Gia đình của một chàng trai trẻ đã bị ly tán bởi Trung Cộng chỉ vì niềm tin tâm linh của họ.
Cuộc sống của Triệu Kỷ Hành đã bị đảo lộn khi anh chỉ mới 8 tuổi.
“Một ngày nọ, tôi trở về nhà và thấy bố mẹ tôi đã biệt tăm tích,” anh Triệu nói. Cha mẹ của anh, cũng như hàng chục triệu người khác ở Trung Quốc đã bị Trung Cộng nhắm tới chỉ vì đức tin vào tín ngưỡng của họ. Chỉ trong một đêm, ước tính khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên của môn Pháp Luân Công-hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp-từ việc được công chúng biết đến như những người tốt bụng, thực hành thiền định và tuân theo nguyên lý “chân, thiện, nhẫn” đến chỗ trở thành kẻ thù của quốc gia vào năm 1999.
Cha của anh Triệu thường bị tra tấn và sau đó phải chạy trốn trong vài năm tiếp theo, còn mẹ anh thì bị bắt và giam giữ phi pháp trong các khoảng thời gian khác nhau một cách tuỳ tiện và thường xuyên. Điều đó nghĩa là, một hôm nào đó có thể anh Triệu đi học về và thấy cửa đã bị khóa trái, để rồi sau đó nhận ra rằng cảnh sát lại đã bắt mẹ anh đi một lần nữa. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn; có lúc anh Triệu ở với người bà tật nguyền của mình, và những lần khác thì anh ở với bất kỳ người họ hàng nào có thể cưu mang anh.
Cậu bé Triệu 8 tuổi đã thắc mắc: “Tại sao mẹ cháu lại bị bắt đi? Tại sao bố cháu lại bị bắt đi?”
“Mọi người không nói gì với tôi cả vì tôi còn quá nhỏ và không thể hiểu được,” anh Triệu kể. “Nhưng dần dần, tôi bắt đầu hiểu ra. Chính vì cha mẹ tôi đã đứng lên bảo vệ sự thật và dám nói lên ‘Pháp Luân Đại Pháp là tốt’ mà họ đã bị chính quyền nhắm tới.”
Những ai không quen thuộc với các xã hội cộng sản sẽ thấy câu chuyện của anh Triệu là không thể hiểu nổi và gây sốc – rằng một chính phủ được cho là của một quốc gia lại có thể trong một chốc khiến toàn thể người dân chống lại một nhóm công dân rõ ràng là người tốt. Khi toàn xã hội bắt đầu lặp lại lời vu khống của Trung Cộng về Pháp Luân Đại Pháp, anh Triệu bắt đầu đối mặt với tình trạng bị bắt nạt và ngược đãi ở trường, và cảnh sát bắt đầu lục soát nhà anh. Những lần mẹ anh ở nhà, cảnh sát sẽ cố gắng điều khiển anh nói với bà rằng bà thật tàn nhẫn với anh vì không chịu từ bỏ đức tin của mình để anh có được một cuộc sống dễ dàng hơn.
Trung Cộng đã lợi dụng toàn bộ bộ máy nhà nước nhằm mục đích hủy hoại thanh danh, cuộc sống và sinh kế của những người tin vào tín ngưỡng tâm linh này, và nghĩ rằng nó có thể xóa sổ một hệ thống tín ngưỡng chỉ trong vòng vài năm. Nhưng sự thật và lòng thiện lương của con người đã thắng thế.
Cơ hội thứ hai trong đời
Hôm nay có thể bạn sẽ không nhận ra, nhưng anh Triệu đã từng là một cậu bé rất ốm yếu. Anh thường xuyên bị bệnh, và anh bị tái phát các cơn co giật bất định và bị ngất đi dẫn đến phải vào phòng cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ bối rối đề nghị một cuộc phẫu thuật thuỳ não. Khi y học hiện đại đã không thể mang đến lời đáp, mẹ Triệu đã tìm đến các y học gia cổ truyền Trung Quốc, và họ cũng bó tay.
Bước ngoặt thần kỳ đối với sức khỏe của Triệu là vào một trong những cuộc gặp gỡ đầu tiên của anh với Pháp Luân Đại Pháp. Môn tu luyện tinh thần này bao gồm năm bài tập thiền định, cùng với việc tuân thủ các nguyên lý “chân, thiện, nhẫn” và khi được giới thiệu ra công chúng Trung Quốc vào đầu những năm 1990, môn tu luyện đã lan rộng nhanh chóng. Có nhiều bằng chứng về lợi ích sức khỏe tinh thần, tâm linh và thể chất, và anh Triệu là một trong số nhiều người đã cho biết rằng những căn bệnh đã đeo bám anh từ lâu nay đã biến mất.
Nhìn lại, chắc chắn đó không hề là một cuộc sống dễ dàng khi anh biết rằng mình có thể ngất đi và ngã đập đầu xuống đất bất cứ lúc nào. Từ tận đáy lòng, anh Triệu chia sẻ, “Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi cuộc đời lần thứ hai.”
Khi cha mẹ anh bắt đầu tu luyện, anh đã làm theo, bởi ba nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp đã khiến anh sáng tỏ rằng môn tu luyện đang dạy mọi người làm sao để trở thành người tốt và tử tế. Điều đó càng khiến cuộc bức hại đột ngột đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp trở nên không thể hiểu được và đau đớn hơn với anh Triệu. Anh cho biết thêm rằng, người Trung Quốc nào cũng có thể biết một ai đó tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và vì thế bị Trung Cộng sát hại. Mười một người bạn của mẹ anh đã chết như thế.
“Trung Cộng là một chính quyền vô thần, và phương châm của nó là đấu với trời, đấu với đất và đấu với đồng loại,” anh Triệu giải thích. Ngay từ đầu, Trung Cộng đã cố gắng diệt trừ tận gốc tôn giáo và tín ngưỡng tâm linh. “Nó muốn mọi người theo đuổi vật chất và chỉ biết tư lợi. Chính vì thế, chế độ này đã khiến cho đạo đức của Trung Quốc hiện đại trở nên rất tồi tệ,” anh nói.
Vì đức tin của mình, các thành viên trong gia đình anh Triệu đã bị đưa vào danh sách đen và không được cấp hộ chiếu. Nhưng vào năm 2007, khi anh 16 tuổi, một cơ hội để rời khỏi quê hương đã đến. Gia đình anh đã theo chân một nhóm những người khác cố gắng thoát khỏi Trung Quốc và tìm đường đến Thái Lan, tìm kiếm cơ hội tự do cho mình.
“Tôi biết điều đó sẽ rất nguy hiểm, nhưng tôi không nghĩ mình có thể hình dung được trải nghiệm đó sẽ như thế nào,” anh Triệu nói. Trong màn đêm tăm tối, hàng chục người được xếp vào thùng sau xe tải, nằm dài trên đống hàng hóa, rồi bị bỏ ở nơi đồng không mông quạnh để chờ chiếc xe tiếp theo tới đón đi mà không ai biết sẽ phải chờ bao lâu. Anh Triệu thừa nhận lẽ ra khi nhìn lại phải cảm thấy sợ hãi, nhưng bằng cách nào đó, anh cảm thấy rằng mình đang được một vị Thần bảo hộ. Ngay cả khi anh đang chờ đợi trong bóng tối ở nơi hoang dã, không biết liệu người tiếp theo anh gặp sẽ là cảnh sát hay bọn buôn lậu, hoặc chặng tiếp theo của cuộc hành trình sẽ tiếp tục hay không, nhưng anh vẫn cho rằng rủi ro đó cũng đáng giá. Anh nói, cuộc sống mà không được tự do để thực hành đức tin của mình thì không phải là cuộc sống.
Nhiều giờ trôi qua, và cuộc hành trình vẫn tiếp diễn. Gia đình anh Triệu cùng một số người khác đã vượt qua biên giới và sau đó đến Thái Lan, sẵn sàng để bắt đầu cuộc sống mới.
Sứ mệnh
Ở Thái Lan, anh Triệu thường xuyên đến các điểm du lịch với các tờ rơi chứa thông tin về Pháp Luân Đại Pháp, và nói với những du khách từ Trung Quốc đại lục sự thật về cuộc bức hại đang diễn ra. Anh muốn họ biết “Pháp Luân Đại Pháp là tốt,” và khi mỗi một người biểu thị dù chỉ một chút thấu hiểu đã mang lại cho anh thêm hy vọng.
Chính tại Thái Lan, anh Triệu đã có cuộc hội ngộ đầu tiên với Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, công ty vũ đạo cổ điển Trung Hoa hàng đầu thế giới, thông qua một chương trình đặc biệt mừng năm mới về vũ đạo cổ điển Trung Hoa. Ở đó, anh đã xem một màn vũ đạo mô phỏng câu chuyện về Trung Quốc hiện đại.
Hãy tưởng tượng cảm xúc của anh Triệu sẽ như thế nào khi được chứng kiến câu chuyện mà đã có thể là về chính anh đang được tái hiện trên sân khấu.
Trong câu chuyện về một gia đình với đức tin vào chân, thiện, nhẫn, nhưng đã bị Trung cộng làm cho ly tán, đứa trẻ bị bỏ rơi không cha không mẹ. Anh Triệu không bị sốc về những điểm tương đồng trong đó – bởi anh biết rằng sự tàn ác của chế độ cộng sản này đã mở rộng đến khắp các gia đình ở Trung Quốc – nhưng anh xúc động sâu sắc khi những người khác đang dùng nghệ thuật để nói cho thế giới biết sự thật về cuộc đàn áp tàn bạo này. Từ đó mục tiêu của anh Triệu là tham gia vào nỗ lực này.
Có trụ sở tại New York, đoàn nghệ thuật Shen Yun hội tụ những nghệ sĩ có câu chuyện tương tự như của anh Triệu. Nhiều người trong số họ đã rời Trung Quốc và đến Hoa Kỳ, theo đuổi quyền tự do thực hành đức tin và thể hiện niềm tin của họ trong cuộc sống và nghệ thuật. Và trái với những gì người ta có thể hình dung, sứ mệnh của Shen Yun không phải là chính trị. Mà đó là sứ mệnh phục hồi văn hóa truyền thống. Các nguyên lý chân, thiện, nhẫn soi đường cho các nghệ sĩ, và các điệu múa cùng câu chuyện trên sân khấu thể hiện văn hóa chân chính của Trung Quốc, từ khi mà nền văn minh này được tin là do thần truyền cấp và xã hội vận hành quanh ý tưởng về sự hòa hợp giữa thiên, địa và nhân.
Anh Triệu chia sẻ, đó là một nền văn hóa với đức tin rằng trên đầu ba thước có thần linh, nghĩa là các tầng trời luôn dõi theo [nhân loại] và do đó con người ta luôn cố gắng hướng tới tiêu chuẩn đạo đức cao thượng.
Anh Triệu hào hứng: “Từ âm nhạc, đến phong cách vũ đạo và các động tác, thậm chí cả phông nền, cách phối hợp màu sắc, trang phục – toàn bộ chương trình bắt nguồn từ thẩm mỹ của văn hóa truyền thống. Chúng tôi mang đến những điều tươi sáng và tràn đầy hy vọng.”
Anh nói: “Văn hóa truyền thống nuôi dưỡng những tấm lòng nhân ái, và tôi tin rằng những nghệ thuật bắt nguồn từ văn hóa truyền thống này cũng như vậy. Và điều này cũng mang lại sự tốt đẹp cho xã hội.”
Hiện tại, anh Triệu là một trong những vũ công thuộc bảy công ty lưu diễn của đoàn nghệ thuật Shen Yun và anh được biểu diễn khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ ở Trung Quốc, nơi Shen Yun và Pháp Luân Đại Pháp vẫn bị cấm.
Anh thậm chí còn tham gia một vũ đạo mô phỏng câu chuyện đề cập đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc – nhưng không phải trong một vai diễn giống như cuộc đời của chính anh.
“Thực ra, tôi đã vào vai một cảnh sát xấu xa,” anh Triệu nhẹ nhàng chia sẻ. Anh giải thích rằng những những nhân vật phản diện trong biểu diễn Shen Yun hầu như không hề xấu xa như những người mà anh đã gặp trong đời thực. Vào thời điểm nhập vai diễn này, anh đã không còn nuôi dưỡng bất kỳ ác ý nào đối với họ nữa. Anh kể về việc giúp một nữ vũ công nhập vai một cô gái trẻ bị mất đi cha mẹ vì cuộc đàn áp tàn bạo, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình với hy vọng đóng góp cho đoàn.
Anh Triệu nói, đã có lúc anh căm ghét cảnh sát và những đặc vụ Trung Cộng đã chia cắt gia đình anh. Nhưng các nguyên lý về chân, thiện và nhẫn, và cuộc gặp gỡ của anh với Shen Yun đã biến sự hận thù đó thành một thứ khác, một điều vượt trên cả sự tha thứ. Anh Triệu nói anh nhận ra rằng những cảnh sát đã cố gắng khiến anh và mẹ anh xa cách lẫn nhau, những người lục soát nhà của anh và lấy trộm số tiền mà anh đã cẩn thận dành dụm, và những người sách nhiễu gia đình họ vào những ngày lễ đều là những người bị lừa dối. Họ đã bị nhấn chìm trong sự tuyên truyền của Trung Cộng và chỉ làm theo mệnh lệnh, không biết sự thực về tình huống của chính họ. Anh Triệu hy vọng sâu sắc rằng những người này vẫn có thể biết được sự thực ấy. Và nếu có thể, anh sẽ mời họ tới xem Shen Yun.
“Trong thâm tâm, mỗi người đều có mặt tốt của họ, vốn chỉ là bị Trung Cộng tà ác che đậy mất. Khi họ hiểu ra chân tướng, tôi nghĩ họ sẽ tỉnh ngộ. Họ sẽ không chọn làm những thứ này [dưới sự chỉ thị của Trung Cộng],” anh Triệu nói.
“Khán giả rời buổi biểu diễn của chúng tôi với niềm hân hoan cùng một tấm lòng nhẹ nhõm, bởi vì nền văn hóa thần truyền này thể hiện những điều chân chính và toàn mỹ.”
NTD đã đóng góp vào bài báo này.
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập ShenYunPerformingArts.org
Do Catherine Yang thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: