100 ngày tại vị của ông Biden: Nhiều vấn đề chính của Trung Quốc vẫn “đang được xem xét”
100 ngày tại vị của ông Biden: Nhiều vấn đề chính của Trung Quốc vẫn “đang được xem xét”.
Hoa Thịnh Đốn – 100 ngày tại vị của Tổng thống (TT) Joe Biden đã khép lại, theo thuật ngữ của Tòa Bạch Ốc thì một số lập trường chính sách quan trọng và các vấn đề gây tranh cãi vẫn “đang được xem xét.”
Nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc-đối thủ cạnh tranh chiến lược của Hoa Kỳ-một sự đối đầu mà ông Biden đã xác định rõ ràng, gần đây nhất là trong một bài diễn văn trước Quốc hội hôm thứ Tư (28/04), là một cuộc đấu giữa chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền để giành quyền kiểm soát nền kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
Chính phủ TT Biden đã bắt đầu đưa ra một chiến lược tổng thể để cạnh tranh với Trung Quốc dựa vào việc đổi mới các quan hệ với các đối tác như Ấn Độ và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, và đầu tư mạnh vào nội địa.
Nhưng các nhà phê bình nói rằng việc xem xét chậm chạp các chính sách cụ thể có thể khiến các công ty và nền kinh tế Hoa Kỳ phải trả giá.
Sau bài diễn văn của TT Biden, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Mitt Romney nói với báo giới, “Nói cho cùng thì tôi vẫn không tin rằng chúng ta là một quốc gia có chiến lược toàn diện để đối phó với ý định thống trị thế giới của Trung Quốc.”
“Chúng ta không có nhiều thời gian để ngồi đây và ngỡ ngàng về vấn đề này,” dẫn lời một sĩ quan phụ tá giấu tên của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện. “Chúng ta cần có hành động và các chính sách cụ thể.”
Tòa Bạch Ốc đã không phản hồi yêu cầu bình luận về lời chỉ trích trên của Đảng Cộng Hòa về việc xem xét chính sách của họ. Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ biện luận riêng với nhau rằng chính phủ vẫn đang chạy đua để hoàn thành các công việc quan trọng.
TT Biden vẫn chưa nêu tên đại sứ tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, hay ai sẽ đảm nhận vị trí chủ chốt tại Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại-cơ quan giám sát việc xuất cảng công nghệ trọng điểm của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ cho biết họ sẽ xem xét bổ sung “những hạn chế mới có tính mục tiêu” đối với một số mặt hàng công nghệ nhạy cảm xuất cảng sang Trung Quốc với sự hợp tác của các đồng minh, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Thuế quan với hàng hóa Trung Quốc
Chính phủ TT Biden cho biết họ sẽ tiến hành xem xét kỹ lưỡng các mức thuế của Hoa Kỳ, do chính phủ cựu TT Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá gần 400 tỷ USD, nhưng chưa đưa ra thời hạn.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bà Katherine Tai cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây rằng Hoa Kỳ chưa sẵn sàng dỡ bỏ những thuế quan đó, một phần vì đối trọng mà nó mang lại cho các nhà đàm phán Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã không tuân theo những cam kết mua hàng hóa của Hoa Kỳ như đã ký trong thỏa thuận thương mại tháng 01/2020.
Đánh giá chuỗi cung ứng
TT Biden đã dành 100 ngày đánh giá về các rủi ro đối với các chuỗi cung ứng trọng điểm vào tháng Hai, với lý do Hoa Kỳ cần hàng hóa an toàn, đa dạng, đáng tin cậy trong các lĩnh vực như dược phẩm, chất bán dẫn, pin xe điện và khoáng sản đất hiếm.
Các bộ phận như: Bộ Quốc phòng, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ An ninh Nội địa, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dự kiến sẽ đệ trình các báo cáo đề cập đến khả năng phục hồi chuỗi cung ứng sau một năm kể từ sắc lệnh hồi tháng Hai.
Cấm đầu tư
Chính phủ TT Biden cũng chưa nói rõ về cách họ sẽ sử dụng công cụ trừng phạt cứng rắn do cựu TT Donald Trump đưa ra để ngăn cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc, mà chính phủ cựu TT Trump cho là do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát.
Triều Tiên
Trong nhiều tuần, chính phủ TT Biden đã đưa tín hiệu cho thấy sắp hoàn tất bản đánh giá tổng quan về Triều Tiên (các chính phủ Hoa Kỳ nối tiếp nhau đã luôn tìm cách thuyết phục quốc gia theo chủ nghĩa Stalin này từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình). Một quan chức chính phủ cao cấp giấu tên cho biết hôm thứ Tư (28/04) rằng chính phủ đã “tiến gần hơn tới phần cuối của bản đánh giá này,” nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Tòa Bạch Ốc đã chia sẻ rất ít về bản đánh giá này và liệu họ có nhượng bộ để Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán hay không. Tòa Bạch Ốc đồng thời báo hiệu một đường lối cứng rắn về nhân quyền, phi hạt nhân hóa và trừng phạt, đồng thời đưa ra các tuyên bố ngoại giao mà các quan chức cho rằng đã bị Bình Nhưỡng, vốn từ lâu đã yêu cầu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt kinh tế, bác bỏ.
Cuba, Venezuela
TT Biden đã hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 sẽ đảo ngược một phần các biện pháp cứng rắn đối với Cuba của ông Trump, và các phụ tá cho biết họ đang đặc biệt xem xét quyết định vào phút chót của ông Trump khi chỉ rõ Havana nằm trong danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.
Nhưng chính phủ mới dường như lại không vội vàng. Và bất kỳ hành động quan trọng nào kiểu như này sẽ đều có nguy cơ gây ra phản ứng chính trị dữ dội ở tiểu bang dao động then chốt là Florida trước thềm cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. Cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump đã nổi tiếng trong cộng đồng Hoa Kỳ gốc Cuba đông đảo ở khu vực Miami, giúp ông giành chiến thắng tại tiểu bang này vào tháng Mười Một dù ông đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Trong số các vấn đề khác vẫn đang được quyết định là việc làm thế nào để xây dựng một chính sách mới đối với Venezuela, và làm sao đóng cửa trại giam giữ của Hoa Kỳ ở Vịnh Guantanamo, Cuba-nơi giam giữ những kẻ khủng bố bị tình nghi và bị kết án, cũng như những đối tượng khác được cho là có nguy cơ cao về an ninh.
Do Michael Martina và Matt Spetalnick (Reuters) thực hiện
Với sự đóng góp của nhân viên Epoch Times
Hồng Ân biên dịch
Xem thêm: