Một loại hình nghệ thuật siêu phàm: 3 chị em tham gia sứ mệnh phục hưng văn hóa do Shen Yun dẫn đầu
Một gia đình nghệ sĩ múa, những người đã tìm thấy sứ mệnh của mình trong nền văn hóa 5,000 năm tuổi, lưu diễn khắp thế giới để triển hiện những câu chuyện rung động vượt biên giới
Một nàng “Mộc Lan da trắng?” Nghe có vẻ kỳ, họ đã nói thẳng với cô.
Cô Katherine Parker, một nghệ sĩ múa từng đạt giải thưởng ở Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới, nhớ lại lần đầu tiên khi cô vào vai một nhân vật lịch sử trong một tiết mục vũ đạo. Trong một cuộc tranh tài địa phương, cô muốn kể câu chuyện về Hoa Mộc Lan, nữ anh hùng dũng cảm thuộc một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất thời Trung Quốc cổ đại. Bất chấp những ngần ngại của mình, cô đã quyết định tiếp tục với nhân vật này.
Tương truyền, Mộc Lan cải trang thành nam nhi để ra chiến trận thay cha già — nhờ vậy đã cứu mạng ông. Theo thánh chỉ của hoàng đế, mỗi gia đình đều phải có một người đàn ông ra trận.
Nàng chiến đấu 12 năm ở tiền tuyến. Tiết mục vũ kịch đó nhằm tái hiện những khoảnh khắc oanh liệt của nàng trên chiến trường — nhưng hơn thế, [tiết mục] còn khai thác xung đột nội tâm của nàng. Âm nhạc đánh trận có tiết tấu nhanh nhường chỗ cho giai điệu chậm rãi hơn, và khán giả sẽ thoáng thấy tâm tư của Mộc Lan.
“Xuyên suốt tiết mục vũ kịch này, Mộc Lan đồng thời trải qua một cuộc chiến nội tâm,” cô Katherine giải thích. “Nàng mong muốn trở về nhà với phụ thân, nhưng nàng phải ở lại nơi chiến trận và chiến đấu trong một cuộc chiến khốc liệt. Điều trớ trêu trong tình thế khó xử của Mộc Lan là nàng muốn chăm sóc phụ thân hơn bất cứ việc gì, nhưng cũng vì phụ thân, nàng không thể trở về bên ông. Tôi cảm thấy tiết mục vũ đạo này nêu bật tấm lòng hiếu thảo và vị tha của Mộc Lan.”
Cô Katherine biết rằng việc nắm bắt được cảm xúc phức tạp đó là điều trọng yếu để tiết mục biểu diễn này thành công.
“Tôi thường có xu hướng rụt rè, và tự động thu mình một chút khi đứng trước khán giả. Tôi thường xuyên nghi ngờ bản thân,” cô chia sẻ. “Và vào khoảnh khắc tôi do dự, tiết mục biểu diễn sẽ trở nên rời rạc, bởi vì tôi không còn ở trong vai diễn nữa — tôi chỉ đang là cái tôi cố hữu mà thôi.”
Để chuẩn bị, cô đã nghe đi nghe lại bản nhạc của vở diễn trong thời gian rảnh rỗi.
“Tôi ngồi đó, mắt nhắm khẽ và mường tượng về câu chuyện của Mộc Lan sẽ diễn ra như thế nào trong tâm trí mình, trên nền nhạc đệm. Tôi hình dung về chiến trường đó, những tiếng hô xung trận, và tiếng vó ngựa đang phi nước đại. Khi âm nhạc trở nên êm dịu hơn, bi tráng hơn, tôi tập trung hơn vào những cung bậc cảm xúc của Mộc Lan và nỗi thống khổ giằng xé tim gan khi nàng phải rời xa phụ thân.”
Tiết mục vũ đạo ấy đã thành công: Cô đã đạt giải vàng.
Năm tiếp theo, sự trưởng thành của cô đã trở nên rõ ràng trên một sân khấu lớn hơn. Tại Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của đài truyền hình NTD năm 2023, cô đã khắc họa một nữ anh hùng Trung Hoa vĩ đại khác, nàng Vương Chiêu Quân, người đã lựa chọn kết hôn với thủ lĩnh của một bộ lạc du mục phía bắc để ngăn chặn chiến tranh, bỏ lại gia đình và quê nhà thân yêu ở phía sau để hy sinh một cách vô tư. Với tiết mục biểu diễn cảm động này, cô Katherine đã mang về một giải bạc.
Trên cùng sân khấu năm đó, chị gái Lillian và em trai Adam của Katherine đã đạt giải bạc và giải vàng ở các hạng mục tương ứng của họ.
Bí quyết dẫn tới chiến thắng bộ ba của họ là gì? Ba chị em cho biết, họ không chỉ trau dồi kỹ năng mà còn tu dưỡng đạo đức của mình trong nhiều năm — họ nói, đó là bí quyết đích thực dẫn tới đỉnh cao nghệ thuật và là nguyên lý cốt lõi của loại hình nghệ thuật có tuổi đời hàng ngàn năm này.
Với trụ sở ở vùng ngoại ô phía bắc New York, Shen Yun được thành lập với sứ mệnh hồi sinh 5,000 năm văn hóa truyền thống Trung Hoa đích thực, một di sản huy hoàng gần như đã bị tàn phá dưới sự thống trị của cộng sản. Tám đoàn diễn của Shen Yun lưu diễn quốc tế hàng năm, và các nghệ sĩ biểu diễn ưu tú của Shen Yun quy tụ từ khắp nơi trên thế giới — như Mỹ quốc, châu Âu, châu Á, và châu Úc.
Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là một loại hình nghệ thuật rõ ràng của Trung Quốc, nhưng lại làm rung động khán giả thuộc mọi tầng lớp xã hội. Dù đó là lòng hiếu thảo của người con gái dành cho phụ thân hay là đức hy sinh của một vị tướng ái quốc dành cho đất nước mình, thì các giá trị được khắc họa này đều có tính phổ quát; sức mạnh kết nối của những giá trị này xuyên việt mọi biên giới.
“Vũ đạo là ngôn ngữ không có lời thoại,” cô Lillian cho hay.
Nền tảng của gia đình và đức tin
Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là loại hình nghệ thuật biểu cảm độc đáo có nguồn gốc từ võ thuật, kinh kịch và kịch nghệ sân khấu Trung Hoa, có khả năng khắc họa vô số câu chuyện và cảm xúc. Anh chị em nhà Parker đã say mê [loại hình vũ đạo này] từ khi còn nhỏ.
Lớn lên ở thành phố đa văn hóa Toronto, Canada, gia đình họ có truyền thống thưởng lãm Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun khi đoàn lưu diễn của Shen Yun đến thành phố của họ mỗi năm.
“Tất cả chúng tôi sẽ diện quần áo thật đẹp, rồi ngồi nhấp nhổm trên ghế, mong chờ buổi biểu diễn bắt đầu, rất phấn chấn,” cô Katherine nhớ lại. “Khi tấm màn sân khấu mở ra, khung cảnh thật tráng lệ, khiến những cái đầu non nớt của chúng tôi thích mê.”
Cha mẹ của họ, ông Andrew và bà Christine Parker, đã ghi danh cho các con tham gia các lớp học vũ đạo Trung Hoa cổ điển khi Lillian lên 6 tuổi, Katherine trạc 4 tuổi rưỡi, và Adam được 3 tuổi.
“[Các con] quan tâm tới những điệu múa văn hóa, và thực sự yêu thích,” ông Andrew cho hay.
Ông Andrew cho hay, việc cho con tiếp xúc với nghệ thuật sớm như vậy là một phần trong tầm nhìn của vợ chồng ông để “[mang lại] cho các con một lối sống truyền thống.”
“Chúng tôi muốn mang đến cho các con nhiều điều bổ ích và tích cực nhất có thể,” ông nói.
Họ tìm kiếm các giá trị truyền thống từ nhiều nền văn hóa khác nhau, tìm cảm hứng trong các nền tảng đạo đức của cả văn minh Tây phương và Trung Hoa, những gì mà “người xưa thường tin là đức hạnh, hay thiện lương.”
“Danh dự, chính trực, trung nghĩa, thật thà, cần cù chịu khó, tử tế — đó là những điều mà chúng tôi muốn truyền lại cho các con. Đây là những gì mà người theo truyền thống gọi là những giá trị do Trời ban cho, hoặc có thể trong văn hóa Trung Hoa, người ta gọi là những giá trị Thần truyền,” ông nói. “Tôi tin rằng [các giá trị này] là những gì thực sự khiến con người cảm thấy viên mãn và tốt lành từ nội tâm, chứ không phải là các giá trị hiện đại đang được cổ xúy ngày nay.”
Là một người ham học hỏi về nghệ thuật kể chuyện cổ điển, ông Andrew chiêu đãi các con bằng những câu chuyện, đây là một trong những ký ức thời thơ ấu sống động nhất của anh Adam.
“Một số bậc cha mẹ có thể kể cho con mình nghe những câu chuyện mang tính giải trí, nhưng bất cứ khi nào [cha tôi] kể một câu chuyện, thì luôn có một đạo lý ẩn chứa đằng sau,” anh Adam chia sẻ.
Cả gia đình ông đều yêu thích âm nhạc, vì vậy ông Andrew thường mở nhạc trong khi kể câu chuyện của mình — chẳng hạn như, một trong những bản nhạc phim “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” — mô tả một cảnh hành động diễn ra theo âm nhạc. (‘Cha tôi đã xem phim này rất nhiều lần, nên ông ghi nhớ tất cả các cảnh phim,’ cô Lillian giải thích.)
Hồi tưởng lại, cô Lillian nhận ra điều đó đã giúp đặt nền móng ban đầu cho sự nghiệp vũ đạo của cô như thế nào.
“Chúng tôi vừa nghe câu chuyện, và hàm ý đạo đức của câu chuyện đó, nhưng đồng thời cũng kết nối với những cảm xúc trong âm nhạc … cách âm nhạc khơi dậy cảm xúc ra sao. Bây giờ, bất cứ khi nào tôi lắng nghe âm nhạc, tôi đều tự động nghĩ đến những động tác múa, hoặc một câu chuyện hay một nhân vật bắt đầu hình thành,” cô Lillian nói.
Giống như cha mẹ mình, anh chị em nhà Parker đều thực hành môn tu luyện tinh thần Trung Hoa là Pháp Luân Đại Pháp. Dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, chú trọng đề cao tâm tính, môn tu luyện này đã nuôi dưỡng một cuộc sống gia đình hòa thuận — và đặt nền tảng cho [một thái độ sống] ngay chính và dũng cảm, sẽ tiếp tục dẫn dắt anh chị em họ khi lớn lên.
“[Môn tu luyện này] giống như cái gốc rễ vậy — [Pháp Luân Đại Pháp] đã định hình nên chúng tôi rất nhiều,” cô Lillian nói.
Ở nhà, ba anh chị em cũng nuôi dưỡng cuộc sống phong phú và sáng tạo. Ngoài những dịp cả gia đình xem phim buổi tối thì ngôi nhà của họ không dùng bất kỳ màn hình điện tử nào — không tivi, không trò chơi điện tử. Kết quả là, bọn trẻ bị cuốn hút một cách tự nhiên vào sách, nghệ thuật, và các hoạt động sáng tạo khác để lấp đầy thời gian rảnh của mình.
“Tôi biết ơn cha mẹ mình vì điều đó,” cô Katherine nhớ lại. “Nhiều đứa trẻ vùi mình trong thế giới riêng của chúng với công nghệ này, và nó thực sự có thể hút bạn vào đó. Khi giữ [mình] tách biệt khỏi đó, chúng ta có thể học hỏi.”
Ba chị em say mê những cuốn sách, từ “The Lord of the Rings” (Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn) và “The Chronicles of Narnia” (Biên Niên Sử Narnia) cho đến nhân vật Nancy Drew (nữ thám tử tuổi thiếu niên trong loạt tác phẩm trinh thám ly kỳ của Mỹ) và loạt truyện trinh thám “The Hardy Boys” (Những Chàng Trai Mạnh Mẽ). Cô Lillian, một tiểu thuyết gia đầy triển vọng còn viết truyện cho riêng mình. Ba chị em thành lập các câu lạc bộ của riêng mình và biến những hộp đựng ngũ cốc thành hòm thư để đặt trước cửa phòng nhau.
Đáng nhớ nhất là họ tổ chức một chương trình biểu diễn Giáng Sinh thường niên dành cho các “khán giả bất đắc dĩ” là cha mẹ, ông bà, và những con thú nhồi bông, hoàn chỉnh với vũ đạo tự biên, âm nhạc, ánh sáng, trang phục, những tấm vé, và một nhân viên bảo vệ (là cậu bé Adam 5 tuổi), và một người dẫn chương trình luân phiên. Không còn nghi ngờ gì nữa, “chương trình” này hẳn là có ảnh hưởng từ hình mẫu một buổi biểu diễn của Shen Yun.
Vì vậy, mặc dù gia đình Parkers không kỳ vọng con mình theo đuổi vũ đạo Trung Hoa chuyên nghiệp, nhưng họ gần như không ngạc nhiên khi các con làm điều đó. Khi Lillian 12 tuổi, sau khi thưởng lãm một chương trình Shen Yun thường niên, cô có cơ hội ứng tuyển vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, nơi dạy vũ đạo Trung Hoa cổ điển, vốn là loại hình nghệ thuật chính của Shen Yun. Cô quyết định thử sức, cô đặc biệt cảm động trước cách Shen Yun sử dụng loại hình nghệ thuật này để kể một câu chuyện quan trọng trên sân khấu: hoàn cảnh khó khăn của các học viên đồng tu Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc hiện đại — trong bối cảnh cuộc bức hại đức tin tàn bạo của chế độ cộng sản cầm quyền từ năm 1999. Vạch trần cuộc bức hại này là điều mà “không có công ty nghệ thuật biểu diễn nào khác đang làm,” cô cho hay, “và điều đó rất có ý nghĩa. Đó là một cơ hội mà bạn không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác”.
Gia đình họ đã chuyển đến New York để trợ giúp việc học tập của Lilian, và từng người một, Katherine và Adam đều lần lượt nối bước chị gái.
“Chị [Lillian] đã ứng tuyển ở trường và được nhận, sau đó chị [Katherine] cũng vậy,” anh Adam nói, vì vậy bước tiếp theo là điều đương nhiên. “Ý tôi là, tôi phải thử sức,” anh mỉm cười nói. “Mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn cho tôi vào thời khắc đó.”
Vũ đạo trong văn hóa Trung Hoa
Dù vậy, họ vẫn chưa sẵn sàng cho những khía cạnh khác, chẳng hạn như sự nghiêm khắc của quá trình đào tạo vũ đạo cổ điển — cùng những thách thức trong việc hiểu những gì giáo viên dạy vũ đạo nói tiếng Trung của họ đang nói.
Học Hoa ngữ mới chỉ là bước khởi đầu; khó khăn hơn là phân tích các tầng hàm nghĩa ẩn dưới bề mặt, do sự khác biệt về văn hóa trong phong cách giao tiếp và lễ nghi.
“Người Tây phương rất thẳng thắn — ý tôi có sao thì nói vậy.” Cô Lillian cho biết. Ngược lại, người Trung Quốc xem trọng khả năng tự kiềm chế và vì thế “luôn giữ lại điều gì đó.”
Những sự khác biệt này phản ánh vào ngôn ngữ vũ đạo. Các giáo viên dạy vũ đạo nói với cô rằng các động tác của cô thường trông “quá dứt khoát, kiểu ‘Bùm! Tôi đây!’” cô nói. Tuy nhiên, vũ đạo Trung Hoa cổ điển đòi hỏi một kiểu tự kiềm chế, một lực căng đằng sau mỗi động tác, một cảm giác duy nhất có được dựa trên các nguyên tắc làm nên nền tảng và định hình loại hình nghệ thuật này. Chẳng hạn, một nhân vật anh hùng tạo tư thế quay mặt về phía khán giả sẽ không bao giờ giữ vai và hông vuông vức cứng nhắc, mà thay vào đó có thể xoay vai và hông theo hướng ngược lại với nhau, tạo thành một thế đứng năng động hơn. Hoặc thực hiện động tác đưa một cánh tay lên qua đầu: Thay vì đưa tay thẳng và cứng nhắc, động tác sẽ có độ tròn và co về phía các cạnh, như thể đang vẽ cầu vồng bằng cọ, tuân thủ theo nguyên tắc nhấn mạnh vào sự tròn trịa của loại hình nghệ thuật này.
“Mọi bộ phận trên cơ thể bạn đều có cảm giác đó, … đến mức nó biểu lộ qua ánh mắt của bạn,” cô Lillian nói. “Đó là điều cuốn hút khán giả.”
Ba chị em thường nương tựa vào nhau: Tại các cuộc họp “Hội đồng Parker” hàng tuần, họ trao đổi video về các buổi luyện tập và cho nhau lời khuyên để làm tốt hơn. Họ phát hiện rằng họ không chỉ suy nghĩ và cảm nhận giống nhau mà còn gặp phải những trở ngại tương tự nhau trong vũ đạo. Vì thế, một người có thể giúp người khác giải thích những nhận xét khó hiểu từ giáo viên, như cô Katherine mỉm cười nói, “sang ngôn ngữ [của nhà] Parker.”
Các giá trị phổ quát
Một phần trọng yếu trong quá trình đào tạo của ba chị em diễn ra bên ngoài phòng tập vũ đạo, đó là trong lớp học: Học sinh tại Phi Thiên, nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, kho tàng các câu chuyện và truyền thuyết phong phú, bên cạnh nhiều môn học khác, để hiểu rõ những giá trị đặt định nên nền tảng của văn hóa Trung Hoa — và phản ánh lên từng động tác của loại hình nghệ thuật này. Chị em nhà Parkers đã tìm thấy những đức hạnh phổ quát tương tự mà họ đã được nuôi dạy khi lớn lên trong nền văn hóa Tây phương — đức tin, lòng trung thành, chính trực, sự tử tế — nhưng bắt rễ ở một tầng sâu hơn.
Anh Adam cho hay: “Trung Quốc đã có 5,000 năm để những giá trị đó thấm sâu vào trái tim của người dân Trung Quốc.”
Để có thể trải nghiệm và góp phần làm hồi sinh nền di sản bác đại tinh thâm như vậy “thật quá quý giá,” cô Katherine bày tỏ. Điều khiến cô ấn tượng nhất là sự kiên định niềm tin vào lẽ phải của rất nhiều nhân vật trong lịch sử Trung Quốc.
“Họ sẽ làm điều mà họ tin là đúng, bất kể hậu quả có ra sao. Đó là một phần con người họ, nên họ [sẵn lòng] từ bỏ mọi thứ vì điều đó — kể cả mạng sống của mình. Và đó không chỉ là một hoặc hai người, mà là cả xã hội,” cô bộc bạch.
Trên sân khấu, họ hóa thân vào những nhân vật cổ xưa này — dù là cung nữ, nhân sĩ triều đình, hay Hoa Mộc Lan chiến đấu trên chiến trường.
“Là một nghệ sĩ, một trong những thay đổi lớn nhất đối với tôi là có được khả năng thực sự nhập vai vào nhân vật và cảm nhận bất cứ điều gì mà nhân vật đó sẽ cảm thấy,” anh Adam nói. “Có một câu nói chúng tôi thường nói trong vũ đạo: ‘Để làm rung động con tim của khán giả, thì trước tiên bạn phải tự làm rung động chính mình.’”
Thổi hồn vào từng động tác với cảm xúc chân thực, “khán giả sẽ thực sự có thể cảm nhận được điều đó, ngay cả khi họ ở cách rất xa,” anh cho biết.
Có thể truyền tải những giá trị này đến khán giả là chìa khóa để nắm bắt được tinh thần của vũ đạo Trung Hoa cổ điển. Để thực sự trở thành một nghệ sĩ múa điêu luyện, ngoài yêu cầu khắt khe về kỹ năng kỹ thuật, “bạn còn phải là một người tốt,” cô Lillian nói. “Và sau đó bạn phải muốn biểu đạt hoặc chia sẻ những giá trị đó thông qua vũ đạo.”
Cô chỉ ra rằng, quá trình đào tạo vũ đạo Trung Hoa, giống như tất cả các môn nghệ thuật cổ điển, tự bản chất đã giúp các nghệ sĩ trở thành những người tốt hơn, xây dựng tính tự kỷ luật và khả năng kiên trì vượt qua những gian khổ về thể chất và tinh thần. Cô Lillian cho biết, duy trì tâm thái đúng đắn về lâu dài, luôn cố gắng để trở nên tốt hơn mà không nản lòng thoái chí, là một trong những phần khó khăn nhất.
Một giáo viên từng cho cô lời khuyên khiến cô nhớ mãi: “Đừng sợ không giỏi. Chỉ sợ không tiến bộ mà thôi.” Cô quyết tâm tập trung vào tiềm năng của mình để cải thiện, vào việc cô có thể làm tốt hơn thế nào mỗi ngày, “thay vì lo sợ mắc sai lầm.” Cô tự nhắc nhở mình: “Mọi thứ khó khăn đều là gốc rễ của điều gì đó vĩ đại sau này — đây là điều sẽ khiến tôi trở thành một người tốt hơn hoặc một nghệ sĩ múa giỏi hơn. Khi bạn nhìn nhận đúng bản chất của nó — một công cụ giúp bạn trưởng thành, ngay cả khi trải qua điều đó không hề dễ dàng.”
Ba chị em cũng lĩnh hội được những bài học từ những nhân vật lịch sử mà họ đã nghiên cứu và khắc họa. Sau khi họ bắt đầu học vũ đạo, cha họ đã nhận thấy những thay đổi sâu sắc ở tính cách của các con — đáng chú ý nhất là ba người đều trở nên vị tha hơn.
“Các con đã thực sự được hưởng ích lợi từ những giá trị truyền thống và đức hạnh cổ xưa này của nền văn hóa Trung Quốc,” ông Andrew cho hay, “và vì các con được thụ hưởng từ đó nhiều thế, nên các con thực sự có mong muốn chân thành là chia sẻ những giá trị này với người khác. Tôi nghĩ đây là một trong những lý do chính khiến các con có thể tập luyện chăm chỉ đến vậy. … Việc này đòi hỏi một tinh thần rất cao thượng và một trái tim vô cùng thuần khiết; nếu không, bạn sẽ không thể chịu đựng được quá trình rèn luyện nghiêm khắc đến như vậy.”
Cô Lillian nhìn nhận nghệ thuật của họ có mục đích cao cả hơn.
“Hiền triết Aristotle tin rằng một trong những lý do mà mọi người nên học âm nhạc là để nâng cao giá trị đạo đức của mình. Bằng cách nghe những bản nhạc hay, bạn đang học cách tận hưởng điều gì đó cao quý và điều gì đó ngay chính, và vì thế, bạn đang làm cho mình trở thành một người tốt hơn,” cô chia sẻ.
Cô nói, vũ đạo cũng giống như vậy.
“Bạn nên phát ra năng lượng thuần chính; thông điệp mà bạn gửi tới khán giả phải là một thông điệp tích cực, ngay chính,” cô nói.
Cô hy vọng khán giả sẽ cảm thấy tinh thần thăng hoa và được truyền cảm hứng để vươn đến những điều tốt đẹp khi ra về.
Đối với cô Katherine, đó chính là điều khiến mọi nỗ lực cuối cùng đều xứng đáng.
“Bạn biết mình đang làm một công việc rất đặc biệt,” cô nói. “Không phải ai cũng có cơ hội trở thành một phần của điều phi thường như vậy.”
Nhóm biên dịch Văn hóa - Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times