Anh Trần Hậu Nhậm, nghệ sĩ múa chính Shen Yun: Cách lột tả ‘cái thần’ của từng nhân vật
Những khán giả từng thưởng thức các buổi biểu diễn của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đều tấm tắc khen ngợi các nghệ sĩ múa một cách chân thành, “Họ có thân thủ khỏe khoắn, kỹ thuật múa đạt độ chính xác rất cao!”
Xem xong các tiết mục Shen Yun, các khán giả thường lưu luyến chưa muốn rời khỏi khán phòng và mong sớm được gặp lại Shen Yun. Họ còn phát hiện ra những nội hàm sâu xa đằng sau mỗi tiết mục.
Nhiều người thốt lên, “Tôi đã vô cùng cảm động! Đây quả là hành trình lĩnh hội văn hoá truyền thống Trung Hoa!”
“Không hổ danh là vũ điệu của Thần! Đúng là danh bất hư truyền!”
Vậy rốt cuộc những nghệ sĩ của Shen Yun đã biểu diễn những kỹ thuật cao siêu gì? Họ làm thế nào để diễn tả những câu chuyện một cách lôi cuốn và truyền tải nội hàm văn hoá uyên bác đến với mọi người? Những chia sẻ của nghệ sĩ múa nổi tiếng trong một video trên trang web Shen Yun sẽ phần nào giải đáp cho chúng ta câu hỏi này.
Trần Hậu Nhậm – Ngôi sao vũ đạo của Shen Yun
Khoác áo bào trắng, tay cầm trường kiếm, bật nhảy trên không, Trần Hậu Nhậm đã hoá thân thành Thi tiên Lý Bạch.
Vận áo giáp vàng, tay cầm trường thương, múa võ điêu luyện, anh trong vai anh hùng Nhạc Phi quyết tâm chống quân Kim.
Dù tham gia các cuộc thi Vũ đạo quốc tế hay đứng trên sân khấu quốc tế của Shen Yun, những màn biểu diễn của anh đều khiến cả hội trường xúc động và trầm trồ thán phục.
Anh chính là ngôi sao vũ đạo, và là nghệ sĩ múa chính của Shen Yun. Tất nhiên, lĩnh vực mà anh được mọi người tấm tắc khen ngợi là múa cổ điển Trung Quốc.
Trong các lần tham gia Cuộc thi Vũ đạo Cổ điển Trung Hoa quốc tế, anh từng biểu diễn nhiều vở diễn khác nhau như “Nhạc Phi trung nghĩa,” “Lâm Xung dạ bôn,” v.v. Nhờ tài năng xuất chúng, kỹ thuật điêu luyện, anh đã thể hiện những nét tinh hoa của “vũ võ đồng nguyên” (kết hợp giữa vũ đạo và võ thuật), xuất sắc đạt được hai giải Vàng và một giải Đồng.
Trên sân khấu quốc tế Shen Yun, Trần Hậu Nhậm hóa thân thành các văn nhân võ tướng trong những tác phẩm như “Lý Bạch Ngộ Tiên,” “Hàn Diêu,” “Bức Thượng Lương Sơn,” v.v. Nhờ thân pháp điêu luyện, vận vị uyển chuyển, anh đã nhận được những tràng pháo tay giòn giã và tán thưởng của khán giả.
Anh Trần cho rằng, biểu diễn kỹ xảo chỉ là phương tiện, còn thách thức lớn nhất đối với người nghệ sĩ là phải nắm bắt và khắc họa được nội tâm của nhân vật.
“Múa cổ điển Trung Quốc không chỉ đơn thuần là học động tác, mà còn phải thấm nhuần những vận vị và nội hàm đằng sau nó.” Đây là thể nghiệm sâu sắc của anh Trần trong nhiều năm tập luyện vũ đạo.
Anh luôn tuân thủ lời dạy của thầy vũ đạo, “Muốn học nghệ phải học làm người trước.” Với mỗi vai diễn, anh luôn ghi nhớ một điều, Để thể hiện ra được tinh hoa của nhân vật thì phải học được “cái thần” của họ, cho đến khi đạt đến trình độ “diễn mà không diễn,” bởi bản thân người nghệ sĩ đã thực sự trở thành nhân vật đó.
Một số khán giả sau khi xem vở kịch Nhạc Phi do anh Trần thể hiện, đã bình luận, “Người nghệ sĩ ấy như thể đã làm sống lại đại anh hùng Nhạc Phi vậy! Mấy ngày nay, tâm tư của tôi giống như trôi theo hình tượng Nhạc Phi mà anh ấy khắc họa, hòa mình vào đoạn lịch sử bi tráng thời quá khứ!”
Trong phần bình luận phía dưới của video “Ngôi sao của Shen Yun – Trần Hậu Nhậm,” một tài khoản tên là Robert Jia đã viết, “Anh ấy đúng là bậc thầy trong những bậc thầy! Trong vũ đạo kết hợp cả nhu và cương, rất phù hợp để lột tả những nhân vật anh hùng trong truyền thống Trung Quốc.”
Trong quá trình luyện tập múa cổ điển Trung Quốc và trở thành một ngôi sao quốc tế, anh Trần Hậu Nhậm cũng đã học hỏi và nắm vững tuyệt kỹ “Thân đới thủ, khố đới thối” (thân dẫn động tay, hông dẫn động chân). Anh đang nỗ lực tập luyện để thực hiện hoàn hảo kỹ năng này.
Anh Trần cho biết, “Sự kết tinh văn hoá ‘thần hình hợp nhất’ này, chỉ có thể là Thần đã truyền cấp cho con người.”
Múa cổ điển Trung Quốc của Shen Yun đã dẫn đầu một xu hướng nghệ thuật mới và trở thành thể loại vũ đạo sáng giá nhất trên sân khấu quốc tế hiện nay. (Xem thêm các tác phẩm của Shen Yun)
Nhân sinh như vở kịch, mà kịch lại giống như nhân sinh. Các ngôi sao vũ đạo Shen Yun có thể tái hiện một cách sinh động nhiều vai diễn trong đại vũ đài lịch sử 5,000 năm của Trung Quốc, còn mỗi người chúng ta trong vai trò là cha, là mẹ, là con cái, thầy cô, đồng nghiệp, cấp trên… chẳng phải cũng đang đóng những vai diễn khác nhau trên sân khấu của chính mình hay sao?
Mặc dù nhân sinh không có kịch bản soạn sẵn nào để tham khảo, nhưng sự theo đuổi và luyện tập không ngơi nghỉ của các nghệ sĩ múa Shen Yun, phải chăng là để truyền cảm hứng cho chúng ta diễn tốt những vai diễn này của chính mình?
Thái Nhã thực hiện
Lý Việt biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: