4 loại giấy tờ cần điều chỉnh khi đã có căn cước công dân gắn chip
Số CMND hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD) có liên quan đến tất cả các giấy tờ cá nhân, vì vậy, khi đổi qua CCCD gắn chíp, nhiều người thắc mắc có phải đổi/điều chỉnh thông tin các giấy tờ liên quan hay không?
Về vấn đề này luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, khi chuyển từ CMND 9 số sang CCCD 12 số, người dân cần điều chỉnh một số hồ sơ, giấy tờ, như:
- Cập nhật thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác có đăng ký;
- Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng,
- Cập nhật thông tin Bảo hiểm xã hội;
- Sửa đổi thông tin trên hộ chiếu;
- Thông báo với cơ quan thuế để tránh việc bị từ chối, khó khăn khi thực hiện các thủ tục có liên quan.
Còn theo Thư viện Pháp Luật, để thực hiện các giao dịch mới thuận tiện, người dân cần sửa đổi/cập nhật 4 loại giấy tờ sau khi đã đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD gắn chíp 12 số. Cụ thể:
(1) Cập nhật thông tin BHXH, thẻ BHYT
Sổ BHXH, thẻ BHYT của công dân không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD trên sổ, thẻ nên công dân không phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số qua thẻ CCCD gắn chíp 12 số.
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT… công dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.
Trình tự thực hiện:
Bước 1. Lập hồ sơ gồm mẫu tờ khai TK1-TS và bảng kê thông tin (mẫu D01-TS) và những giấy tờ khác tùy thuộc vào từng trường hợp theo quy định tại Quyết định 222/QĐ-BHXH ngày 25/02/2021.
Bước 2. Nộp hồ sơ
– Người tham gia
+ Người đang làm việc: Nộp hồ sơ cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp thu.
+ Người tham gia BHXH tự nguyện, tham gia BHYT theo hộ gia đình, người được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT: Nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH trực tiếp thu.
+ Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: Nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
+ Người tham gia do tổ chức BHXH đóng BHYT: Nộp hồ sơ cho UBND xã hoặc cho cơ quan BHXH. Đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi cấp lại, đổi thẻ BHYT: Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH tỉnh.
+ Người tham gia do ngân sách nhà nước đóng BHYT: nộp hồ sơ cho UBND xã. Trường hợp điều chỉnh thông tin nộp hồ sơ cho UBND xã hoặc cho cơ quan BHXH trực tiếp thu. Người đã hiến bộ phận cơ thể: nộp Giấy ra viện cho cơ quan BHXH trực tiếp thu.
+ Học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường: Nộp hồ sơ cho nhà trường.
– Đơn vị
+ Đơn vị SDLĐ: kê khai hồ sơ liên quan sau đó nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
+ UBND xã; Cơ sở trợ giúp xã hội, Cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và người có công; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; Đại lý thu; Nhà trường; Phòng/Tổ chế độ BHXH: kê khai hồ sơ liên quan sau đó nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
Bước 3. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Bước 4. Nhận kết quả giải quyết gồm sổ BHXH, thẻ BHYT
(2) Sửa đổi hộ chiếu
Do trên hộ chiếu có thể hiện thông tin số CMND/CCCD nên với trường hợp đổi từ CMND 9 số qua CCCD 12 số, người dân cần làm thủ tục đề nghị sửa chi tiết trang nhân thân trong hộ chiếu theo quy định tại Chương II Thông tư 29/2016/TT-BCA ngày 06/7/20216.
Việc thực hiện thay đổi nhằm thống nhất thông tin của hộ chiếu và thông tin CCCD gắn chíp mới được cấp phòng trường hợp hải quan cửa khẩu một số nước yêu cầu xuất trình thêm căn cước công dân mà thông tin không trùng khớp giữa 2 loại giấy tờ này khiến công dân khó có thể xuất hay nhập cảnh.
Trình tự thực hiện:
Người dân chuẩn bị: Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm, CCCD gắn chíp mới được cấp, Giấy xác nhận số CMND cũ đã được cấp trước đó, Sổ tạm trú đối với trường hợp đề nghị đổi tại nơi đăng ký tạm trú.
Nơi nộp hồ sơ: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
(3) Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng
Khi thực hiện các giao dịch tại quầy của ngân hàng mà cần xuất trình CMND/CCCD, nếu công dân chưa thực hiện thủ tục cập nhật số CCCD mới thay cho số CMND cũ vào hồ sơ thông tin tài khoản, ngân hàng sẽ từ chối giao dịch do không xác nhận được nhân thân của chủ tài khoản.
Trình tự thực hiện: công dân mang theo Giấy xác nhận số CMND 9 số, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục.
Đối với những người đang sử dụng số CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi qua CCCD gắn chíp thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật nêu trên do việc đổi sang CCCD gắn chíp không làm thay đổi sổ định danh của cá nhân (Trừ trường hợp trước đó có đổi từ CMND 9 số qua CMND12 số/CCCD mã vạch mà đến hiện tại vẫn chưa cập nhật thông tin).
(4) Thay đổi thông tin đăng ký thuế
Khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 quy định, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế, khi có thay đổi một trong các thông tin trên tờ khai đăng ký thuế (như: thay đổi về số CMND/CCCD,…) phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Người lao động có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế. Người lao động có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 105/2020/TT-BTC, hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế trong trường hợp người nộp thuế thay đổi từ CMND 9 số sang CCCD gắn chíp như sau:
Trường hợp nộp qua cơ quan chi trả thu nhập
- Văn bản ủy quyền (đối với trường hợp chưa có văn bản ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập trước đó);
- Bản sao các giấy tờ có thay đổi thông tin liên quan đến đăng ký thuế của cá nhân hoặc người phụ thuộc;
- Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin thay đổi của cá nhân hoặc người phụ thuộc vào Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT hoặc mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.
Trường hợp nộp trực tiếp tại cơ quan thuế
- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC;
- Bản sao thẻ CCCD hoặc bản sao giấy CMND còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với người phụ thuộc là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài trong trường hợp thông tin đăng ký thuế trên các Giấy tờ này có thay đổi.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người nộp thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế; đồng thời, ban hành Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế đã cập nhật thông tin thay đổi.
Những trường hợp đổi từ CMND 12 số, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp thì không phải thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế.
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, việc người dân cần điều chỉnh một số hồ sơ, giấy tờ không phải là rắc rối khi dùng CCCD gắn chip vì rắc rối này vốn đã tồn tại từ trước đó nếu đổi CMND 9 số sang CCCD mã vạch. Người dân nên chủ động liên hệ cập nhật thông tin với các đơn vị liên quan. Nếu không, khi phát sinh giao dịch, những thông tin trên có thể cập nhật sau.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm
- 36 tỉnh/thành cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19
-
Điểm tin sáng 11/5: Bắc Giang truy vết 808 F1 liên quan đến ổ dịch KCN,
-
Ý kiến bình luận: Không được chích vaccine COVID-19 cho trẻ em