Bản tin đặc biệt

Nhiều người Mỹ đối diện với án tù hàng chục năm vì thuyết phục phụ nữ từ bỏ ý định phá thai

Một người bà cho rằng mình sẽ phải thụ án tù liên bang hơn 41 năm.

LEITCHFIELD, Kentucky — Bà Heather Idoni nhấc điện thoại lên và bấm số tù nhân của bà trên bàn phím để kích hoạt điện thoại qua cửa sổ thăm viếng tại Trung tâm giam giữ Quận Grayson.

Bà có 15 phút để nói chuyện trước khi âm thanh bị cắt mà không báo trước và khách của bà bị yêu cầu rời đi.

Trong tù, mọi cử động của tù nhân đều bị kiểm soát. Bà Idoni, 59 tuổi, đang dần quen với điều đó. Bà đang đối mặt với hơn 41 năm tù — có lẽ bằng với số tuổi thọ còn lại của bà.

Bản án của bà được cho là ​​sẽ dài nhất ở Hoa Kỳ dành cho một người bị buộc tội vi phạm Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám (FACE). Đây là một đạo luật luật ra đời năm 1994, cấm can thiệp bất kỳ ai nhận hoặc cung cấp “các dịch vụ sức khỏe sinh sản.” Đạo luật này hiếm khi được áp dụng cho đến khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện về vụ án Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson hồi tháng 06/2022, một phán quyết đã đảo ngược vụ án Roe kiện Wade và trao lại quyền quy định luật phá thai cho các tiểu bang.

Tội của bà là: ngồi gần hoặc trước cửa các phòng khám phá thai để làm tư vấn viên vỉa hè vài phút nói chuyện với các phụ nữ trước cuộc hẹn phá thai và có thể khiến họ thay đổi ý định. Bà Idoni cho biết, cứ 10 phụ nữ thì hết 9 người giơ ngón giữa trước mặt họ và bước tiếp. Nhưng một số phụ nữ đã thay đổi ý định, và các tư vấn viên vỉa hè nói rằng mạng sống của mọi em bé được cứu đều là điều đáng để họ tiếp tục mạo hiểm.

Thế nhưng, mười năm tù hay nhiều hơn nữa là kết quả mà bà Idoni và những người ngăn phá thai khác không hề nghĩ đến. Ở nước Mỹ sau sự kiện đảo ngược vụ án Roe kiện Wade, những người ủng hộ sự sống đã phải chịu những hình phạt khắc nghiệt khiến cuộc đời họ thay đổi.

“Tôi có mấy đứa cháu còn rất nhỏ,” bà Idoni nói với The Epoch Times. “Các cháu sẽ không còn chút ký ức nào về tôi. Thật đau lòng khi nghĩ đến điều đó. Điều khổ sở nhất là phải xa cách những đứa cháu bé bỏng đang lớn rất nhanh của mình, và tôi sẽ không còn hiện diện trong cuộc đời của các cháu nữa.”

Trước khi vào tù, bà Idoni sở hữu một tiệm sách ở Linden, Michigan. Bà là mẹ của 16 người con, trong đó có 10 cậu bé mồ côi mà bà nhận nuôi từ Ukraine.

Hồi năm 2022, ít nhất 26 nhà hoạt động ủng hộ sự sống đã bị buộc tội theo Đạo luật FACE, và nhiều người hiện đang ở tù hoặc chờ tuyên án. Hầu hết đều bị buộc tội sau tháng 06/2022, khi Tổng thống Joe Biden thành lập Lực lượng Đặc nhiệm Quyền Sinh sản, một nhóm do Bộ Tư pháp lãnh đạo tập trung một phần vào việc thực thi đạo luật này. DOJ đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Các nhà quan sát chính trị dự đoán vấn đề cảm xúc về việc phá thai sẽ là một chủ đề hàng đầu trong cuộc bầu cử năm 2024 trong hầu hết các cuộc đua.

Sự bất tuân dân sự

Hồi năm 2023, bà Idoni đã bị kết án cùng bốn bị cáo khác ở Hoa Thịnh Đốn, về hành vi vi phạm Đạo luật FACE và âm mưu trọng tội chống lại các quyền. Vào năm 2020, nhóm này đã chặn lối vào của một cơ sở phá thai chuyên phá thai vào cuối thai kỳ. DOJ cho biết nhóm này đã tiến vào cơ sở này và chặn lối vào bằng chính họ, đồ nội thất, dây xích, và dây thừng, rồi phát trực tiếp hoạt động của họ trên mạng xã hội. DOJ coi hành động phát trực tiếp này là một âm mưu trọng tội, hình phạt có thể lên đến 10 năm tù. Hành vi vi phạm đạo luật FACE này khiến họ lãnh thêm một năm tù nữa. Họ sẽ bị tuyên án vào tháng Năm.

Nhiều người Mỹ đối diện với án tù hàng chục năm vì thuyết phục phụ nữ từ bỏ ý định phá thai

Nhưng sau phiên tòa xét xử ở Hoa Thịnh Đốn, bà Idoni và năm người khác đã bị kết án vì cầu nguyện và hát thánh ca trong hành lang của một cơ sở kinh doanh phá thai hiện đã đóng cửa ở Mount Juliet, Tennessee. Đây sẽ được xem là một tiền án và có thể bị tăng thêm nhiều năm tù ở Hoa Thịnh Đốn. Bà đang chờ hầu tòa cho một phiên tòa khác vì hai hành vi vi phạm FACE ở Michigan.

Bà Heather Idoni (thứ 2 từ phải sang) và các nhà hoạt động ủng hộ sự sống khác ngồi trước cửa cơ sở phá thai ở Sterling Heights, Michigan, vào ngày 27/08/2020. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Cal Zastrow)
Bà Heather Idoni (thứ 2 từ phải sang) và các nhà hoạt động ủng hộ sự sống khác ngồi trước cửa cơ sở phá thai ở Sterling Heights, Michigan, vào ngày 27/08/2020. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Cal Zastrow)

“Vụ án Tennessee cho thấy rằng tình hình đã trở nên vô lý đến mức nào khi sử dụng FACE theo cách được vũ khí hóa để chống lại những người ủng hộ việc bảo vệ sự sống, những người rõ ràng là đối thủ chính trị của chính phủ này,” ông Stephen Crampton, cố vấn cấp cao của tổ chức Thomas More Society, nói với The Epoch Times. “Việc đưa ra cáo buộc âm mưu liên bang 10 năm tù như thế trong một vụ án mà nếu quý vị chỉ xem xét vụ án này một cách vô cảm thì không thể phân biệt được với một cuộc biểu tình ngồi về quyền công dân.”

Ông Crampton là một luật sư trong vụ án Tennessee được xét xử ở Nashville. Tiểu bang này chính là nơi mà vào năm 1960, những công dân người Mỹ gốc Phi Châu đã bất tuân dân sự bằng cách ngồi tại quầy ăn trưa để phản đối sự phân biệt chủng tộc.

“Có một Bảo tàng Dân Quyền ở giữa thư viện công cộng ngay đối diện tòa án — một khu trưng bày lớn, tôn vinh những người đã tham gia biểu tình ngồi ở Nashville và giúp thay đổi toàn bộ nền văn hóa của quốc gia như những người anh hùng,” ông Crampton nói.

“Trái lại, họ khiến [các thân chủ] của chúng tôi trở thành những kẻ tử vì đạo vì đã tham gia biểu tình ngồi, không phải vì thúc đẩy bình đẳng chủng tộc mà vì cố gắng cứu sống một đứa trẻ chưa chào đời. … Nếu đó không mang tính chính trị thì tôi không biết phải mô tả như thế nào khác.”

Cơ sở phá thai liên quan đến cáo buộc theo đạo luật FACE tại Tennessee đã bị đóng cửa trước khi DOJ đưa ra bất kỳ cáo trạng nào bởi vì việc phá thai không còn hợp pháp ở Tennessee.

Ông Crampton nói, cho dù người ta cảm thấy thế nào về việc phá thai, thì người Mỹ cũng nên lưu tâm đến những gì xảy ra với Đạo luật FACE này.

Một nhóm người Mỹ gốc Phi Châu ngồi ở quầy ăn trưa trong một cuộc biểu tình ngồi ở Nashville, Tennessee, vào năm 1960. (Ảnh: Thư viện Quốc hội)
Một nhóm người Mỹ gốc Phi Châu ngồi ở quầy ăn trưa trong một cuộc biểu tình ngồi ở Nashville, Tennessee, vào năm 1960. (Ảnh: Thư viện Quốc hội)

“Thực tế là chính phủ đã chọn ra … cái nào dẫn đến liên bang hóa và tăng tối đa án tù — hôm nay, là những người ủng hộ bảo vệ sự sống, nhưng ngày mai, này, có lẽ đó là Greenpeace, phải không? Có thể đó là những nhân viên PETA với quyền động vật, và đột nhiên quý vị phải đối mặt với mức án 11 năm tù vì họ không thích chính nghĩa của quý vị,” ông Crampton nói.

“Đây có thực sự là điều mà chúng ta muốn chính phủ liên bang của chúng ta thực hiện chăng?”

Bãi bỏ Đạo luật FACE

Một phụ tá tại Thượng viện Hoa Kỳ không nêu danh tính nói với The Epoch Times rằng Đạo luật FACE đã được sử dụng 130 lần nhắm vào những người ủng hộ sự sống, nhưng đạo luật này chỉ được sử dụng ba lần nhắm vào những người biểu tình ủng hộ phá thai.

“Chắc chắn có sự khác biệt trong cách thực thi điều này,” nhân viên phụ tá này nói. “Sau khi phán quyết Dobbs bị rò rỉ, có ít nhất 108 nhà thờ Công Giáo và ít nhất 78 trung tâm trợ giúp thai kỳ đã bị những người biểu tình ủng hộ phá thai tấn công.

“Nhưng chỉ có ba vụ án áp dụng Đạo luật FACE được mở ra để phản ứng trước việc đó. Vì vậy, chỉ dựa trên những con số, thì rất rõ ràng là điều này đang được thực thi theo cách mang tính chính trị, và DOJ đang vũ khí hóa đạo luật này để chống lại những người ủng hộ sự sống và phớt lờ đạo luật này khi nói đến những người ủng hộ phá thai.”

Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah), người đang bảo trợ cho dự luật bãi bỏ Đạo luật FACE, đã nêu ra thực tế là các học giả pháp lý từ lâu đã đặt câu hỏi về tính hợp hiến của đạo luật này. Ông cho biết gần đây, chính phủ Tổng thống Biden đã sử dụng đạo luật này như một công cụ để sách nhiễu và truy tố các nhà hoạt động ủng hộ sự sống. Dự luật Hạ viện của ông có tên là Đạo luật Khôi phục Tu chính án thứ Nhất và Quyền Bất tuân Dân sự Ôn hòa.

Nhóm cực đoan ủng hộ phá thai Jane’s Revenge để lại những lời đe dọa tại Nhà thờ Harbor ở Olympia, tiểu bang Washington, vào ngày 22/05/2022 (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của tổ chức Harbor Church)
Nhóm cực đoan ủng hộ phá thai Jane’s Revenge để lại những lời đe dọa tại Nhà thờ Harbor ở Olympia, tiểu bang Washington, vào ngày 22/05/2022 (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của tổ chức Harbor Church)

Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) có một dự luật đi kèm tại Hạ viện.

Mặc dù cũng nhận được sự quan tâm khi được đưa ra hồi tháng 10/2023, nhưng kể từ đó, dự luật này của Thượng viện đã không được thúc đẩy nhiều. Nhân viên phụ tá không mấy lạc quan rằng dự luật sẽ được Thượng viện thông qua.

Nhân viên phụ tá này cho biết: “Nếu không có một khối đa số của Đảng Cộng Hòa, thì sẽ chẳng có cách nào khiến dự luật đó được thông qua,” điều đó có nghĩa là những người bị cầm tù theo Đạo luật FACE có thể phải đối mặt với các bản án dài hạn.

“Họ đang phải gánh chịu hậu quả chính trị từ đạo luật này, một đạo luật mà lẽ ra ngay từ đầu không nên tồn tại, và đạo luật đó hoàn toàn bị vũ khí hóa để chống lại nhóm này chứ không phải nhóm khác.”

Cuộc đột kích của FBI

Sáng ngày 23/09/2022, ông Mark Houck, một người cha có 7 đứa con, đã hốt hoảng khi một nhóm khoảng 25 đặc vụ FBI đập cửa nhà ông, chĩa súng vào người ông, và bắt giữ ông vì một cáo buộc vi phạm Đạo luật FACE.

Nhiều người Mỹ đối diện với án tù hàng chục năm vì thuyết phục phụ nữ từ bỏ ý định phá thai

Ông Houck từng là một tư vấn viên vỉa hè lâu năm bên ngoài một cơ sở phá thai ở Philadelphia. Ông đã đẩy một tình nguyện viên tại cơ sở đó sau khi người đàn ông này đưa ra những bình luận thô tục về con trai ông Houck và không chịu dừng lại. Mặc dù cảnh sát địa phương từ chối đưa ra cáo buộc trong vụ việc này nhưng DOJ cho biết hành động xô đẩy này là vi phạm đạo luật FACE. Bồi thẩm đoàn không đồng ý và cho rằng ông Houck không có tội. Tuy nhiên, trong nhiều tháng trước khi tòa tuyên án, ông đã đối mặt với một án tù có thể xảy ra. Hiện tại, ông đang tranh cử vào một ghế quốc hội Hoa Kỳ ở Pennsylvania.

