NEW YORK — The Epoch Times được biết có thông tin rằng trong gần sáu tháng qua The New York Times đã nung nấu để phát hành một bài báo công kích nhằm tấn công Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Những thông tin liên lạc mà The Epoch Times thu thập được cho thấy, dù chưa được phát hành, nhưng bài viết này sẽ tiếp tay cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong chiến dịch đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào Shen Yun.
Có trụ sở tại New York và lấy việc hồi sinh nền văn hóa Trung Hoa truyền thống làm sứ mệnh của mình theo tôn chỉ “Trung Quốc trước thời cộng sản,” Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã trở thành cái gai lớn trong mắt chính quyền Bắc Kinh suốt gần hai thập niên qua.
Trong chiến dịch của mình, ĐCSTQ đã sử dụng vô số thủ đoạn để cản trở Shen Yun — đoàn nghệ thuật biểu diễn cho một triệu khán giả trên toàn cầu mỗi năm — bao gồm cả việc cố gắng gây áp lực buộc các nhà hát hủy bỏ các buổi biểu diễn, đàn áp thân nhân của các nghệ sỹ ở Trung Quốc, và lợi dụng hệ thống pháp luật Hoa Kỳ để phục vụ cho mục đích của họ.
Hồi tháng 05/2023, FBI đã bắt giữ hai cá nhân bị tình nghi là đặc vụ Trung Quốc đang cố gắng hối lộ hàng chục ngàn dollar cho một đặc vụ FBI chìm đóng giả là một quan chức IRS nhằm tìm cách tước bỏ tư cách tổ chức bất vụ lợi của Shen Yun.
Bộ Tư pháp cho biết hai người bị cáo buộc là đặc vụ của ĐCSTQ này cũng đã tìm cách lợi dụng một vụ kiện về môi trường nhắm vào các cơ sở đào tạo và trường học của công ty Shen Yun để “ngăn cản” công ty này phát triển.
Tuy nhiên, cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào Shen Yun dường như đang đến từ tờ báo lớn nhất nước Mỹ, The New York Times.
Hồ sơ mà The Epoch Times thu thập được cho thấy, hai phóng viên, Michael Rothfeld và Nicole Hong (người bắt đầu viết câu chuyện về Shen Yun sau sáu tháng làm việc tại bộ phận Trung Quốc của The New York Times) đã đặc biệt tìm kiếm các cựu nghệ sỹ có lẽ đã rời công ty Shen Yun nhiều năm trước đây trong tâm trạng bất bình.
Nhiều nghệ sỹ của Shen Yun là học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định mà những người theo học đã bị ĐCSTQ đàn áp một cách tàn bạo — khiến Shen Yun trở thành mục tiêu hàng đầu trong mắt chế độ này và những người mà họ chi phối. Một số các tiết mục múa của Shen Yun cũng bao gồm cả các vở vũ kịch tái hiện cuộc bức hại.
“Chúng tôi biết những phóng viên này đang đặt mục tiêu phỏng vấn một nhóm nhỏ những người mà có thể có điều gì đó không hay để nói về Shen Yun, và dường như đang phớt lờ đại đa số [nghệ sỹ], những người nhìn nhận rằng quãng thời gian của họ ở Shen Yun là rất tốt đẹp và đáng trân quý,” bà Trần Anh (Ying Chen), Phó Chủ tịch của Shen Yun, nói với The Epoch Times.
“Chúng tôi cũng biết một số người được phỏng vấn đã tự do đi lại đến Trung Quốc, điều này đặt ra cảnh báo nguy hiểm rất lớn vì thông thường bất kỳ ai làm việc cho Shen Yun hoặc được biết là tập luyện Pháp Luân Công đều sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng khi quay trở lại Trung Quốc — nhưng những người này lại làm như vậy một cách tự do và lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng tôi cũng có những hồ sơ lưu ghi lại những liên lạc chứng minh rằng một số người được phỏng vấn đã từng rất hài lòng với trải nghiệm của họ tại Shen Yun, nhưng hiện giờ lại nói những lời ngược lại với The New York Times.”
“Tất cả những điều này cho thấy The New York Times đang tập trung chuyên chú vào việc tấn công chúng tôi và đang xây dựng một câu chuyện xoay quanh những cuộc phỏng vấn rất đáng nghi vấn.”
Mục đích là để bôi nhọ
Các tài liệu nội bộ của ĐCSTQ cho thấy đảng này xem khu phức hợp của Shen Yun ở vùng ngoại ô New York, tên là Dragon Springs (Long Tuyền), là “trụ sở” cho các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công nhằm chống lại cuộc bức hại.
Một tài liệu chỉ thị của ĐCSTQ mà The Epoch Times thu thập được viết rằng: “Hãy tấn công một cách có hệ thống và chiến lược vào các trụ sở và các cơ sở của Pháp Luân Công ở hải ngoại.”
Một tài liệu khác yêu cầu các ban ngành cụ thể phải tham gia vào cuộc đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào Pháp Luân Công, kêu gọi điều động “những người thân thiện với Trung Quốc như các chuyên gia, học giả, ký giả … những người có ảnh hưởng lớn hơn ở Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây để lên tiếng thay cho chúng ta, và nỗ lực để khiến nhiều hãng truyền thông ngoại quốc đăng tải nhiều bài báo có lợi cho chúng ta hơn.”
Ông Lưu Ninh Bình (Larry Liu), phó giám đốc Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), một tổ chức bất vụ lợi chuyên theo dõi cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nhận xét rằng The New York Times giờ đây dường như đang làm chính xác điều vừa được nêu.
Ông Lưu nói: “Bài báo này có thể sẽ là giấc mơ trở thành hiện thực của ĐCSTQ.”
Không lâu sau khi bà Hong trở lại New York vào năm ngoái sau thời gian làm việc với nhóm Trung Quốc của The New York Times ở Seoul, một số cựu nghệ sỹ múa Shen Yun bắt đầu nhận được thư điện tử từ bà và ông Rothfeld. Ông Lưu cho biết, các câu hỏi được gửi qua thư điện tử đôi khi cụ thể đến mức đáng lo ngại và khiến các nghệ sỹ có ấn tượng rằng những phóng viên này đang cố gắng tìm kiếm thông tin có thể được sử dụng làm vũ khí chống lại công ty Shen Yun.
Một cựu nghệ sỹ múa từng chỉ được hỏi về một tai nạn cụ thể: một chấn thương đầu gối.
Theo ông Lưu, những phóng viên này dường như đang cố gắng tạo ra một câu chuyện ám chỉ rằng các nghệ sỹ múa không được chăm sóc y tế đầy đủ, một lối tường thuật sai sự thật đóng vai trò trọng tâm được ĐCSTQ dựng lên nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.
The Epoch Times đã nói chuyện với hàng chục nghệ sỹ Shen Yun và các thành viên gia đình của họ cũng như các học sinh và giáo viên tại hai trường đào tạo có liên kết với Shen Yun. Họ mô tả môi trường ở đây tuy nghiêm khắc nhưng có văn hóa rất lành mạnh và là một cộng đồng luôn nâng đỡ lẫn nhau. Sự ám chỉ về việc thiếu chăm sóc hoặc điều trị y tế đã gây ra những phản ứng bất bình mạnh mẽ.
“Nói như vậy là hoàn toàn vô căn cứ,” bà Kay Rubacek, một người mẹ có con trai và con gái đều đang biểu diễn cho Shen Yun, nói. Bà Rubacek là một nhà làm phim có nhiều phim tài liệu đã đạt được giải thưởng và phụ trách chương trình “Life & Times” (Cuộc sống và Thời đại) trên NTD.
“Những ai xem buổi biểu diễn, xem Shen Yun, họ đều có thể thấy rằng những nghệ sỹ múa này rất yêu thích Shen Yun. Họ thực sự yêu thích những gì họ đang làm.”
Bà cho biết các con của bà bắt đầu theo học Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Fei Tian Academy of the Arts), một trường nghệ thuật tư thục dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12, khi các em 13 và 14 tuổi. Bà rất quan tâm đến việc làm quen với khuôn viên trường và các giáo viên từ trước.
“Tôi xem xét rất cẩn thận nơi mà tôi gửi con mình vào học. Tôi là người rất che chở cho các con của mình,” bà nói. “Vì vậy, để cảm thấy yên tâm khi cho các con theo học một trường nội trú, tôi phải kiểm tra mọi thứ, và tôi đã thực sự kiểm tra mọi thứ.”
Bà lưu ý rằng chương trình vũ đạo ở học viện này mang lại cho học sinh cơ hội được ứng tuyển vào Shen Yun trong quá trình đào tạo tại trường Đại học Phi Thiên tọa lạc tại cùng một khuôn viên, cũng chính là điều mà các con bà đã làm — và gặt hái được thành công lớn.
Bà kể rằng ngay sau khi nhập học, con trai bà đã bị va đập ngón chân trong lúc tập nhảy. Cậu bé được chụp X-quang và phát hiện có một vết rạn xương rất nhỏ ở chân. Giáo viên dạy khiêu vũ của cậu khẳng định cậu không thể tham gia lớp học khiêu vũ cho đến khi vết rạn xương lành hẳn.
Bà cho biết, con trai bà xem khoảng thời gian gián đoạn đó như một cơ hội để tập trung vào việc giãn cơ, và trở thành một trong những nghệ sỹ múa dẻo dai nhất trong đoàn.
“Mức độ tích cực mà tôi nhận thấy ở các con và khả năng đối mặt với thử thách của con là khá xuất sắc và là điều mà tôi ước mình có được khi còn nhỏ,” bà Rubacek chia sẻ.
Bà lấy làm kinh hoàng khi biết rằng, The New York Times sắp cố gắng bôi nhọ các con bà như là các thành viên của một tổ chức tai tiếng nào đó.
‘Mối nguy hiểm thực sự’
Ông George Xu, phó chủ tịch khu phức hợp Long Tuyền, cho biết: “Những lối tường thuật sai sự thật mà [New York] Times dường như đang theo đuổi là một mối lo ngại lớn đối với chúng tôi vì những bài viết này có thể tạo ra mối nguy hiểm thực sự.”
Ông cho biết vài tháng trước, các chính phủ địa phương và liên bang đã có hành động chống lại một diễn biến mà họ tin là mối đe dọa đáng tin cậy bắt nguồn từ một người đàn ông Trung Quốc — người lên mạng xã hội đăng về việc muốn trở thành thành viên của một “đội cảm tử” cũng như một đoạn video quay cảnh ông này đang nạp đạn cho một khẩu súng trường AR-15.
Người đàn ông này “tuyên truyền chính những lối tường thuật sai sự thật đó và đã nói chuyện với một số người mà tờ Times đang phỏng vấn.”
“Có thời điểm, người đàn ông này được biết đến là lảng vảng trong khu vực khuôn viên trường của chúng tôi. … Chúng tôi phải yêu cầu cảnh sát tiểu bang tuần tra các lối vào của chúng tôi, và ai nấy đều cảnh giác cao độ. Việc này rất nghiêm trọng.”
The Epoch Times đã nhận được một bản thông báo gửi tới cơ quan chấp pháp, cảnh báo cảnh sát về người đàn ông này dựa trên thông tin thu thập được từ FBI.
Hướng tới đỉnh cao
Shen Yun tự hào là công ty vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu trên thế giới và đã phát triển từ một đoàn vào năm 2007 lên thành tám đoàn, mỗi đoàn đều có dàn nhạc giao hưởng riêng, lưu diễn khắp thế giới và biểu diễn cho hơn một triệu khán giả mỗi năm. The Epoch Times là nhà tài trợ truyền thông lâu năm cho Shen Yun.
Nhiều nghệ sỹ múa và giáo viên cho biết, giống như bất kỳ nỗ lực nghệ thuật ưu tú nào, vũ đạo Trung Hoa cổ điển đòi hỏi phải bỏ ra rất nhiều công sức.
“Để trở thành một nghệ sỹ có năng lực lớn như vậy, chắc chắn cần rất nhiều dũng khí và sự kiên trì, đồng thời cũng phải hy sinh rất nhiều thời gian và công sức,” cô Trần Siêu Tuệ (Alison Chen), người đã thôi làm việc tại Shen Yun vào năm 2015 để trở thành một giáo viên dạy vũ đạo và sau đó là đồng chủ tịch khoa vũ đạo tại trường Đại học Phi Thiên ở Middletown, New York, cho biết.
Lúc bắt đầu tập luyện tại Shen Yun vào năm 2007 khi đoàn nghệ thuật này mới thành lập, cô chỉ là một thiếu nữ. Nhờ năng khiếu và kinh nghiệm vũ đạo trước đó, cô nhanh chóng được mời tham gia công ty lưu diễn này trong khuôn khổ khóa thực tập ở trường của mình. Tuy nhiên, trong những năm qua, công ty đã tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn. Cô cho biết, sinh viên Phi Thiên vẫn được tham gia ứng tuyển cho các chuyến lưu diễn này như một phần của khóa học, nhưng kỹ năng vũ đạo của họ phải thật xuất sắc thì họ mới được tuyển chọn.
Ông Jimmy Cha từng là một nghệ sỹ múa ba lê chuyên nghiệp trước khi gia nhập Shen Yun vào năm 2008. Ông cho biết so với múa ba lê, việc đào tạo vũ đạo Trung Hoa cổ điển phù hợp hơn với các trạng thái tự nhiên của cơ thể con người, cho nên ít dẫn tới căng thẳng tột bực.
Các nghệ sỹ múa ba lê thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi 30 và thường bị mắc chứng đau kinh niên cũng như nhiều bệnh khác. Theo một bản đánh giá các nghiên cứu về chủ đề này vào năm 2015, trung bình, các nghệ sỹ múa nghiệp dư trẻ tuổi bị chấn thương một lần và các nghệ sỹ múa chuyên nghiệp lớn tuổi bị chấn thương 1.2 lần trong mỗi 1,000 giờ múa.
Theo các ước tính đó, thì về mặt lý thuyết, một công ty múa chuyên nghiệp có quy mô như Shen Yun sẽ có hàng trăm ca chấn thương xảy ra mỗi năm.
Các nghệ sỹ múa và các giáo viên mà The Epoch Times trò chuyện không có sẵn số liệu thống kê như vậy, nhưng tất cả đều đồng ý rằng tỷ lệ chấn thương mà họ quan sát được ở Shen Yun chỉ chiếm một phần nhỏ so với con số đó.
Ông Cha cho rằng tỷ lệ chấn thương thấp có thể đạt được một phần là nhờ tiêu chuẩn tập luyện khắt khe và chú trọng vào kỹ thuật đúng. Ông giải thích rằng không phải bản thân động tác vũ đạo là nguyên nhân gây ra chấn thương, mà là các nghệ sỹ múa áp dụng sai kỹ thuật vũ đạo, dẫn đến căng thẳng hoặc chấn thương quá mức theo thời gian.
“Việc giữ cho các nghệ sỹ múa luôn có dáng múa hoàn hảo và thường xuyên theo dõi kỹ thuật của họ sẽ giúp tránh được nhiều rắc rối,” ông cho biết.
Cũng đã hơn 40 tuổi, ông Cha từng trải qua các chấn thương trong vũ đạo. Lần cuối cùng là vết rách dây chằng đầu gối hồi năm 2020, có nguy cơ khiến sự nghiệp của ông chấm dứt. Ông kể lại rằng ông đã bay tới Nam Hàn để gặp một bác sỹ phẫu thuật đầu gối đẳng cấp thế giới, và sau quá trình phục hồi chức năng kéo dài, ông đã có thể trở lại sân khấu.
Ông Cha cho biết, nếu một người gặp phải vấn đề thể chất dẫn đến không thể biểu diễn, thì Shen Yun thường cho họ cơ hội ở lại công ty trong một vai trò khác, chẳng hạn như làm việc tại bộ phận sản xuất.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, những khó khăn về thể chất không phải là điều khiến các nghệ sỹ múa đã bỏ cuộc cảm thấy không thể vượt qua được, mà đúng hơn là thử thách về tinh thần và thậm chí là về tâm linh.
Nhiều nghệ sỹ múa nhìn nhận rằng, nhìn chung, giới nghệ sỹ biểu diễn ưu tú nổi tiếng là có các hoạt động chính trị và sự cạnh tranh khốc liệt bên trong nội bộ, với những cái tôi va chạm lẫn nhau và nhiều nghệ sỹ thành danh cảm thấy bị xem thường nếu không được giao vai chính.
Họ nhận thấy Shen Yun có một bầu không khí rất khác biệt.
Để khắc họa được nền văn hóa Trung Hoa đích thực, các nghệ sỹ cần phải nghiên cứu và thể hiện ra những nét văn hóa này, chiểu theo các giá trị và đạo đức truyền thống. Điều quan trọng nhất là họ cần phải bỏ đi cái tôi của mình, họ cho biết.
Trưởng thành trong xã hội phân cấp nghiêm ngặt của Nam Hàn, ông Cha chia sẻ rằng ông cần tốn chút thời gian điều chỉnh để thích nghi với việc tiếp nhận lời khuyên từ các nghệ sỹ múa trẻ tuổi hơn hoặc thậm chí là từ các giáo viên.
Cô Trần nói, “Các giáo viên sẽ nói với chúng tôi rằng, ‘Cho dù các em đã học được bao nhiêu và cho dù các em nghĩ rằng mình biết được bao nhiêu, thì tất cả chúng ta đều phải bắt đầu từ con số 0.’”
Cô nói, việc giữ thái độ khiêm tốn hơn đối với vũ đạo là cả một quá trình.
Cô nhớ lại cái tôi của mình đã phình to như thế nào sau khi cô giành chiến thắng ở hạng mục thiếu niên trong một cuộc thi vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
“Tôi những tưởng đó là phương tiện để tôi trở nên nổi tiếng,” cô chia sẻ.
Đó là thời điểm quan trọng trong sự nghiệp mới chớm nở của cô, khi nhìn lại, cô nhận ra rằng cô đã bị khảo nghiệm về mặt nhân cách.
“Nếu không có ai thực sự hướng dẫn tôi suy nghĩ về điều này một cách lành mạnh thì rất có thể tôi vẫn còn nắm chặt lấy quan niệm đó,” cô bày tỏ.
Cô cho biết, nhờ ảnh hưởng tích cực từ các giáo viên và bạn cùng lớp, cô đã có thể nhận ra vấn đề này.
“Học vô chỉ cảnh” — bể học mênh mang — là một câu tục ngữ Trung Hoa mà cô thường nhẩm đi nhẩm lại.
“Quý vị càng cao ngạo bao nhiêu thì lại càng có ít khả năng phát triển bấy nhiêu,” cô chia sẻ. “Cho dù quý vị nghĩ mình tuyệt vời đến đâu thì vẫn luôn có người có thể dạy cho quý vị điều gì đó mới mẻ.”
Cô nhận ra rằng, việc hiểu được nhận thức sâu xa này và áp dụng nó vào thực tiễn là hai chuyện khác nhau.
Năm sau, khi đứng thứ hai trong cuộc thi đó, trong lòng cô không khỏi bồn chồn bất an.
Cô nói, “Cho dù tôi có phủ nhận điều đó đến mức nào đi chăng nữa, thì ít nhiều tôi vẫn quan tâm đến nó.”
Mọi thứ trở nên càng tồi tệ hơn. Không giống như bản tính “vô tư lự” thường ngày, cô ngày càng trở nên ngượng ngùng và lo lắng khi lên sân khấu.
“Càng quan tâm đến biểu hiện của mình trước công chúng bao nhiêu, thì tôi lại càng cảm thấy căng thẳng bấy nhiêu khi biểu diễn, và đôi khi điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng diễn xuất của tôi trên sân khấu,” cô chia sẻ.
Đến một thời điểm, cô cảm thấy như mình đang đứng giữa ngã ba đường: hoặc là từ bỏ tâm hư danh này, hoặc là đi vào con đường đầy oán giận, tật đố, và chỉ biết đổ lỗi cho người khác. Sau khi nhìn thật sâu vào nội tâm để phản tỉnh, cô đã chọn tống khứ tâm hư danh đó của mình.
Cô chia sẻ, “Tôi nhận ra rằng … tôi thực sự phải lùi lại một bước và rèn luyện tâm tính của bản thân trước khi có thể bước tiếp.”
Cô nhận thấy quyết định này mang đến cho cô một cảm giác vô cùng nhẹ nhõm.
“Trải nghiệm này thực sự đã dạy cho tôi cách biết ơn nhiều hơn,” cô nói.
Nhưng không phải ai cũng có thể chấp nhận thay đổi bản thân như vậy. Một số thành viên trong đoàn nghệ thuật cho biết những người không thực sự buông bỏ được những tâm như thế rồi cũng sẽ dần dần rời đi.
Họ cho biết đã có một số cuộc chia ly không mấy êm đẹp trong những năm qua, thường là do thành viên đó đã vi phạm quy định của công ty, không thể đáp ứng tiêu chuẩn về mặt nghệ thuật, muốn được công nhận hoặc muốn được đối xử đặc biệt.
“Thật không may, chúng tôi biết đây chính là những cá nhân mà tờ Times đang nhắm tới,” bà Trần Anh, phó chủ tịch của Shen Yun, cho hay.
Hoạt động đáng ngờ
Nỗ lực của tờ New York Times càng khiến ông Lưu lo ngại khi biết bà Hong và ông Rothfeld đã trò chuyện với ông Alex Scilla, một người có hoạt động kinh doanh lâu năm ở Trung Quốc, người đang thực hiện một chiến dịch sâu rộng nhắm vào khuôn viên Long Tuyền cùng với nhà hoạt động địa phương Grace Woodard.
Như một cuộc điều tra trước đây của The Epoch Times đã phát hiện, ông Scilla và bà Woodard từng tham gia giám sát khuôn viên Long Tuyền ở quận Cam, New York. Họ đã tìm cách cản trở sự phát triển của địa điểm này, đồng thời liên tục thực hiện những vụ kiện vô căn cứ liên quan đến vấn đề môi trường để khơi gợi những nhận định tiêu cực trên truyền thông.
Sau khi hai vụ kiện trước đó bị bác bỏ, ông Scilla đã đệ trình một vụ kiện mới, và đây lại tiếp tục là một vụ kiện vô căn cứ, đại diện của khu Long Tuyền cho biết trong quá trình giải thích chi tiết từng bằng chứng giúp The Epoch Times nắm được tình hình.
Theo bản cáo trạng, hai người bị tình nghi là đặc vụ Trung Quốc bị FBI bắt giữ hồi tháng Năm năm ngoái, ông Trần Quân (John Chen) và ông Lâm Phong (Lin Feng), chủ yếu tham gia vào một âm mưu vào đầu năm 2023 nhằm hối lộ một đặc vụ IRS để tiến hành một cuộc điều tra không có thật nhằm tước bỏ tư cách bất vụ lợi của một tổ chức do học viên Pháp Luân Công điều hành.
Tài liệu tòa án cho biết, trước khi khai triển kế hoạch hối lộ nhân viên IRS, họ cũng tiến hành các hoạt động có sự tương đồng đến kỳ lạ với các hoạt động của ông Scilla.
Ông Phong, một cựu vận động viên Trung Quốc, đã bị FBI thẩm vấn nhiều lần và “thừa nhận rằng cả ông và [ông Trần] đã tới New York để theo dõi các cư dân là học viên Pháp Luân Công ở quận Cam, New York, nhằm thu thập thông tin làm cơ sở cho một vụ kiện tiềm năng về môi trường nhằm ngăn cản sự phát triển của cộng đồng Pháp Luân Công ở quận Cam, New York,” các công tố viên liên bang cho biết trong một hồ sơ tòa án hồi năm ngoái, lập luận rằng cả hai người đàn ông này cần phải bị giam giữ để ngăn họ trốn về Trung Quốc.
Những người điều khiển ông Trần rõ ràng là đang hoạt động từ Thiên Tân, trụ sở của Phòng 610, một cơ quan công an ngoài vòng pháp luật được ĐCSTQ thành lập vào năm 1999 nhằm ‘xóa sổ’ Pháp Luân Công. Theo các tài liệu của tòa án, việc ông nhắm mục tiêu vào các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã giúp ông có được danh tiếng ngày càng lớn trong ĐCSTQ, trong đó ông đã có ba lần được diện kiến ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.
“Họ giống như những anh em ruột thịt vậy,” ông Trần nhắc đến các ‘đồng chí’ ĐCSTQ của mình trong một cuộc trò chuyện với một đặc vụ FBI chìm.
“Chúng tôi đã bắt đầu cuộc chiến nhắm vào [nhà sáng lập Pháp Luân Công] hai mươi, ba mươi năm trước. Họ luôn ở bên chúng tôi.”
Ông Lưu nói, việc đề cập đến “nhà sáng lập Pháp Luân Công” cũng như việc ông Trần và ông Phong âm mưu thực hiện kế hoạch hối lộ của họ tại văn phòng IRS của quận Cam đã dẫn đến một kết luận không còn chút nghi ngờ nào rằng, tổ chức bị nhắm mục tiêu đến chính là Shen Yun.
Ông Scilla cũng có mối liên hệ kinh doanh của riêng mình ở thành phố Thiên Tân. Dựa trên thông tin được The Epoch Times xem xét, ông đã sống ở đô thị phía bắc Trung Quốc này trong nhiều năm và nguồn thu nhập tiềm năng duy nhất của ông dường như là một công ty tư vấn do ông thành lập cùng với người vợ Trung Quốc của mình ở Thiên Tân vào năm 2019, không lâu sau khi ông chuyển đến Hoa Kỳ và khởi động chiến dịch nhắm vào khu Long Tuyền. Trước đây The Epoch Times đã nhiều lần đặt câu hỏi nhưng không nhận được hồi đáp từ ông Scilla.
Các công tố viên cho biết, ông Trần tự nhận mình cũng có một doanh nghiệp ở Thiên Tân và nói với người đặc vụ FBI chìm rằng người này có thể đến Trung Quốc để nhận thù lao ở đó, “nói rằng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên ở [Trung Quốc] của ông ta cao hơn nhiều những gì ông ta có thể tiếp cận được ở Hoa Kỳ.”
Ông Trần và ông Phong hiện phải đối mặt với các cáo buộc về việc hành động như các đại diện chưa ghi danh của Trung Quốc, hối lộ, và lập nhiều âm mưu, bao gồm cả tiến hành hoạt động rửa tiền.
Lịch sử phục tùng ĐCSTQ của New York Times
Năm 2001, chủ báo đương thời của The New York Times, ông Arthur Sulzberger Jr., đã dẫn đầu một phái đoàn gồm các cây viết và biên tập viên của tờ báo này đến Bắc Kinh, nơi họ thương lượng với ĐCSTQ về việc bỏ chặn trang web của tờ báo này ở Trung Quốc. Vài ngày sau khi tờ báo đăng bài phỏng vấn tâng bốc lãnh đạo lúc bấy giờ của ĐCSTQ là ông Giang Trạch Dân, trang web của họ đã được bỏ chặn.
Chính ông Giang là người phát động chiến dịch “xóa sổ” Pháp Luân Công, đi ngược lại mong muốn của các quan chức cấp cao khác trong ĐCSTQ.
Khi cuộc bức hại diễn ra với mức độ ngày càng khốc liệt, thì cả The Washington Post lẫn The Wall Street Journal đều đưa tin cứng rắn về những tội ác của chế độ này và phơi bày tuyên truyền của đảng nhằm bôi nhọ Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, The New York Times không những đã không làm vậy mà còn dành rất nhiều không gian báo chí cho tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản.
Trong một trường hợp, tờ báo này đã đi xa đến mức lặp lại quan điểm rằng các học viên Pháp Luân Công được hưởng lợi từ những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm tẩy não và ép buộc họ từ bỏ đức tin.
Một bài báo đã viết rằng một học viên Pháp Luân Công, người “vẫn còn ở trong tù,” được “trích dẫn nói rằng ‘trung tâm cải tạo còn thoải mái hơn cả ở nhà tôi’ và rằng ‘công an ở trung tâm rất lịch sự và tốt bụng.’”
Theo một báo cáo sắp được phát hành của FDIC mà The Epoch Times thu thập được, gần hai phần ba số bài viết của tờ báo này về Pháp Luân Công trong 25 năm qua bao gồm nhiều thông tin sai sự thật và xuyên tạc, thường được lấy từ bộ từ vựng mà ĐCSTQ hay dùng.
Hàng chục bài báo gán cho Pháp Luân Công là “giáo phái,” “môn phái,” “tà giáo,” hoặc “tà phái.”
Trong một số trường hợp, tờ báo này thừa nhận các nhãn mác này đến từ phía ĐCSTQ, nhưng trong những trường hợp khác, tờ báo này lại sử dụng chính giọng điệu của mình để đưa ra những cái nhãn.
Các học giả về tôn giáo Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nhân quyền, và thậm chí cả các ký giả đã dám đứng ra tự mình tìm hiểu về Pháp Luân Công đều kết luận rằng những nhãn mác như vậy là không có cơ sở.
Ông Ian Johnson, tác giả của một loạt bài báo mang tính đột phá về Pháp Luân Công cho tờ The Wall Street Journal hồi năm 2000, đã nhận xét rằng môn tu luyện này “không đáp ứng được nhiều định nghĩa thông thường về một giáo phái.”
“Các thành viên của họ kết hôn với người ngoài nhóm, có bạn bè bên ngoài, làm những công việc bình thường, không sống tách biệt với xã hội, không tin rằng ngày tận thế sắp xảy ra và không đóng góp số tiền đáng kể cho tổ chức. Quan trọng nhất là việc tự sát và bạo lực thân thể đều không được chấp nhận,” ông viết.
“[Pháp Luân Công] thực chất là một môn tu luyện phi chính trị, hướng nội, nhằm mục đích thanh lọc tâm hồn và cải thiện sức khỏe của một người.”
Còn The New York Times thì chỉ có thể đưa ra lời giải thích cơ bản nhất về những niềm tin của Pháp Luân Công — về các nguyên lý cốt lõi của môn này là chân, thiện, và nhẫn — trong một số rất ít bài báo.
Theo FDIC, khi bằng chứng về những hành động tàn ác đối với Pháp Luân Công ngày càng gia tăng, thì tờ báo này lại chỉ đơn giản là phớt lờ thực tế này.
Năm 2016, một phóng viên của tờ New York Times, bà Didi Kirsten Tatlow, đã gặp một số bác sỹ cấy ghép Trung Quốc và tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của họ cho thấy các tù nhân lương tâm đã bị sử dụng làm nguồn nội tạng cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc. Cùng thời gian đó, một số luật sư nhân quyền và nhà nghiên cứu đã thu thập được bằng chứng đáng kể cho thấy ĐCSTQ quả thực đang sát hại các tù nhân lương tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp cấy ghép đang bùng nổ của mình, và mục tiêu chính là Pháp Luân Công.
Bà Tatlow sẵn sàng theo đuổi cuộc điều tra nhưng cho biết bà đã bị các biên tập viên của mình ngăn lại.
“Tôi có ấn tượng là tờ New York Times, chủ báo của tôi vào thời điểm đó, không hài lòng khi tôi theo đuổi những câu chuyện này [về việc lạm dụng cấy ghép nội tạng], và sau khi ban đầu dung thứ cho những nỗ lực của tôi, đã khiến tôi không thể tiếp tục theo đuổi nữa,” bà nói trong lời khai năm 2019 trước tòa án độc lập điều tra về Trung Quốc China Tribunal, một ban hội thẩm gồm các chuyên gia độc lập xem xét bằng chứng về thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Sau khi lắng nghe hơn 50 nhân chứng, bao gồm các ký giả, nhà nghiên cứu, bác sỹ, và những người từng bị giam giữ ở Trung Quốc, tháng 03/2020, ban hội thẩm này đã kết luận rằng “hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng [đã] được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc với một quy mô đáng kể và các học viên Pháp Luân Công [đã] là một nguồn cung cấp nội tạng — và có lẽ là nguồn chính.”
Phán quyết cuối cùng của ban hội thẩm này đã làm khuynh đảo giới truyền thông, làm dấy lên các bản tin trên The Guardian, Reuters, Sky News, New York Post, và hàng chục tờ báo khác.
FDIC lưu ý: “Tuy nhiên, The New York Times đã im lặng.”
Trong những năm gần đây, việc đưa tin về Pháp Luân Công của tờ báo này đã trở nên “công khai thù địch.”
Hồi năm 2020, tận dụng lòng nhiệt thành chống phân biệt chủng tộc vào thời điểm đó, tờ báo này đã đưa ra tuyên bố rằng Pháp Luân Công cấm hôn nhân giữa các chủng tộc — một sự dối trá rõ ràng, vì hôn nhân giữa các chủng tộc là phổ biến trong các học viên Pháp Luân Công.
Các bài báo cũng miêu tả Pháp Luân Công là “bí mật”, “cực đoan,” và “nguy hiểm” mà không cần chứng minh những tuyên bố đó, những tin bài của họ cho thấy.
Mặt khác, sự tàn bạo của cuộc bức hại đã được bưng bít và xem như là những lời buộc tội đơn thuần, trong khi nỗ lực của Pháp Luân Công nhằm chống lại cuộc bức hại được mô tả là một “chiến dịch PR.”
Lịch sử tuyên truyền
The New York Times có một lịch sử nhớp nhúa về việc khuếch đại tuyên truyền của cộng sản.
Vào những năm 1930, phóng viên ngôi sao người Nga của tờ báo, ông Walter Duranty, đã che đậy một cách tai tiếng nạn đói do Liên Xô gây ra ở Ukraine và thậm chí còn nhận được giải Pulitzer cho việc này.
Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, ông Duranty xác nhận rằng ông có biết về nạn đói, theo cuốn “Nhận thức của Tình báo Hoa Kỳ về Sức mạnh của Liên Xô, 1921–1946” của chuyên gia Liên Xô Leonard Leshuk.
Ông Duranty nói với một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Berlin “rằng ‘theo thỏa thuận với The New York Times và chính quyền Liên Xô’ thì các bài viết chính thức của ông luôn phải phản ánh quan điểm chính thức của chính quyền Liên Xô chứ không phải của chính ông,” ông Leshuk viết.
Nhiều thập niên sau, tờ báo này đã thuê một nhà tư vấn để xác định xem có nên trả lại giải Pulitzer này hay không. Nhà tư vấn đó kết luận là nên trả lại, nhưng tờ báo này đã từ chối làm như vậy.
Theo cuốn “The Grey Lady Winked” (Quý Bà Màu Xám Nháy Mắt) của tác giả Ashley Rindsberg, thì thất bại của ông Duranty không phải là một vụ việc mang tính đơn nhất.
Ông Rindsberg viết, “Tờ báo đăng những bài tuyên truyền ủng hộ Cộng sản một cách trắng trợn như thể là các bản tin trong những năm đầu quan trọng trong khoảng thời gian trỗi dậy của Liên Xô,” và đã tiếp tục làm như vậy trong những năm thời Xô Viết.
“The New York Times thường xuyên đăng tải những bản tin và bài phân tích do các đặc vụ cộng sản và những người có cảm tình với Liên Xô viết. Nếu lãnh đạo của tờ Times có cảm thấy những bài báo thân Liên Xô này là không chính xác hoặc gây hiểu lầm, thì họ chắc chắn cũng không bao giờ làm bất cứ điều gì về điều đó.”
Ông Mao Trạch Đông, người ra các mệnh lệnh gây ra cái chết của khoảng 80 triệu người, từng được tờ báo này ca ngợi là một “nhà cải cách nông nghiệp dân chủ.”
Ông David Rockefeller viết trong một bài xã luận năm 1973 cho tờ báo này, rằng: “Thử nghiệm xã hội ở Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch là một trong những thử nghiệm quan trọng và thành công nhất trong lịch sử nhân loại.”
Khi ông Fidel Castro sắp giành được quyền lực ở Cuba, The New York Times cũng đã giúp nâng cao hình ảnh của ông, gọi ông là “dân chủ”. Chủ tờ báo này thậm chí còn gặp ông Castro vào thời điểm đó. Ông Rindsberg viết rằng năm 1995, nhà độc tài cộng sản này đã được chào đón tới trụ sở chính của tờ báo này, kèm theo những bài viết tích cực về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông, và cũng được như vậy trong cả một chuyến thăm nữa vào năm 2000.
Ông Tom Kuntz, cựu biên tập viên của tờ báo này, đã “lo ngại” khi thấy ông Castro được chào đón nồng nhiệt tại các văn phòng, với đám đông nhân viên đi theo xung quanh nhà độc tài này.
“Chuyến thăm đó giống như là Michael Jackson hoặc Elvis bước vào tòa nhà vậy,” ông nói với The Epoch Times.
Đòn bẩy của ĐCSTQ
Kể từ khi chủ báo tiền nhiệm của The New York Times, ông Sulzberger, quyết định đưa ấn phẩm này ra toàn cầu, thì sự hiện diện của tờ báo này ở Trung Quốc là một ưu tiên cao, với việc tờ báo duy trì các văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, quyền duy trì sự hiện diện đó xem ra là đi kèm với các ràng buộc.
“Vấn đề luôn là nếu quý vị muốn trở thành một tờ báo toàn cầu, thì quý vị phải làm gì để khiến Trung Quốc hài lòng và duy trì hoạt động kinh doanh ở đó?” ông Kuntz nói.
“Luôn luôn có những căng thẳng, và tôi biết họ cũng như nhiều công ty khác đã cố gắng duy trì khả năng tiếp cận Trung Quốc.”
Năm 2012, tờ báo này đã mô tả về sự giàu có của gia đình ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đương thời và là một trong những người cuối cùng lên tiếng yêu cầu có sự cải cách chính trị dù là nhỏ nhất trong giới lãnh đạo Đảng.
ĐCSTQ đã phản ứng bằng cách chặn trang web của New York Times, bao gồm cả phiên bản tiếng Trung mới ra mắt chỉ vài tháng trước đó.
Các giám đốc điều hành của tờ báo, trong đó có ông Sulzberger, đã cố gắng thuyết phục Đảng này khôi phục quyền truy cập.
“Chúng tôi bắt tay vào nỗ lực vận động hành lang kéo dài hàng mấy năm liền với hy vọng có thể lật ngược tình thế. Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ văn phòng thông tin Quốc vụ viện và Bộ Ngoại giao; chúng tôi đã làm việc với người đứng đầu hãng thông tấn Tân Hoa Xã (một chức vụ cấp bộ trưởng) và người đứng đầu tờ Nhân dân Nhật báo (một chức vụ cấp bộ trưởng khác); chúng tôi đã nói chuyện với cựu giám đốc quan hệ chính phủ của ông Rupert Murdoch, người có mối quan hệ họ hàng thân thích với người trong Ban Tuyên giáo Trung ương; chúng tôi thậm chí còn thử đàm phán hậu trường với một loạt những người trung gian, những người tuyên bố mình có ảnh hưởng với những người xung quanh Chủ tịch Tập. Tất nhiên, chúng tôi đã cố gắng nắm lấy mọi cơ hội để được gặp bản thân Chủ tịch Tập, hy vọng sẽ lặp lại thành công với Chủ tịch Giang,” ông Smith, người đứng đầu việc thành lập trang web tiếng Trung, viết.
Biên tập viên điều hành đương thời Jill Abramson sau đó đã phàn nàn trong cuốn sách của mình rằng ông Sulzberger đã làm việc sau lưng bà và, “kết hợp các ý tứ từ đại sứ quán Trung Quốc, đã soạn thảo một bức thư từ Times gửi đến chính quyền Trung Quốc, hoàn toàn là những lời xin lỗi xoa dịu về câu chuyện ban đầu của chúng tôi.”
“Theo quan điểm của tôi, bản thảo bức thư này là đáng chê trách và nói rằng chúng tôi rất tiếc vì ‘nhận thức’ mà câu chuyện này đã tạo ra. Tôi cảm thấy rất giận khi đọc bức thư này,” bà viết.
Bà nói, khi bà chất vấn vị chủ biên này, thì ông ta liên tục nhắc đi nhắc lại, “Tôi không làm gì sai cả,” rồi đồng ý soạn lại bức thư.
Bà Abramson viết rằng bản thảo cuối cùng vẫn “đáng chê trách.”
“Từ ‘xin lỗi’ vẫn còn trong bản thảo cuối cùng của bức thư mà tôi đã xem.”
Ông Smith viết, sau năm 2012, việc The New York Times kiên quyết “thâm nhập thị trường Hoa lục” đã đưa đến một loạt sáng kiến mới, bao gồm các ấn phẩm in, bản tin, và một trang web về phong cách sống.
Đến năm 2019, các văn phòng tại Trung Quốc của tờ báo đã tuyển dụng hàng chục phóng viên, một số là người gốc Hoa, một số thông tín viên — sự hiện diện lớn nhất mà tờ báo sắp xếp ở bất kỳ địa phương hải ngoại nào.
Sau đó dịch bệnh xuất hiện.
Tháng 02/2020, The Wall Street Journal đã đăng một bài xã luận của tác giả Walter Russell Mead với tiêu đề “Trung Quốc Là Kẻ Bệnh Hoạn Thực Sự Của Châu Á” (China Is the Real Sick Man of Asia). Bài báo này chỉ trích Trung Quốc vì đã ứng phó một cách sai lầm với dịch bệnh virus corona và đặt câu hỏi về quyền lực và sự ổn định của Bắc Kinh.
ĐCSTQ phản đối rằng tiêu đề này “phân biệt chủng tộc” và phản ứng bằng cách trục xuất ba thông tín viên của tờ báo ở Trung Quốc.
Cùng ngày, chính phủ Tổng thống Trump đã xác định năm cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là cơ quan đại diện của ngoại quốc. Tháng tiếp theo (03/2020), họ giới hạn số lượng nhân sự người Mỹ được phép làm việc cho các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, do đó trên thực tế khiến 60 người phải về nước.
Ngày 17/03/2020, ĐCSTQ đã đáp trả bằng cách trục xuất hầu hết các phóng viên của The Wall Street Journal, The Washington Post, và The New York Times, cho họ 10 ngày để chuẩn bị hành lý.
Ngày hôm sau, một yêu cầu gây chấn động đã được gửi đến hộp thư bộ phận quảng cáo của tờ New York Times. Ông Brett Kingstone, một nhà phát triển địa ốc ở Florida, muốn đăng một quảng cáo dài một trang kêu gọi Trung Quốc chịu trách nhiệm về đại dịch.
Quảng cáo đó dự kiến sẽ được cho chạy vào ngày 22/03/2020. Quảng cáo này đã được duyệt qua, trả tiền, in, và phân phối trong những ấn bản đầu tiên trước khi bị tờ báo đột ngột hủy bỏ vào lúc nửa đêm, khiến quảng cáo này không thể hiện diện trên hầu hết các bản in.
Phát ngôn viên Danielle Rhoades Ha nói với The Epoch Times qua thư điện tử: “Quảng cáo được đề cập không đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi và lẽ ra không nên xuất hiện trên The New York Times.”
“Nó đã bị xóa sau khi bị nhân viên của [New York] Times gắn cảnh báo nội bộ.”
Cô không trả lời câu hỏi về việc liệu tờ báo có từng phải chịu bất kỳ áp lực nào từ ĐCSTQ liên quan đến quảng cáo này hay không.
Tuy nhiên, tờ New York Times vẫn đã thường xuyên đăng các bài quảng cáo tuyên truyền do một công ty bị ĐCSTQ kiểm soát chi tiền.
Ông Kingstone cho biết một giám đốc điều hành của New York Times đã nói với ông rằng một quan chức của ĐCSTQ đã gọi điện thoại cho ban lãnh đạo tờ báo và yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo đó. The Epoch Times không thể xác nhận độc lập rằng liệu cuộc điện thoại đó có diễn ra hay không. Nỗ lực liên lạc với vị giám đốc điều hành này để yêu cầu bình luận đã không thành công. Phát ngôn viên của tờ báo không xác nhận cũng không phủ nhận về việc liệu một cuộc điện thoại như thế có diễn ra hay không.
Ông Pat Laflin, một cựu đặc vụ FBI và là chuyên gia về gián điệp kinh tế, cho biết “không thể nào” mà ĐCSTQ không cố gắng gây áp lực lên tờ báo.
“Chính xác như những gì họ nói và về việc nó tinh tế đến mức nào hoặc không tinh tế đến mức nào, thì tất cả đều chỉ là suy đoán. Tôi không biết,” ông nói. “Nhưng cuộc gọi đó có đến hay không? Có đấy.”
Một ngày sau khi quảng cáo của ông Kingstone bị gỡ bỏ, vào ngày 23/03/2020, các biên tập viên điều hành của The Wall Street Journal, The Washington Post, và The New York Times đã đăng một bức thư ngỏ gửi chính quyền Trung Quốc, thỉnh cầu đảo ngược việc trục xuất.
Họ đã không quên nhấn mạnh về việc đã đưa tin tích cực như thế nào về cách giải quyết đại dịch nhẫn tâm của ĐCSTQ.
“Chúng tôi đã nêu bật những tin tức và phân tích về tiến bộ đáng chú ý của Trung Quốc trong việc giảm sự lây lan của virus thông qua việc ngăn chặn và giảm thiểu,” họ cho biết. “Ngay cả bây giờ, khi một số ký giả của chúng tôi sắp bị trục xuất, họ vẫn đưa tin về cách Trung Quốc đang điều động nguồn lực nhà nước để phát triển vaccine có thể mang lại hy vọng cho hàng tỷ người ở đó và trên toàn thế giới.”
Tháng 11/2021, chính phủ Tổng thống Biden đã nới lỏng các hạn chế đối với truyền thông Trung Quốc để đổi lấy việc ĐCSTQ cho phép các phóng viên của The New York Times, The Washington Post, và The Wall Street Journal quay lại và được bay đến và bay đi từ Trung Quốc dễ dàng hơn.
Kể từ năm 2020, The New York Times đã nhiều lần bị chỉ trích vì đăng các bài xã luận thúc đẩy tuyên truyền của Bắc Kinh, trong đó có một bài do ban biên tập của tờ báo này đưa ra vào năm ngoái với tiêu đề “Ai Được Hưởng Lợi Từ Việc Đối Đầu Với Trung Quốc?” (Who Benefits From Confrontation With China?).
Theo ông Bradley Thayer, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh (CSP), chuyên gia đánh giá chiến lược về Trung Quốc và là cộng tác viên của The Epoch Times, bài xã luận này là minh chứng cho chính sách “can dự” thất bại với Trung Quốc.
Ông đổ lỗi cho tờ báo vì “sự ngu ngốc về mặt ý thức hệ khi họ từ chối nhìn nhận bản chất của các chế độ cộng sản trong diện mạo thật của họ.”
Ông James Fanell, cựu sỹ quan tình báo hải quân và là một chuyên gia về Trung Quốc, cho rằng từ một góc độ khác, tờ New York Times có lợi ích nhất định trong việc tránh đối đầu với Trung Quốc, chỉ bởi vì họ muốn duy trì khả năng tiếp cận.
“Tôi nghĩ điều đó là hiển nhiên,” ông nói.
The Epoch Times đã gửi cho New York Times 13 câu hỏi cụ thể để yêu cầu bình luận liên quan đến các cáo buộc được nêu trong bài viết này, từ việc các phóng viên của họ chỉ tìm kiếm các cuộc phỏng vấn tiêu cực, những thông tin xuyên tạc trước đây về Pháp Luân Công dựa trên sự tuyên truyền của ĐCSTQ, và việc miêu tả Shen Yun dưới góc nhìn tiêu cực sẽ giúp ĐCSTQ trong nỗ lực trấn áp những người bất đồng chính kiến trong và ngoài nước như thế nào.