20 công ty Big Tech công bố hiệp ước theo dõi và chống lại nguồn gốc của deepfake trong cuộc bầu cử năm 2024
Adobe, Amazon, ElevenLabs, Google, IBM, LinkedIn, Meta, Microsoft, OpenAI, TikTok, X, v.v. ký kết ‘Hiệp ước Công nghệ’ để chống lại việc sử dụng AI mang tính lừa đảo trong các cuộc bầu cử.
Một nhóm gồm 20 công ty Big Tech đã cam kết ngăn chặn việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính lừa đảo và truy tìm những người tạo ra sự giả mạo này khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác tiến đến cuộc bầu cử vào năm 2024.
Các sản phẩm deepfake về các ứng cử viên chính trị, quan chức bầu cử, và “các bên liên quan quan trọng khác” trong cuộc bầu cử năm nay sẽ nằm dưới sự giám sát của Adobe, Amazon, Anthropic, ARM, ElevenLabs, Google, IBM, Inflection AI, LinkedIn, McAfee, Meta, Microsoft, Nota, OpenAI, Snap, Stability AI, TikTok, TrendMicro, TruePic, và X (trước đây là Twitter).
Những đại công ty công nghệ này, một vài công ty trong số đó đã bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi về việc kiểm duyệt các quan điểm chính trị không được ưa chuộng trong các cuộc bầu cử, đã ký một hiệp ước chống lại việc sử dụng AI mang tính lừa đảo trong cuộc bầu cử năm 2024. Hiệp ước này được công bố tại Hội nghị An ninh Munich (MSC), với sự tham dự của các nhà lãnh đạo toàn cầu và các quan chức an ninh hôm thứ Sáu (16/02).
Trọng tâm cụ thể của hiệp ước này là âm thanh, video, và hình ảnh do AI tạo ra được thiết kế để đánh lừa cử tri và thao túng các tiến trình bầu cử. Theo một thông cáo báo chí, những công ty này sẽ “làm việc một cách hợp tác” để dựa vào mỗi từng nỗ lực hiện có của họ trong lĩnh vực này.
Thông cáo báo chí lưu ý rằng thỏa thuận này được đưa ra khi hơn 4 tỷ người ở hơn 40 quốc gia dự kiến sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử trong năm 2024.
Hiệp ước Công nghệ vạch ra một loạt những cam kết, kể cả việc các công ty này sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra những công cụ phát hiện “và giải quyết” việc sử dụng deepfake — âm thanh, video, và hình ảnh do AI tạo ra có sức thuyết phục.
Nội dung nào cung cấp thông tin sai lệch cho cử tri về thời gian, địa điểm, và cách họ có thể bỏ phiếu cũng sẽ là mục tiêu của các công ty này.
Chủ tịch MSC Christoph Heusgen, người đã mô tả các cuộc bầu cử là “trái tim đang đập” của các nền dân chủ, đã ca ngợi “Hiệp ước Công nghệ” là một “bước quan trọng trong việc thúc đẩy tính liêm chính trong bầu cử, tăng cường khả năng phục hồi xã hội, và tạo ra các thực tiễn công nghệ đáng tin cậy.”
Ông nói trong một tuyên bố: “MSC tự hào cung cấp một nền tảng cho các công ty công nghệ thực hiện các bước nhằm kiểm soát các mối đe dọa bắt nguồn từ AI trong khi đồng thời sử dụng công nghệ này vì lợi ích dân chủ.”
Các công ty tham gia đã cam kết thực hiện 8 hành động trong “Hiệp ước Công nghệ nhằm Chống lại việc Sử dụng AI Lừa đảo trong các Cuộc bầu cử năm 2024.”
Những hành động này bao gồm từ việc hợp tác cùng nhau để phát triển công nghệ để phát hiện và giải quyết deepfake, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy khả năng phục hồi liên ngành, cho đến mang lại sự minh bạch cho công chúng về những nỗ lực của họ.
Hiệp ước cũng thừa nhận sự cần thiết phải tiếp tục tham gia với các tổ chức xã hội dân sự toàn cầu khác nhau và các học giả.
Ông David Zapolsky, phó chủ tịch cấp cao về chính sách công toàn cầu và là tổng cố vấn của Amazon, cho biết: “Amazon cam kết duy trì nền dân chủ và Hiệp ước Munich bổ sung cho những nỗ lực hiện có của chúng tôi nhằm xây dựng và khai triển các công nghệ AI mới đáng tin cậy, bảo mật, và an toàn.”
Bà Dana Rao, tổng cố vấn và giám đốc ủy thác tại Adobe, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc xây dựng niềm tin.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi vui mừng khi chứng kiến nỗ lực này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mà chúng ta cần để cung cấp bối cảnh cho nội dung mà người dùng đang xem trực tuyến,” bà nói trong một tuyên bố.
Hiệp ước Big Tech này hiện giờ là “một bước quan trọng để bảo vệ cộng đồng trực tuyến khỏi nội dung AI có hại,” thông cáo báo chí nói trên lưu ý. Theo một giám đốc điều hành của Meta, chính phủ và các phương diện khác của xã hội sẽ cần phải có trong những nỗ lực này.
Ông Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, cho biết: “Với rất nhiều cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm nay, điều quan trọng là chúng ta phải làm những gì có thể để ngăn chặn mọi người bị lừa bởi nội dung do AI tạo ra.”
“Công việc này quan trọng hơn bất kỳ công ty nào và sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong toàn ngành, chính phủ, và xã hội dân sự,” ông nói thêm. “Hy vọng rằng hiệp định này có thể đóng vai trò là một biện pháp có ý nghĩa của ngành trong việc giải quyết thách thức đó.”
Mối lo ngại liên quan đến công nghệ deepfake gia tăng, đặc biệt là sau khi một cuộc gọi tự động giả làm Tổng thống Joe Biden được sử dụng để ngăn cản mọi người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire. Nguồn của cuộc gọi đó được truy đến một công ty ở Texas. Sự việc này đã khiến Ủy ban Truyền thông Liên bang phải hành động chống lại các cuộc gọi tự động do AI tạo ra.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times