Thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh Kinh, cả hành trình đã trải qua biết bao gian nan khổ nạn, hàng yêu trừ ma.., sự thật lịch sử và thần thoại đã làm nên tác phẩm kinh điển “Tây Du Ký”. Trong thực tế, hành trình Pháp sư Huyền Trang sang Ấn Độ xa xôi thỉnh Kinh đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước Trung Quốc, Đường Thái Tông vô cùng tán thưởng, và sự kiện này đã viết thành giai thoại Phật Pháp ở Trung Nguyên.
Vào năm Trinh Quán thứ 3 triều Đường (năm 629), pháp sư Huyền Trang khởi hành từ Trường An, sau ba năm lặn lội gian khổ, vượt qua chặng đường dài 5 vạn dặm, đã đến được Thiên Trúc (Ấn Độ ngày nay), dốc lòng học Phật tìm Đạo. Vào ngày 24 tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), pháp sư Huyền Trang mang theo 657 bộ kinh điển Phật giáo trở về Trường An, sự kiện gây chấn động cả nước Trung Quốc lúc bấy giờ.
Hoàng Đế Đường Thái Tông cảm thấy việc đi thỉnh Kinh của Huyền Trang rất vĩ đại, gọi đây là “việc trọng đại chưa từng có trong các triều đại trước”. Ông ra sắc lệnh thiết lập trung tâm dịch thuật ở chùa Hoằng Phúc, Trường An, chuyên phiên dịch kinh Phật tiếng Phạn, đồng thời mời Huyền Trang ghi chép lại những điều mà ông đã từng chứng kiến trên đường sang Tây Thiên. Năm 646, với sự trợ giúp của đệ tử Biện Cơ, Huyền Trang đã hoàn thành tác phẩm nổi tiếng “Đại Đường Tây Vực Ký”. Trong vòng 19 năm sau khi đi thỉnh Kinh trở về, Huyền Trang đã dịch 1,335 quyển kinh luận, tổng cộng hơn 130 vạn chữ, đóng góp to lớn vào việc hồng truyền Phật giáo ở vùng Đông Thổ.
Năm 2010, Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã dàn dựng vở vũ kịch “Phật Pháp hồng truyền” dựa trên những tư liệu này, tái hiện cảnh tượng Vua Đường nghênh đón Huyền Trang năm xưa.
Vào một ngày trời trong nắng đẹp, bốn thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng phong trần mệt mỏi, cuối cùng đã về đến bên ngoài thành Trường An. Trong thành, rất nhiều quan viên và bách tính gõ trống nhảy múa trên đường phố, tràn đầy kính ý cung nghênh Phật Pháp. Thái Tông Lý Thế Dân rời khỏi hoàng cung, đích thân nghênh đón Huyền Trang, hết lời khen ngợi và thăm hỏi, động viên. Thầy trò Đường Tăng mang từng quyển kinh Phật phân phát cho mọi người, Thiên Tử cùng dân chúng cầm trong tay quyển kinh Phật, khắp kinh thành tràn đầy không khí trang nghiêm và vui mừng.
Tiết mục này làm nổi bật bầu không khí kính Phật trong xã hội triều đại nhà Đường. Đại Đường như biển lớn dung nạp trăm sông, thể hiện sự cởi mở và khoan dung hiếm có trong lịch sử Trung Quốc, lúc bấy giờ Tam giáo Nho, Phật, Đạo đều ở vào thời kỳ cường thịnh. Sự truyền bá chính giáo có vai trò quan trọng trong việc duy trì đạo đức, thúc đẩy sự thịnh vượng, an định của quốc gia.
Trong quá trình phiên dịch kinh Phật, Pháp sư Huyền Trang từng dâng biểu, thỉnh cầu Hoàng Đế viết phần mở đầu cho những bộ kinh văn đã được dịch. Đường Thái Tông vui vẻ nhận lời, đã viết nên “Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự”, lấy đó để tuyên dương. Huyền Trang rất vinh dự, lại dâng biểu tạ ân. Về sau, cao tăng Hoài Nhân của chùa Hoằng Phúc đã thu thập các chữ trong thư pháp của Vương Hi Chi, khắc các chữ này thành văn bia, văn bia này hiện vẫn đang được lưu giữ ở Bia Lâm thuộc Tây An.
Toàn văn của “Thánh giáo tự” (Đại Đường Tam Tạng Thánh Giáo Tự) có tổng cộng 1,904 chữ, trong đó có ba phần bao gồm lời tựa của Đường Thái Tông, một bài viết của Cao Tông Lý Trị, và một bản kinh do chính Huyền Trang dịch.
Đường Thái Tông có trình độ học vấn tinh thâm, tác phẩm “Thánh giáo tự” của ông dùng ngôn ngữ cô đọng súc tích, giàu chất thơ biểu đạt sự tham ngộ và lòng kính trọng đối với Phật Pháp, khen ngợi đối với Huyền Trang, văn chương bay bổng, ý vị sâu sắc.
