đủ khả năng thì cũng không có nghĩa là bạn không xứng đáng. Trong tương lai, khi đến thời điểm thích hợp, bạn vẫn có thể sở hữu nó.
Hãy khiến nội tâm của bản thân trở thành thứ quan trọng mà trân quý. Đây là niềm kiêu hãnh của tâm hồn, bạn có thể trực tiếp đáp ứng nhu cầu của bản thân mà không cần đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của bạn.
Nếu có người nguyện ý đáp ứng yêu cầu của chúng ta, như vậy đương nhiên rất tốt. Nếu không có, bạn nên thử thích nghi với cách tự thỏa mãn bản thân mình, đồng thời nên sử dụng tốt nguồn tài nguyên có thể đáp ứng tối đa (bản thân). Khi bạn cảm thấy nguyện vọng và nhu cầu của mình được đối xử tử tế và tôn trọng, bạn sẽ cảm thấy mình xứng đáng được đối xử tốt và được tôn trọng.
Không nên xem nhẹ “Bản thân”, nguồn tài nguyên lớn nhất này, nó sẽ khiến bạn trở nên quan trọng.
Bạn cần nhìn nhận bản thân như một cá thể, không phải là công cụ của ai đó, cũng không phải con búp bê có thể tùy tiện vứt bỏ. Bạn cần được tự do, cần nghỉ ngơi, cần tận hưởng hạnh phúc, dù nỗi buồn là điều không thể tránh khỏi, nhưng đây cũng là trải nghiệm mà ai cũng sẽ có.
Cũng nên ghi nhớ, bạn không phải là Thần, bạn không thể làm được hết thảy mọi thứ.
Thứ hai: Làm cho bản thân mình linh hoạt
Tôi ví sự tích lũy sức mạnh của bản thân như việc bén rễ, và xem sự can nhiễu của bên ngoài giống như làn gió.
Những người có tính cách thích chiều lòng người khác thường dao động, bởi vì gốc rễ của họ không ổn định, những âm thanh và ý kiến bên ngoài rất dễ lấy đi cái tôi của họ. Giống như khi năng lực của chúng ta không đủ mạnh, gió rất dễ trở thành nhân tố bên ngoài làm tổn thương chúng ta.
Hãy khiến bản thân trở nên linh hoạt. Khi nghe thấy những thanh âm bên ngoài, hãy quay về nội tâm và tự hỏi: “Tôi đang nghĩ gì? Tôi có phải là người họ đang nói đến không?” Bạn cần phải có phán đoán độc lập của mình, đừng đóng vai trò làm cha mẹ, bạn bè hay con cái trong mắt người khác, bạn là của bản thân bạn. Dù bạn bị ảnh hưởng bởi lời nhận xét của người khác, xoay theo chiều gió, thì cũng chỉ là thuận theo một chút, cành lá lay động vài lần, sẽ không làm hỏng thân cây.
Sự cứng nhắc sẽ làm bạn tổn thương. Cứng nhắc chính là không linh hoạt, không thể tùy theo diễn biến của sự việc mà thay đổi.
Ví dụ, bạn nghe một người bạn nói rằng đối tác của cô ấy ta đối xử không tốt, cô ấy thề sẽ từ bỏ hợp tác, nhưng sau đó lại đổi ý và muốn tiếp tục hợp tác với người đó. Thế nhưng cách nghĩ của bạn về vấn đề này vẫn dừng ở suy nghĩ ban đầu, và trách cô ấy: “Tại sao bạn lại thay đổi? Chẳng phải bạn nói từ bỏ hợp tác với người ta rồi mà? Tại sao lại tiếp tục hợp tác? Sau này tôi làm sao có thể tin tưởng bạn đây?”
Đây chính là một trạng thái cứng nhắc. Tại thời điểm này, chúng ta cũng cần tự tìm ra cách ứng phó như vậy, đồng thời, cũng cần thử thay đổi trong tình thế khó xử như vậy.
Chúng ta cần lý giải: Sức mạnh của gió cộng với sức mạnh trấn áp và phản kháng sẽ mang đến cho chúng ta áp lực gấp đôi, rất dễ khiến mình bị tổn thương. Nếu suy nghĩ theo chiều hướng linh hoạt, chúng ta sẽ có cơ hội nhận ra rằng chúng ta không phải vì ai đó bên ngoài mà thay đổi, mà là thay đổi vì để tăng thêm không gian cho bản thân.
Trong ví dụ này, người bạn có suy nghĩ và quyết định của riêng mình. Đó là tự do và quyền lợi của họ với tư cách là một cá nhân. Bạn cũng có thể có cách nghĩ của riêng mình. Cách nghĩ của bạn cũng là ý chí tự do đáng được tôn trọng.
Bạn nhìn nhận người khác như thế nào? Bạn cảm thấy người khác đang biểu đạt ý kiến của họ hay đang áp đặt cho bạn? Bạn cảm thấy có địch ý thì sẽ phòng thủ; cảm thấy an toàn thì sẽ ôn hòa. Khi cảm thấy có địch ý, chúng ta cần tự hỏi: “Anh ta có thực sự muốn làm tổn thương mình không?” Nếu bạn cho phép người khác là bản thân họ thì bạn cũng có thể là chính mình. Tôi khuyên bạn nên có nhiều bằng hữu hơn và thử những điều mới mẻ. Điều này rất hữu ích trong việc mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về người khác cũng như cuộc sống.
Thứ ba: Khiến bản thân trở nên kiên định
Nội tâm bất ổn sẽ dễ thay đổi. Khi cảm thấy tâm hồn và thần trí dao động, hãy đưa bản thân quay lại thời điểm hiện tại thông qua hô hấp. Khi cảm thấy bối rối, hãy đưa lực chú ý trở lại thời điểm hiện tại. Tất cả những thứ tại thời điểm hiện tại sẽ giúp bạn phân biệt giữa ảo tưởng và thực tế. “Tôi đang ở đâu? Nhìn thấy màu sắc gì? Nghe được âm thanh gì?” Tất cả những điều này đều có thể giúp bạn ổn định lại.
Bạn còn có thể khơi dậy lòng ái mộ đối với cuộc sống từ trái tim mình, tin rằng những gì mình đang trải qua chính là những gì bản thân phải trải qua, vì vậy hãy cứ trải nghiệm nó.
Phương pháp này có thể giảm thiểu sự phán xét cũng như vọng niệm. Quá khứ đã xa tầm tay, tương lai thì không đoán được, chỉ có hiện tại tồn tại trong từng khoảnh khắc. Bạn chỉ cần đi trải nghiệm nó.
Đã không có đường thoát thì hãy mang theo dũng khí của bạn để đón nhận nó.
Kiên định là loại trạng thái chắc chắn, là tin tưởng vào chính mình. Ở mức độ sâu hơn mà xét, tôi nghĩ đó là tầm nhìn và sự hỗ trợ vô cùng dũng cảm, là niềm tin vào cuộc sống, là hy vọng vào tương lai, là sự bình tĩnh trước những thăng trầm sắp trải qua.
Bằng sự kiên định, bạn có thể tin tưởng sinh mệnh của bạn là duy nhất, tin tưởng bạn xứng đáng với trải nghiệm này trong cuộc đời, tin tưởng ánh hào quang sẽ đến sau đêm đen, tin tưởng sự lương thiện của bạn, lòng nhiệt tình của bạn, sự phấn đấu và bảo vệ đối với tự do của bạn.
Hãy tạo dấu ấn của riêng bạn, phát triển cách nhìn và lý giải về thế giới của bạn. Hãy suy nghĩ nhiều hơn, học hỏi từ kinh nghiệm, học hỏi từ những câu chuyện. Khi thấy ai đó có những hành vi không hợp lý, nội tâm của chúng ta sẽ mách bảo rằng chúng ta không nên làm như thế.
Cảm giác của bạn sẽ cho bạn biết trái tim của mình thực sự ở đâu.
Mọi thứ bên ngoài đều có thể là tài nguyên của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm trong đó những gì phù hợp nhất với mình, cắm rễ vững chắc và ăn sâu vào lòng đất.
Thứ tư: Khiến bản thân trở nên sâu sắc
Hãy cố gắng kết nối mọi thứ xung quanh bạn một cách tinh tế, để mỗi khoảnh khắc đều có thể trở thành cảm xúc vĩnh cửu.
Ăn một chén cơm với cả tấm lòng để cảm nhận được vị ngọt của từng hạt cơm.
Ngắm nhìn chiếc lá một cách tinh tế, quan sát hình dạng, màu sắc của nó, tận hưởng dáng vẻ thật duyên dáng đang đung đưa trong gió của nó.
Lắng nghe một bản nhạc bằng cả trái tim, thưởng thức giai điệu, nhịp điệu cũng như câu chuyện hiện lên trong đầu bạn.
Vẽ một bức tranh cẩn thận, chú ý đến màu sắc, hình dạng và ý nghĩa của nó.
Vui vẻ đồng hành cùng những người bạn yêu thích nhất, cùng nhau tản bộ và chia sẻ những nghi vấn, khó khăn hoặc bí mật trong khoảng thời gian yên tĩnh.
Dành chút thời gian cho con cái, tham gia các trò chơi cùng con trẻ. Trong khoảng thời gian hiếm hoi này, trong ánh mắt sẽ có sự trìu mến và trong trái tim tràn ngập yêu thương.
Dụng tâm đối đãi với những thống khổ, nỗi buồn, nỗi sợ hãi và chung sống với chúng, giống như chung sống với những người bạn cũ. Không tranh không cãi, bạn chỉ cần thân thiết với chúng để chúng biết rằng bạn đang đồng hành cùng chúng.
Hưởng thụ sự vui vẻ bằng cả trái tim, hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với bạn.
Nếu muốn cắm rễ sâu về mọi mặt, bạn có thể kết nối với mọi thứ xung quanh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những món đồ bạn mua, những điều bạn yêu thích, hoàn cảnh xung quanh bạn, v.v.
Dùng thái độ cởi mở đối đãi với nguồn tài nguyên quanh bạn. Sự tự do của bạn nằm ở việc bạn có thể lựa chọn theo nhu cầu của mình. Khi bạn kết nối với chúng, thứ gọi là cảm thụ sâu sắc đó sẽ xuất hiện. Tích lũy từ từ, lắng đọng từ từ, đây là cách tốt nhất để lý giải sâu sắc.
Kết nối sâu sắc, chính là gốc rễ chắc chắn. Cảm thụ sâu sắc này rất có mê lực, có hồn và đầy ý nghĩa.
Thứ năm: Khiến bản thân trưởng thành lần nữa
Trưởng thành lần nữa có nghĩa là mô thức cũ sẽ dần được thay thế bằng mô thức mới, mang hy vọng và sức mạnh mới.
Tuy nhiên, bạn phải cho mình một cơ hội để thử. Nếu không thử thì làm sao có thể biết được nó có hiệu quả hay không?
Cuộc đời có dài có ngắn, hãy sống dũng cảm một chút. Những điều bạn muốn làm nhưng chưa làm được, hãy tìm cơ hội để thực hiện. Những gì bạn muốn nói nhưng chưa nói ra, hãy tìm cơ hội để biểu lộ. Những người bạn yêu thương nhưng chưa thể biểu đạt tình yêu của mình, hãy tìm cơ hội để giãi bày.
Đời người rất dài nhưng cũng rất ngắn, hãy sống dũng cảm. Đừng sợ hãi tính công kích của mình, cần tự mình nở hoa trên chính mảnh đất của mình. Tất nhiên bạn cần phải được quan tâm, nhưng bạn cũng cần áo giáp. Hãy xem tính công kích của bản thân như chiếc áo giáp. Nó có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của bạn, có thể bảo vệ bạn trong những thời điểm quan trọng, cũng có thể che chắn cho bạn khỏi mưa gió khi giông bão ập đến.
Hãy làm việc chăm chỉ ở nơi bạn giỏi và thích thú. Trải nghiệm niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống, đi công tác, đi làm việc, đi thưởng thức những món ngon và cảm thụ những điều tốt đẹp trên thế giới. Bén rễ thật sâu, sau cùng bạn sẽ tha hồ nở hoa, cuộc sống sẽ an toàn và ổn định.
Mộc Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