400 triệu người đã cắt mọi liên hệ với ĐCSTQ bất chấp sự kiểm soát của cộng sản
NEW YORK — Doanh nhân Trung Quốc họ Trần, ông Chen Quanhong, có một thông điệp mà ông muốn truyền tải đến thế giới: “Tuidang.”
Đó là một cụm từ tiếng Hoa — và nó có nghĩa là “hãy thoái Đảng.”
Cụm từ này được in trên một lá cờ vàng mà ông Trần đã mang theo trong cuộc diễu hành ở Hoa Thịnh Đốn hôm 21/07 để nêu bật các hành vi vi phạm nhân quyền không kể xiết của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông Trần hiện là một trong số 400 triệu người Trung Quốc đã cắt mọi liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của đảng này.
Hồi tháng Sáu, vị chủ doanh nghiệp ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc này đã ra tuyên bố chính thức cắt đứt quan hệ với Đảng, tham gia một phong trào cơ sở kéo dài gần hai thập niên nhằm phơi bày lịch sử lừa dối và sát nhân của chế độ cộng sản này và để cho mọi người cơ hội rút khỏi tổ chức đó.
“Ở Trung Quốc, tôi không khác gì một con sâu bị chà đạp bởi sự cai trị độc đoán, không dám động đậy một chút nào,” ông Trần nói với The Epoch Times. “Mãi cho đến khi tôi đến Mỹ, tôi mới bắt đầu cảm thấy mình là một con người, bởi vì cuối cùng tôi không còn sợ đảng cộng sản nữa.”
Cuộc diễn hành ở Hoa Thịnh Đốn là cuộc diễn hành đầu tiên thuộc loại này mà ông Trần đã tham gia trong hơn 50 năm đời mình. Cuộc diễn hành này đã diễn ra trước một cột mốc quan trọng đối với phong trào Thoái Đảng: 400 triệu người đã thoái xuất khỏi các tổ chức Đảng của họ. Con số đã vượt qua mốc đó hôm 03/08.
“400 triệu — con số này lớn hơn tổng dân số của một vài quốc gia,” bà Dịch Dung (Yi Rong), chủ tịch của Trung tâm Thoái Đảng Toàn cầu ở Flushing, New York, nói với The Epoch Times. “Với một nhóm lớn như vậy từ bỏ ĐCSTQ và tránh xa tội ác của đảng này, điều đó sẽ thúc đẩy một sự thay đổi tích cực trong xã hội Trung Quốc.”
Khi ngày càng có nhiều người tham gia tìm kiếm tự do, một “Trung Quốc mới” thoát khỏi sự kiểm soát của cộng sản dường như gần với thực tế hơn bao giờ hết, bà nói thêm.
Ký ức đen tối
Lịch sử sát nhân của Đảng trong thời kỳ cầm quyền ở Trung Quốc đã khiến nhiều thế hệ gia đình tan nát và đầy những ký ức đau thương, bao gồm cả gia đình ông Trần.
Khi mẹ của ông Trần khoảng 21 hoặc 22 tuổi, bà đã mất người mẹ của mình trong Nạn Đói Lớn, một thảm họa nhân tạo từ 1959 đến 1961 do các chính sách công nghiệp của lãnh đạo ĐCSTQ đương thời Mao Trạch Đông khiến cho hàng chục triệu người chết đói.
Bị cái đói hành hạ, bà ngoại của ông Trần và cô em gái 17 tuổi của mẹ ông đã lấy khoảng nửa bao đậu xanh từ đất hợp tác xã. Sau khi hành động này bị phát hiện, nhà chức trách đã công khai lên án hai người và đánh đập họ. Bà của ông Trần đã bị bịt mắt và bị một nhóm côn đồ vây quanh đánh đập và tát bà, bà mất khoảng 10 ngày sau đó.
Những ký ức đen tối như thế được mẹ của ông Trần kể lại từng chút trong nhiều năm hoặc lượm lặt qua việc đọc trong lịch sử, đã giúp vị doanh nhân này nhìn ra bản chất của ĐCSTQ mặc dù đảng này nhiều lần tuyên bố là “vị cứu tinh của nhân dân”, ông nói.