Lời tựa mô tả cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm của Huyền Trang: “Thừa nguy viễn mại, trượng sách cô chinh” (Đón nguy nan mà dấn bước, một thân một gậy lên đường), “Vạn lý sơn xuyên, bát yên hà nhi tiến ảnh; bách trọng hàn thử, nhiếp sương vũ nhi tiền tung” (Vạn dặm núi sông, gạt mây khói mà tiến tới; tầng tầng nóng lạnh, đạp sương giẫm mưa tiến về phía trước).
Giải thích về Phật lý của Thái Tông càng thể hiện sự cao diệu hơn: Từ chỗ lớn mà nói, Đạo Phật trải rộng khắp vũ trụ; từ chỗ nhỏ mà nhìn, Ông thể hiện ở từng sợi lông, sợi tơ. Đạo Phật chủ trương bất sinh bất diệt, trải qua hàng nghìn kiếp lâu dài vẫn không suy yếu. Ông có lúc ẩn tàng, có lúc hiển lộ, truyền tải vô số huyền diệu cho đến ngày nay. Phật lý huyền diệu cao thâm, tuân theo Ông nhưng lại không biết được biên giới của Ông. Phật Pháp thâm sâu, chấm dứt phiền não, muốn tìm tòi nghiên cứu nhưng không cách nào đi tìm nguồn gốc. (Nguyên văn Hán Việt: “Đại chi tắc di vu vũ trụ, tế chi tắc nhiếp vu hào ly. Vô diệt vô sinh, lịch thiên kiếp nhi bất cổ, nhược ẩn nhược hiển, vận bách phúc nhi trường kim. Diệu đạo ngưng huyền, tuân chi mạc tri kỳ tế; pháp lưu trạm tịch, ấp chi tắc mạc trắc kỳ nguyên.”)
Thái Tông ví Phật lý như “Từ vân” (đám mây lành), ca ngợi đó là “Pháp vũ” (mưa Pháp) tưới mát, làm cho “tội của chúng sinh được hoàn trả, còn được phúc lành”. Thái Tông còn viết: “Thị tri ác nhân nghiệp trụy, thiện dĩ duyên thăng, thăng trụy chi đoan, duy nhân sở thác” (Biết rằng kẻ ác bị rớt xuống, người thiện được duyên thiện thăng lên, nguyên do của rớt xuống hay thăng lên, đều chỉ do những gì con người đã làm). Ý chính là: nhờ đó mà hiểu được làm việc ác sẽ theo nghiệp báo mà rơi vào bể khổ, hành thiện chắc chắn sẽ dựa vào Phật duyên mà được thăng lên Thiên Đường. Cho nên có thăng lên, có rơi xuống, là ở việc làm của mỗi người.
Sự xuất hiện của Pháp sư Huyền Trang đã làm cho mảnh đất Hoa Hạ càng thêm phần thần kỳ, còn khí độ khoáng đạt của Đường Thái Tông đối với tín ngưỡng tôn giáo, cùng với sự hiểu biết sâu sắc về Phật lý của ông càng khiến cho mọi người thán phục. Ông có nhận thức sâu sắc về luân hồi nhân quả, khuyến khích quan lại và dân chúng tích thiện tránh ác, ông là vị “Thiên cổ nhất Đế” khai sáng nên Đại Đường thịnh thế, là tấm gương lưu truyền cho các đời sau. Một chương lịch sử huy hoàng xán lạn như vậy được thể hiện sinh động trên sân khấu, thật đáng để ngợi khen.
Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun mỗi năm đều cho ra mắt một bộ tiết mục hoàn toàn mới, dùng âm nhạc, vũ đạo, ca khúc, màu sắc, trang phục, bối cảnh và nhiều phương diện khác để tái hiện văn hóa Thần truyền 5,000 năm của Trung Hoa, giúp khán giả mở rộng tầm mắt. Các tác phẩm của Shen Yun dựa theo lịch sử, đằng sau những tiết mục ngắn ấy hàm chứa nội dung văn hóa phong phú, ý nghĩa sâu xa, giúp khán giả mở mang thêm nhiều kiến thức.
Hiện nay, trên trang web của Shen Yun Creations, quý khán giả có thể thưởng thức hơn 60 tác phẩm của Shen Yun thời kỳ đầu. Trong đó có không ít tác phẩm thể hiện truyền thống tu luyện thời cổ đại, triển hiện vẻ đẹp mỹ diệu của thế giới Thần Phật, khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm về tinh thần tín ngưỡng. Ngoài tác phẩm “Phật Pháp hồng truyền”, còn có các tác phẩm “Hầu vương thu phục Trư Bát Giới”, “Thu phục Sa Tăng” đều lấy đề tài là các câu chuyện trong “Tây Du Ký”, mỗi vở vũ kịch đều rất thú vị, nhận được sự đón nhận và khen ngợi nồng nhiệt từ khán giả.
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
Ganjing World: https://www.ganjingworld.com/zh-TW/channel/uKDuVZFTkSNei
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin