4 ca Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiên lượng nặng
Ngày 10/5, Bộ Y tế cho biết, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, hiện có 4 ca bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền nặng đi kèm.
4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2 gồm:
BN3019, nam, 54 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm không điều trị thường xuyên, sỏi thận 2 bên, suy thận mạn, đã từng mổ lấy sỏi thận trai, nội soi tán sỏi niệu quản, dẫn lưu thận…
Trước đó, từ 9/4, Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW tại cơ sở I. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp tại cơ sở 2. Bệnh nhân được chẩn đoán Viêm hạch- tràn dịch màng phổi- phù phổi cấp, suy tim, suy thận mạn. Hiện bệnh nhân đã được chạy ECMO ngày thứ 5, Thở máy bảo vệ phổi; và điều trị các bệnh lý đi kèm.
Về bệnh nhân này, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam tại điểm cầu Bạch Mai đề nghị, người bệnh cần sàng lọc xác định lại căn nguyên gây hạch; chẩn đoán lao; kiểm soát không để nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, tăng cường dinh dưỡng cũng như theo dõi sát diễn biến của bệnh.
BN3153, nam 63 tuổi, được chẩn đoán viêm cột sống dính khớp hơn 10 năm, không điều trị, gù vẹo cột sống trên 10 năm nay.
2 tháng gần đây bệnh nhân sốt cơn 38-39 độ C, chủ yếu về chiều tối, không ho, không khó thở, đại tiểu tiện bình thường. Bệnh nhân đã khám và điều trị 2 đợt tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương, không rõ chẩn đoán và điều trị, cắt sốt 3-5 ngày được cho ra viện, sốt lại với tính chất tương tự.
Hiện bệnh nhân đang được thở máy, sử dụng kháng sinh; Chống đông; Dinh dưỡng; Phục hồi chức năng và tìm và điều trị nguyên nhân sốt kéo dài. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết, bệnh nhân rất khó cai thở máy cho bệnh nhân bị gù vẹo cột sống, cổ gập ngắn khó mở khí quản.
Các chuyên gia đề nghị, Bệnh viện làm thêm xét nghiệm tuỷ đồ, tăng cường dinh dưỡng và làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác cho bệnh nhân.
BN3015 có tiền sử uống rượu nhiều năm 500ml/ngày và đã bỏ rượu 2 năm nay, bệnh nhân cũng bị xơ gan 2 năm. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do O. Anthropi/ Xơ gan rượu.
Theo BSCK II Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, bệnh nhân xơ gan và loét dạ dày, do đó cần cân nhắc kiểm soát đông máu: có nguy cơ chảy máu cho gan, tiêu hoá… Bệnh nhân cần được theo dõi sát tình trạng sơ gan; tăng cường dinh dưỡng…
BN3028, 70 tuổi ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhập viện ngày 3/4 trong tình trạng sốt kéo dài. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường 21 năm điều trị thuốc uống, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não di chứng yếu 1/2 người trái.
Bệnh nhân sốt từng cơn, có cơn rét run; Đau đầu nhiều khi sốt. Không buồn nôn, không nôn, không ho không khó thở Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/THA – ĐTĐ – Nhiễm nấm cơ hội – Viêm Phổi – Viêm xoang mạn tính- Sốt kéo dài.
Xét nghiệm ngày 05/5, bệnh nhân dương tính với Covid-19 và nhập khoa Cấp cứu điều trị 5 ngày. Hiện bệnh nhân sốt cao, suy hô hấp tăng phải đặt ống nội khí quản và được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Đối với bệnh nhân này, các chuyên gia đề nghị, bệnh viện xem xét đổi kháng sinh, thuốc chống nấm, cấy vi sinh tìm nguyên nhân sốt kéo dai, siêu âm tim, chụp thêm CT đánh giá những tổn thương và tăng cường thêm dinh dưỡng cho người bệnh.
Bộ Y tế cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị, ngoài 1 ca phải can thiệp ECMO và 3 ca nặng khác đã hội chẩn hôm nay; còn có 9 bệnh nhân nặng khác, oxy gọng kính; Tiên lượng nặng (Viêm phổi) 26 trường hợp; Lâm sàng nhẹ 202 trường hợp (chiếm 37,1%).
Thanh Sơn tổng hợp
Xem thêm
- Điểm tin chiều 10/5: Nhân viên cửa hàng xăm hình ở Hải Dương dương tính Covid-19
-
Đã có 32 tỉnh tiếp tục cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 từ hôm nay
-
Lã Động Tân giảng nhân quả: Cự tuyệt tà dâm, Trời cao ban phúc báo