Phong trào Thoái Đảng
Phong trào Thoái Đảng bắt đầu vào năm 2004, được khơi mào bởi việc xuất bản cuốn “Cửu Bình về Đảng Cộng sản”, một cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên bởi ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times mô tả chi tiết về sự tàn bạo và lừa dối diễn ra dưới chế độ độc tài toàn trị này.
Kể từ đó, hàng triệu bản của cuốn sách này đã được đưa vào Trung Quốc. Nhiều người giúp phân phát những bản sao này là học viên của Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần mà chế độ này đã tìm cách xóa sổ bằng một chiến dịch bắt giữ, tra tấn, và bôi nhọ danh dự trên phạm vi toàn xã hội trong 23 năm qua và hiện vẫn còn tiếp diễn.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tĩnh tại gồm một bộ niềm tin đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Sự phổ biến rộng rãi của môn tu luyện này ở Trung Quốc trong những năm 1990 — với hơn 100 triệu người theo học vào năm 1999 — được coi là một mối đe dọa đối với sự nắm giữ quyền lực độc tài của ĐCSTQ.
Là một chủ nhà hàng ở Sơn Đông, ông Trần từng nhận được nhiều tài liệu thông tin về Pháp Luân Công từ hai học viên đã dùng bữa tại nhà hàng của ông, những người mà ông nhớ là “vô cùng ôn hòa và thân thiện.”
Sự kiên trì của họ bất chấp sự đàn áp không ngừng của chính quyền đã khiến ông rất ấn tượng, và một lần nữa gây bất ngờ cho ông ở Flushing, thành phố New York, vào tháng Bảy, khi ông đi qua một quầy thông tin Pháp Luân Công đang khuyến khích mọi người thoái Đảng và các tổ chức liên đới nó.
“Tôi chỉ nghĩ, ‘Loại người nào lại đi bắt bớ những người đang theo đuổi chân, thiện, và nhẫn? Chắc chắn không phải là người tốt,” ông nói, trích dẫn ba giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công. Tại Trung tâm Thoái Đảng Toàn cầu ở Flushing, một tình nguyện viên đã đưa cho ông một bản sao của cuốn Cửu Bình. Ông đã đọc nó ba lần và biết rằng ông không còn muốn liên đới gì với Đảng đó nữa.
Thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng
ĐCSTQ duy trì ba tổ chức cho các nhóm tuổi khác nhau: Đội Thiếu niên Tiền phong, dành cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống; Đoàn Thanh niên Cộng sản dành cho những thanh niên từ 14 đến 28 tuổi, và tư cách Đảng viên.
Mặc dù hai tổ chức sau không phải là bắt buộc, nhưng tư cách Đảng viên vẫn được coi là chứng chỉ cần thiết cho bất kỳ ai mong muốn làm việc trong chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước. Tính đến năm 2021, Trung Quốc có khoảng 110.4 triệu đội viên Thiếu niên Tiền phong, 73.7 triệu Đoàn viên Thanh niên, và 96.7 triệu Đảng viên, theo số liệu của nhà nước. Con số này lên tới tổng cộng 280.8 triệu người — bằng ⅕ dân số Trung Quốc.
Nhưng bà Dịch Dung, chủ tịch của Trung tâm Thoái Đảng, tin rằng phạm vi kiểm soát của ĐCSTQ đối với xã hội còn rộng lớn hơn nhiều. Khi gia nhập mỗi tổ chức của Đảng, mỗi cá nhân phải tuyên thệ cống hiến trọn đời mình cho Đảng. Một lời hứa như vậy về căn bản ràng buộc người đó với chế độ này ngay cả khi tuổi tác tự động loại họ khỏi các nhóm thanh niên, bà nói.
