‘Thủy Hử’ – Cuốn tiểu thuyết anh hùng bậc nhất nói lên đạo lý gì?
Nhà phê bình Kim Thánh Thán đánh giá “Thủy Hử truyện” là một trong “Lục đại tài tử thư” (6 bộ sách tài tử gồm: Nam Hoa kinh, Ly Tao, Sử ký Tư Mã Thiên, Thơ luật của Đỗ Phủ, Thủy hử và Tây sương ký), nó thể hiện tài hoa tuyệt vời như thế nào? Trong “Thủy Hử truyện” có không ít câu nói được xem như lời vàng ngọc, thông qua đó cũng có thể thể ngộ được những đạo lý nhân sinh của tác phẩm “tài tử thư” này.
Bản sắc anh hùng trung nghĩa song toàn
“Thủy Hử truyện” là bộ tiểu thuyết theo lối văn bạch thoại đầu tiên, ban đầu cuốn sách có tên “Giang hồ hào khách truyện,” hay còn có tên “Trung nghĩa Thủy hử truyện,” được xưng danh là tiểu thuyết anh hùng bậc nhất của Trung Quốc với tư tưởng “Trung nghĩa song toàn, thế thiên hành đạo.” “Thủy Hử truyện” là một trong những tác phẩm được liệt vào “Tứ đại danh tác” của nền văn học cổ điển Trung Quốc cùng với “Hồng lâu mộng,” “Tam quốc diễn nghĩa,” “Tây du ký.” Mỗi tác phẩm trong Tứ đại danh tác này đều mang từng nét đặc sắc riêng, có người cho rằng chưa đọc “Thủy Hử,” thì chưa thể biết được những điều đặc sắc trong thiên hạ! Tác phẩm được Kim Thánh Thán đánh giá là một trong “Lục đại tài tử thư.”
Vào cuối thời nhà Nguyên, Thi Nại Am (tên là Ngạn Đoan, 1296-1372)(1) dựa vào sách “Đại Tống tuyên hòa di sự” và “Đông đô sự lược” của Vương Xưng thời Nam Tống cùng với các ghi chép lịch sử khác xoay quanh câu chuyện Tống Giang cùng với 36 người khởi nghĩa để tiến hành sáng tác nên. “Thủy Hử truyện” miêu tả câu chuyện Tống Giang cầm đầu 108 vị lục lâm hảo hán bị bức bách phải vào rừng làm cướp, tụ nghĩa về Lương Sơn Bạc, sống chết cùng nhau, thay Trời hành đạo, về sau được triều đình chiêu an, ra sức đánh đông dẹp bắc, an dân vệ quốc.
Tương truyền rằng 108 vị anh hùng trong Thủy Hử chính là 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát chuyển thế. Họ ở nhân gian biểu hiện bản sắc anh hùng hành hiệp chính nghĩa, chí tình chí nghĩa. Họ thích bênh vực kẻ yếu, cướp của người giàu cứu giúp người nghèo, dùng tinh thần chính nghĩa để chống lại những tham quan và hệ thống chính trị hủ bại, đây là những bản sắc anh hùng áo vải, lục lâm hảo hán vượt ra khỏi những quy củ hiện thực được nhiều người hâm mộ.
Kim Thánh Thán đánh giá về “Thủy Hử”: “108 người, mỗi người có một nét đặc sắc riêng,” “108 người, mỗi người đều có tính tình, khí chất, hình dáng, giọng nói riêng.” Giống như Cập Thời Vũ Tống Giang phò nguy cứu khốn, Hành Giả Võ Tòng cương dũng hiệp nghĩa, Báo Tử Đầu Lâm Xung cương nghị chính trực, Trí Đa Tinh Ngô Dụng thông tuệ đa mưu, Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm ghét ác như thù, Hắc Toàn Phong Lý Quỳ khoát đạt thẳng thắn … mỗi người ai cũng đều có trung có nghĩa.
Kim Thánh Thán lại nói, “Những người đó không làm giặc cướp, thì không có chuyện đánh cướp ấy, …Đóng lại 70 hồi của cuốn sách này (Kim Thánh Thán bình 70 hồi), mấy chục vạn chữ, có thể nói là khá nhiều, trong đó nêu ra tinh thần và đạo lý của nó, chính như mục 1 mục 2 của “Luận ngữ,” trong trẻo mà thanh tĩnh, rõ ràng sáng tỏ, cao lớn mà thanh thoát, sáng sủa mà mới mẻ.” Nói cách khác, trong “Thủy Hử truyện,” các nhân vật sống động như thật, tình tiết hồi hộp, trong loạn thế mà diễn lại những đạo lý nhân sinh. Ở đây cướp bóc đã thay thế cho những học vấn nghiêm chỉnh, ấy thế mà lại biểu đạt được thần lý sinh mệnh trong sáng mát mẻ, giống như kiệt tác của bậc Tiên Thánh. Chính vì thế mà Kim Thánh Thán mới đem “Thủy Hử,” cùng với “Trang Tử,” “Ly tao,” “Sử ký,” “Thơ Đỗ Phủ” và “Tây sương ký” xếp vào hàng Tài tử thư, đặt tên là “Lục đại tài tử thư.” Văn phong của “Thủy Hử” thuần phác, mạch chuyện chặt chẽ, đọc nó chính là đọc được hết thảy các đạo của sách vậy, học tốt sách này, nắm được các đạo lý trong đó, thì có thể xem như có thể đã đọc được sách khắp trong thiên hạ.
Ở bài này xin được trích lục đưa ra những câu tục ngữ, ngạn ngữ, những lời hay ý đẹp nổi tiếng từ trong “Thủy Hử truyện” mà thường được mọi người hay nhắc đến, trong đó cũng có những câu được dẫn từ trí tuệ của người xưa mà hóa nhập vào những hoàn cảnh trong truyện. Thể hội thử xem những lời vàng ngọc mà Kim Thánh Thán khen ngợi, xem xem thể ngộ của quý độc giả là gì?
Những câu nói kinh điển trong “Thủy Hử truyện”:
– Hữu duyên thiên lý lai tương hội, vô duyên đối diện bất tương phùng: Dù xa ngàn dặm nếu có duyên sẽ gặp gỡ, cho dù đứng trước mặt mà vô duyên cũng sẽ không gặp nhau.
– Gia hữu dư lương kê khuyển bão, hộ đa thư tịch tử tôn hiền: Nhà có thừa lương thực thì gà chó no bụng, dòng dõi có nhiều sách thì con cháu có tài đức.
– Tảo tri kim nhật, hối bất đương sơ: Sớm biết có hôm nay, hối hận trước đây chẳng làm.
– Hảo sự bất xuất môn, ác sự truyền thiên lý: Việc tốt không truyền ra khỏi nhà, việc xấu truyền xa ngàn dặm.
– Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chích tranh lai tảo dữ lai trì: Thiện ác cuối cùng đều có báo ứng, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
– Quân tử vấn tai bất vấn phúc: Quân tử hỏi họa không hỏi phúc.
– Nhập môn hưu vấn vinh khô sự, quan khán dung nhan tiện đắc tri: Vào nhà đừng hỏi chuyện giàu khó, quan sát vẻ mặt biết được ngay.
– Kinh mục chi sự, do khủng vị chân; bối hậu chi ngôn, khởi năng toàn tín: Việc thấy trước mắt vẫn e là chưa đúng sự thật; lời nói sau lưng, há có thể hoàn toàn tin.
– Tống quân thiên lý, chung tu nhất biệt: Đưa người ngàn dặm, cuối cùng rồi cũng từ biệt.
– Lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ: Giữa đường gặp chuyện bất bình, rút đao tương trợ.
– Tại nhân oải thiềm hạ, chẩm cảm bất đê đầu: Ở dưới mái hiên thấp nhà người ta, sao dám không cúi đầu.
– Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm: Vẽ hổ chỉ vẽ được bộ da khó vẽ xương, biết người chỉ biết mặt khó biết lòng.
– Nhân vô thiên nhật hảo, hoa vô bách nhật hồng: Người không thể ngàn ngày đều tốt, hoa không thể trăm ngày hồng tươi.
– Phúc vô song chí, họa bất đan hành: Phúc không đến cùng lúc, họa không đến riêng lẻ.
– Tửu loạn tính; sắc mê nhân: Rượu làm con người mất lý trí, sắc đẹp mê hoặc con người.
– Mạc ngữ thường ngôn đạo tri túc, vạn sự chí chung tổng thị không: Đừng nói biết đủ là hạnh phúc, vạn sự đến cuối đều là không.
– Văn danh bất như kiến diện! Kiến diện thắng tự văn danh: Nghe danh không bằng gặp mặt! Gặp mặt hơn hẳn nghe danh.
– Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; phi ma cứu thủy, nhã diệm thiêu thân: Họa phúc không có cửa, chỉ là do người tự rước lấy; khoác sợi đay đi dập lửa, dẫn lửa thiêu thân.
– Tướng mạo ngữ ngôn, nam bắc đông tây tuy các biệt; tâm tình can đảm, trung thành tín nghĩa tịnh vô soa: Tuy mọi người có tướng mạo, ngôn ngữ, nơi ở nam bắc đông tây có sự khác biệt; nhưng tấm lòng can đảm, trung thành tín nghĩa là giống nhau.
– Thiên lý diện triêu tịch tương kiến, nhất thốn tâm tử sinh khả đồng: Cách xa ngàn dặm vẫn có thể gặp mặt, tâm chỉ một tấc mà cùng sinh tử.
– Trượng phu hữu lệ bất khinh đạn, chích thị vị đáo thương tâm xử: Nam nhi không dễ rơi lệ, chẳng qua chưa đến lúc đau lòng mà thôi.
– Tiếu huy thiền trượng, chiến thiên hạ anh hùng hảo hán; nộ xế giới đao, khảm thế thượng nghịch tử sàm thần: Cười vung thiền trượng, chiến đấu với anh hùng hảo hán trong thiên hạ, phẫn nộ rút giới đao, chém gian thần nghịch tử trên đời.
– Lương viên tuy hảo, bất thị cửu luyến chi gia: Lương Viên dù đẹp, nhưng đâu phải nhà ta mà quyến luyến lâu ngày. (Lương Viên là nơi thiết đãi khách của Lương Hiếu Vương thời Tây Hán)
– Đạp phá thiết hài vô mịch xử, đắc lai toàn bất phí công phu: Đi mòn giày sắt tìm không thấy, lúc được lại là chẳng tốn chút công nào.
– Cổ nhân hữu ngôn: “Đắc chi dị, thất chi dị; đắc chi nan, thất chi nan”: Cổ nhân có câu: “Dễ có được thì cũng dễ mất; khó có được cũng khó mà mất.”
– Thắng bại nãi binh gia thường sự, hà tất quải tâm: Thắng thua là chuyện thường của người cầm quân, cần gì phải băn khoăn.
– Nhạc cực sinh bi, bĩ cực thái lai: Vui quá hóa buồn, đau khổ đến cùng cực thì hòa bình vui vẻ sẽ đến.
Chú thích:
Do Li Mei thực hiện
Tiểu Minh biên dịch