Cuộc chạy thoát tới ánh sáng huy hoàng
Một số trẻ em, bị chính quyền quê hương mình ngược đãi và bị lừa dối từ thời niên thiếu, sau này đã trở thành những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới và họ kể câu chuyện của chính mình trên những sân khấu danh tiếng nhất thế giới.
Quả thực, theo cách này hay cách khác, nhiều nghệ sĩ của Shen Yun đều có chung hoàn cảnh — vì đức tin của mình mà bị bức hại bởi bàn tay của chế độ toàn trị lớn nhất thế giới. Câu chuyện của họ là về nỗi kinh hoàng và dũng khí, bi kịch và niềm hy vọng.
“Một ngày nào đó,” anh Vương Toàn (Steven Wang), Nghệ sĩ múa chính [của Shen Yun] nói, “cuộc bức hại này rồi sẽ chấm dứt.”
Hồi sinh và Phản bức hại
Shen Yun, một tổ chức bất vụ lợi do một nhóm nhỏ các nghệ sĩ Trung Quốc ưu tú ở New York thành lập vào năm 2006, ra đời với một sứ mệnh cao cả: hồi sinh văn hóa truyền thống thông qua vũ đạo Trung Hoa cổ điển, một loại hình nghệ thuật vừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục. Sáng kiến này đã thu hút nhân tài khắp thế giới, bao gồm cả [nghệ sĩ] từ chính Trung Quốc.
Nhưng tại Trung Quốc suốt hàng thập niên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo cách nói của chính họ, luôn xung đột với [văn hóa] truyền thống, với tôn giáo và lịch sử. Đó là lý do tại sao Shen Yun chỉ có thể được thành lập bên ngoài Trung Quốc và thậm chí hiện nay công ty [Shen Yun] cũng không được biểu diễn ở Trung Quốc.
Những nghệ sĩ rời khỏi Trung Quốc để tham gia Shen Yun đã phải chấp nhận mạo hiểm tất cả. Một số người trong số họ, đã phải chịu rất nhiều tổn thất.
Từ công viên đến nhà tù
Sau cuộc Đại Cách mạng Văn hóa đẫm máu của Mao Trạch Đông vào những năm 1960 và 70, Trung Quốc đã trải qua thời kỳ hưng thịnh của các môn khí công thiền định. Mỗi sáng sớm, các công viên tràn ngập hàng triệu người tập các bài tập có động tác khoan thai để mong cầu sức khỏe và tuổi thọ, và, có lẽ, cả truyền thống.
Năm 1992, vào cuối thời kỳ bùng nổ của khí công, Pháp Luân Công lần đầu tiên được Ngài Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng. Khác với phần lớn những môn rèn luyện được giảng dạy công khai vào thời điểm đó, các bài giảng của Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) nhấn mạnh việc đề cao đạo đức và tâm tính là quan trọng nhất. Các học viên Pháp Luân Công nỗ lực chiểu theo các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn” trong cuộc sống hàng ngày của họ, và được tận hưởng sức khỏe tái sinh cũng như tinh thần sáng suốt nhờ tu luyện.
ĐCSTQ, ban đầu ủng hộ Pháp Luân Công, nhưng [sau đó] đã coi những giá trị này và những người thực hành là một mối đe dọa trực tiếp đối với sự tồn tại của họ. Năm 1999, môn tu luyện từng được tôn vinh này đã bị cấm và chỉ sau một đêm 100 triệu học viên Pháp Luân Công này đã bị dán nhãn như những kẻ thù quốc gia.
Chiến dịch đàn áp này, hiện vẫn đang tiếp diễn đến ngày nay, đã luôn tìm cách bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể các học viên. Các thủ đoạn bao gồm từ quấy rối, phỉ báng công khai và lục soát, cho đến tùy tiện bắt giữ, tra tấn, giết hại, và thậm chí cưỡng bức thu hoạch nội tạng để kiếm tiền.
Một gia đình tan vỡ
Đối với chàng trai trẻ Vương Toàn (Steven Wang) lớn lên ở Trung Quốc, cuộc sống gia đình anh thuở ban đầu đầy sóng gió. Cha mẹ anh sớm đã phải dùng những biện pháp mạnh tay với anh và họ buộc phải làm vậy vì bản tính nổi loạn của anh. Tuy nhiên, bầu không khí [trong gia đình] đã thay đổi khi cha mẹ anh bắt đầu bước vào tu luyện [Pháp Luân Công]. Mẹ anh, trước đây có tính cách nóng nảy, đã trở thành một người ôn hòa, và bố anh cũng có những thay đổi không ít. Ngay khi gia đình họ Vương tạo lập được một cuộc sống hạnh phúc hơn, thì cuộc đàn áp xảy ra.
Cả cha và mẹ anh đều bị bắt cóc và bị kết án mà không được xét xử hợp pháp. Anh Vương đến thăm họ chỉ khi được cảnh sát cho phép, nhưng việc này không thường xuyên, anh chứng kiến bố mẹ cố nở nụ cười trên khuôn mặt và nói với anh rằng mọi thứ đều ổn. Trong vài năm tiếp theo, cha mẹ Vương lần lượt bị bắt, bị tra tấn rồi được phóng thích. Anh hồi tưởng lại rằng kể từ lần đầu tiên bị bắt giữ đó, anh chưa bao giờ được gặp lại đồng thời cả cha và mẹ mình.
Anh Vương, người bắt đầu học múa ở Trung Quốc, cuối cùng đã chạy thoát sang Mỹ để tham gia Shen Yun, nhưng cha mẹ anh lại không may mắn như vậy. Cha của anh bị tra tấn đến thừa sống thiếu chết và được phóng thích khỏi nhà tù chỉ để chờ chết vì các biến chứng y tế. Anh thậm chí còn không được phép quay về [Trung Quốc] dự đám tang của cha mình.
Mẹ anh Vương vẫn ở Trung Quốc và nhiều lần bị bắt giam, trong khi anh cố gắng vận động các cơ quan đại diện Hoa Kỳ giúp đỡ để đưa bà ra hải ngoại.
Việc biểu diễn cùng Shen Yun đã cho phép anh kể cho toàn thế giới nghe câu chuyện của gia đình mình và của vô số những người khác.
“Khi tôi khắc họa vai một học viên Pháp Luân Công bị bức hại, tôi dựa vào những trải nghiệm trong quá khứ của chính mình,” anh nói. “Đây là những điều thực sự đã xảy ra với những người thân yêu của tôi”.
Hiện là cố vấn cho các nghệ sĩ múa trẻ của Shen Yun, anh hy vọng “có thể thông qua loại hình nghệ thuật này để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc và thắp lại ý thức về công lý trong lòng mọi người”.
Mồ côi cha từ bốn tuổi
Cô Nhiêu Đức Như (Ellie Rao) sinh ra trong một gia đình trung lưu điển hình ở Trung Quốc, vậy mà tuổi thơ của cô không hề bình lặng. Một ngày kia, cảnh sát xông vào nhà và bắt cha cô mang đi. Cô nhìn chiếc xe cảnh sát xa dần rồi biến mất – đó là lần cuối cùng cô nhìn thấy ông. Ông bị ĐCSTQ bỏ tù và tra tấn đến chết vì đức tin của mình. Cô Nhiêu khi đó chỉ mới 4 tuổi.
Năm lên 9 tuổi, cô Nhiêu và mẹ buộc phải bỏ trốn khỏi Trung Quốc. Trốn thoát tới Thái Lan một cách mạo hiểm, hai mẹ con cô tìm đường đến Mỹ an toàn, ở đó cô gái trẻ vẫn còn đầy sợ hãi này theo đuổi việc học vũ đạo. Từ California đến New York, cuối cùng cô đã tham gia Shen Yun và hiện là nghệ sĩ múa chính của đoàn, cô kể lại câu chuyện của chính mình cho khán giả quốc tế thông qua vũ đạo [trên sân khấu] .
“Một chế độ có thể đánh cắp tuổi thơ của bạn, tước đi gia đình của bạn,” cô chia sẻ, “nhưng nó không bao giờ có thể tước đi đức tin của bạn được.”
“Tôi muốn dùng vũ đạo của mình để truyền tải tới khán giả rằng thế giới cần chân, thiện, và nhẫn,” cô nói.
Câu chuyện của một nhạc công
Một đặc điểm nổi bật của Trung Quốc trước năm 1999 là số lượng học viên Pháp Luân Công rất đông. Trên khắp đất nước này, người ta thường tập trung tại các công viên lân cận và cùng nhau thiền định hoặc đọc sách trước khi đi làm. Trên thực tế, những hoạt động quy mô lớn như vậy đã được chính quyền sở tại khen ngợi và công nhận là một xu hướng lành mạnh.
Qua một đêm, tất cả đã thay đổi. Giờ thì chính những người ôn hòa thuộc mọi tầng lớp xã hội này đang phải chạy trốn khỏi cảnh sát mật hoặc đi tới Quảng trường Thiên An Môn để giương cao các biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chấm dứt cuộc bức hại”. Hàng trăm ngàn người bị bắt bớ vào các nhà tù, trại lao động và “trung tâm cải tạo”.
Đó là những trải nghiệm thời thơ ấu của cô Lương Ngọc (Yu Liang), hiện là nghệ sĩ chơi đàn tỳ bà (pipa) trong Shen Yun. Tháng 08/1999, một đội xe cảnh sát và các sĩ quan vũ trang đã tràn vào điểm tập Pháp Luân Công ở địa phương nơi cô sống, và cô chứng kiến cảnh họ lôi mẹ cô đi. Cô nhớ lại khi đó mình còn quá nhỏ để hiểu hết tình hình, nhưng theo thời gian mọi thứ đã trở nên rõ ràng hơn.
Trong hai năm tiếp theo, mẹ cô bị bắt giữ tới bốn lần. Cha cô, bản thân ông không phải là một học viên [Pháp Luân Công] nhưng ông ủng hộ môn tu luyện này sau khi chứng kiến những tác động tích cực mà nó mang lại cho vợ ông, đã liên tục bị chính quyền hạch sách.
Trong khi đó cô Ngọc là một nghệ sĩ đàn tỳ bà nhiều triển vọng, cô đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia và được các tổ chức uy tín công nhận. Vài năm sau, cô đã nộp đơn ứng tuyển vào một vị trí trong Shen Yun và được chấp nhận, cô có được một cuộc sống mới ở Mỹ Quốc. Cha mẹ cô đã phải chịu đựng sự kiềm tỏa của ĐCSTQ một thời gian dài trước khi được tị nạn ở Canada.
Và câu chuyện còn tiếp diễn
Trên đây chỉ là ba trong số nhiều trải nghiệm của các thành viên của Shen Yun. Đối với những người đến từ Trung Quốc, việc quay về hiện là điều không thể. Các thành viên trong gia đình họ còn ở lại Trung Quốc thường xuyên bị quấy rối và đe dọa, còn cha mẹ già phải đối mặt với tương lai không được gặp mặt con cháu. Nhiều người hiện đang sống ở nước ngoài tới thập niên thứ ba mà vẫn không thể đoàn tụ với cha mẹ mình.
Nhưng cuộc bức hại này, cũng như cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc đã mở rộng phạm vi ra bên ngoài Trung Quốc [đại lục] dưới nhiều hình thức đàn áp xuyên quốc gia. Trong phần “Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt” trên trang web của Shen Yun [Shenyunperformingart.org] nêu chi tiết việc ĐCSTQ đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn các buổi biểu diễn của đoàn và một trang web khác [leeshailemish.com] có liệt kê danh sách khoảng 90 vụ việc, từ việc cố gắng gây áp lực lên các rạp hát và các chính trị gia nhằm hủy bỏ các buổi biểu diễn cho đến việc rạch lốp xe buýt của Shen Yun.
Thế nhưng, hiện đã bước sang năm thứ 18, Shen Yun — nơi quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn đẳng cấp thế giới với những xuất thân đặc biệt của họ — vẫn kiên trì mang tới cho thế giới sự mỹ hảo và huy hoàng của 5,000 năm lịch sử Trung Hoa. Đằng sau những câu chuyện và những truyền thuyết ấy là những giá trị đạo đức cốt lõi của nền văn minh cổ xưa này.