“Bởi vì quý vị đã cống hiến cuộc đời mình cho Đảng, quý vị không còn là người tự do nữa. Quý vị không thể kiểm soát cuộc sống của chính mình,” bà Dịch Dung Yi nói. “Vì lý do này, Đảng Cộng sản có quyền tự do tàn sát, tẩy não, lừa dối và bức hại người Trung Quốc một cách tùy tiện.”
Bà cho biết để hủy bỏ lời tuyên thệ này đòi hỏi một tuyên bố chính thức — ngay cả khi họ chọn sử dụng một hóa danh vì sợ bị chế độ này trả thù.
Hiện tại, trung tâm Thoái Đảng đang nhận được khoảng 50,000 yêu cầu mỗi ngày, theo ước tính của trung tâm.
Thay đổi thái độ
Tại Đài Loan, có khoảng 3,000 tình nguyện viên hỗ trợ phong trào Thoái Đảng. Mỗi tháng, khoảng 20,000 người Trung Quốc đại lục đồng ý thoát Đảng sau khi nói chuyện với các tình nguyện viên qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp, theo một điều phối viên, ông Bạch Đức Hùng (Bai Dexiong).
Ông Bạch đã kể lại trường hợp gần đây của một thanh niên đến từ Sơn Đông, Trung Quốc, người đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ một trong những trung tâm Thoái Đảng. Người thanh niên đó độ khoảng 20 đến 30 tuổi. Anh ấy tự mô tả mình là một người từng theo chủ nghĩa dân tộc, sẽ rất kích động trước những lời chỉ trích đối với ĐCSTQ dù là nhỏ nhất.
Tuy nhiên, thái độ của anh đã thay đổi, khi anh có kết quả dương tính với COVID-19 và nhà chức trách đã niêm phong cửa căn hộ của anh và nhốt anh bên trong, cấm anh tham gia các hoạt động cơ bản như mua thức ăn. Anh bị mất việc trong thời gian cách ly. Anh đã dành thời gian rảnh rỗi mới của mình trên internet và bằng cách sử dụng mạng riêng ảo để vượt qua kiểm duyệt kỹ thuật số của ĐCSTQ, anh đã đọc ngấu nghiến về quá khứ của chính quyền và trở nên xấu hổ về sự thiếu hiểu biết trước đây của mình, anh đã nói với tình nguyện viên như thế, theo ông Bạch.
Nhà cầm quyền này chỉ có thể tự trách mình vì phong trào Thoái Đảng ngày càng lớn mạnh, bà Dịch Dung nói. Bà cho rằng các chính sách phong tỏa hà khắc của Bắc Kinh là biểu hiện mới nhất cho thấy sự khinh thường của họ đối với sinh mạng con người.
‘Đả đảo Đảng Cộng sản’
Phong trào này cũng đang tạo được dấu ấn ở Trung Quốc đại lục.
Anh Tăng Hàm Tiếu (Zeng Hanxiao), 26 tuổi đến từ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã bị giam giữ 4 tháng sau khi lên tiếng ủng hộ một nhà bất đồng chính kiến trong danh sách truy nã của Đảng.
Anh đã yêu cầu thoái khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong vào tháng Tư sau khi biết về phong trào Thoái Đảng. “Thoái Đảng là một kiểu hình thức tái sinh và cứu rỗi,” anh Tăng nói với The Epoch Times vào thời điểm đó về quyết định của mình, đồng thời nói thêm rằng linh hồn của anh giờ đã “trong sạch”.
Ngay sau đó, anh Tằng lại bị bắt vì hô to các khẩu hiệu như “Đả đảo Đảng Cộng sản” trước Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Quảng Châu. Anh được tại ngoại vào ngày 28/07 sau khi bị cảnh sát đánh đập vào đầu và bị biệt giam kéo dài.
Sau khi được thả, anh Tăng cho biết anh cảm thấy thôi thúc muốn tìm hiểu về động lực của phong trào Thoái Đảng.
“Điều đó cho thấy có bao nhiêu người đang cùng tôi chống lại ĐCSTQ,” anh nói.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Chung Nguyên và Cố Hiểu Hoa