“Nếu chuyện đó không xảy ra với tôi thì chắc gì tôi sẽ ra tranh cử,” ông Houck nói với The Epoch Times. “Đó không phải là nguyện vọng cá nhân của tôi. Nhưng sau cuộc đột kích này, và chính phủ truy lùng tôi, và chính phủ được vũ khí hóa để chống lại tôi, nên chúng tôi quyết định rằng chúng tôi muốn tranh cử để chuyện này không xảy ra với bất kỳ ai khác.”

Ông Mark Houck cùng con trai Mark Jr., ở sân sau ngôi nhà của họ ở Kintnersville, Pennsylvania, vào ngày 17/03/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Ông Mark Houck cùng con trai Mark Jr., ở sân sau ngôi nhà của họ ở Kintnersville, Pennsylvania, vào ngày 17/03/2023. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Ông cho rằng đây là lần đầu tiên sau 248 năm, kể từ khi Tuyên ngôn Độc lập được ký, chính phủ đã bị vũ khí hóa chống lại chính người dân của mình theo cách này, khiến cho thời đại này trở thành khoảng thời gian chưa từng có khi sống ở Hoa Kỳ.

“Thật đáng buồn khi DOJ của chúng ta, vốn không được thành lập vì những mục đích đó, giờ lại trở thành công cụ và vũ khí trong tay Tổng thống Joe Biden và bất kỳ ai là kẻ thù của ông ấy. Cho dù quý vị là một người ủng hộ sự sống hay ủng hộ ông Donald Trump, thì giờ đây quý vị là một mối đe dọa đối với chế độ đó và DOJ,” ông Houck nói.

“[Chính phủ TT Biden] đang truy lùng những người có đức tin và những người yêu quý đất nước này, bằng cả toàn lực của chính phủ. Đó là điều rất đáng buồn mà cũng chưa từng có tiền lệ. Chúng ta đã phải làm điều gì đó về điều đó. Chúng ta phải buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm.”

Cuộc chiến tâm linh

Đạo luật FACE đã được ban hành vào năm 1994 dưới thời Tổng thống Đảng Dân Chủ Bill Clinton. Cộng đồng ủng hộ sự sống đã vận động hành lang phản đối đạo luật này.

Ông Paul Vaughn, một người nhiều năm ủng hộ sự sống, vẫn còn giữ một cuốn sách nhỏ từ năm 1993 trong đó tiên đoán rằng “Những tín đồ Cơ Đốc Giáo sắp bị đưa vào các nhà tù liên bang.” Ở mặt kia của cuốn sách nhỏ này có câu: “Đây không phải là những loại luật được thông qua ở một đất nước tự do vốn coi trọng quyền bất đồng chính kiến mạnh mẽ.”

Nhiều người tư vấn trên đường (chủ yếu ở trên vỉa hè) và những người ngăn phá thai (đôi khi chặn cửa) là những tín đồ Cơ Đốc Giáo, đọc nhiều trích đoạn trong Kinh Thánh khẳng định sinh mệnh là thiêng liêng. Đức tin của họ thúc đẩy họ đứng ở những nơi bất tiện và có những cuộc đối thoại nhạy cảm với phụ nữ ngay trước khi những người phụ nữ đó tiến hành phá thai.

Ông Paul Vaughn ở sân sau nhà ông ở Centerville, Tennessee, hôm 20/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Ông Paul Vaughn ở sân sau nhà ông ở Centerville, Tennessee, hôm 20/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Nhiều nhà hoạt động ủng hộ sự sống đã chia sẻ với The Epoch Times rằng họ cho rằng việc thực hành đức tin của mình sẽ không dễ dàng. Nhà tù không phải là một trải nghiệm dễ dàng, và đối với bà Idoni và những người khác, việc chờ ra hầu tòa không hề dễ dàng.

Ông Vaughn, 55 tuổi, đến từ Centerville, Tennessee, cha của 11 đứa con. Ông bị kết án trong vụ án Tennessee cùng với bà Idoni và đang chờ tuyên án. Cũng giống như những gì đã diễn ra với ông Houck, một đội FBI đã đến nhà ông Vaughn vào một buổi sáng sớm, mang theo súng trường và thiết bị chiến thuật. Các đặc vụ còng tay ông ngay trước mặt những đứa con đang sợ hãi của ông đang chuẩn bị đi học, áp giải ông lên một chiếc xe và lái đi mất.

“Sự bức hại không chỉ dừng lại ở một bản án kết tội tại thời điểm đó tại tòa,” ông Vaughn nói với The Epoch Times. “Đó là cả một năm rưỡi trước đó, tháng nào tôi cũng phải trình báo cho văn phòng tại ngoại. Trong những lần đó, họ xâm phạm quyền riêng tư của quý vị, nói về số tiền quý vị kiếm được, … quý vị có bị phạt vì chạy quá tốc độ không, liệu quý vị có nói chuyện với bất kỳ nhân viên cảnh sát nào không — toàn bộ những chiến thuật đó xâm phạm vào cuộc sống của quý vị.”

Kể từ cuộc đột kích của FBI, cuộc trò chuyện trong bữa tối với gia đình đã trở nên khác biệt. Trong khi bình thường họ mở quyển Kinh Thánh và nói về Chúa thì giờ đây họ lại đặt những câu hỏi như “Cha có phải đi tù không? Chúng ta có cần dựng lên một hàng rào mới không? Chúng ta có cần mua một con chó bảo vệ không? Chúng ta có cần tìm đến người tư vấn cho trẻ em không? Họ đang làm gì vậy? Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) là gì? Dấu hiệu của loại rối loạn này là gì?”

Nhiều người Mỹ đối diện với án tù hàng chục năm vì thuyết phục phụ nữ từ bỏ ý định phá thai

Giờ thì hễ khi có người gõ cửa, thì ai nấy cũng đều căng thẳng và nhớ lại buổi sáng hôm đó.

Nếu bị kết án 11 năm tù, ông Vaughn sẽ không hiện diện trong phần lớn những năm tháng trưởng thành của các con.

“Chúa biết câu chuyện mà Ngài muốn kể là gì, và những gì mà Ngài muốn làm, vì vậy chúng tôi chỉ cố gắng trung thành với điều đó,” ông Vaughn nói. “Thật là kỳ lạ khi nghe … [từ ngữ] có tội … phát ra từ miệng thẩm phán.”

Ông Calvin Zastrow, một nhà truyền giáo vỉa hè đến từ Michigan, cũng bị kết tội ở Tennessee và phải đối mặt với một phiên tòa xét xử khác ở Michigan. Ông đang chờ tuyên án.

Ông Zastrow nói với The Epoch Times rằng quá trình chờ xét xử là một phần của hình phạt.

Bà Trish và ông Calvin Zastrow, cùng với những người ủng hộ, cầu nguyện trước khi vào tòa án ở Grand Rapids, Michigan, vào ngày 11/05/2023. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Cal Zastrow)
Bà Trish và ông Calvin Zastrow, cùng với những người ủng hộ, cầu nguyện trước khi vào tòa án ở Grand Rapids, Michigan, vào ngày 11/05/2023. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Cal Zastrow)

“Quý vị không thể bám vào những thứ tạm bợ. Quý phải tiếp tục hướng về phía trước, và quý vị phải tin tưởng Chúa. Và với bất kỳ kế hoạch nào mà quý vị thực hiện, quý vị sẽ nhận ra rằng những kế hoạch đó có thể thay đổi,” ông Zastrow nói.

“Tôi đã có thể dự đám cưới của con gái mình vào cuối tháng Chín. Đó là một niềm vui lớn lao, một phước lành to lớn. Nhưng ngày qua ngày, quý vị không biết liệu họ có đến tóm quý vị hay không. Quý vị không biết điều gì sẽ xảy ra nên quý vị hãy cứ giữ vững đức tin vào Chúa và tiến về phía trước.”

Quote:

The other prisoners, inmates, guards, they all say, ‘You don’t belong here.’

Heather Idoni, grandmother, inmate

Những tù nhân khác, những bạn tù, cai ngục, tất cả họ đều nói, ‘Bà không thuộc về nơi này.’

Bà Heather Idoni, bà ngoại, tù nhân

“Đây không chỉ là cuộc chiến văn hóa mà còn là cuộc chiến tâm linh.”

Đó cũng là một cuộc chiến về thân thể để giữ sức khỏe trong thời gian bị chính phủ giam giữ.

Bà Idoni cảm thấy bất đắc dĩ khi phải nói về những nỗi nhọc nhằn trong tù, nhưng bà đã chia sẻ rằng thật khó để giữ thân thể khỏe mạnh khi thụ án. Đồ ăn ở dạng siêu chế biến, và tù nhân rất ít [có cơ hội] hoạt động. Bất cứ khi nào bà được đưa từ nơi này đến nơi khác, lính canh sẽ khóa tay bà vào một cái còng rất bất tiện và cố định một cái hộp giữa hai cổ tay để hai tay bà không chạm vào nhau. Điều này khiến cổ tay của bà có vết lằn.

Ảnh chụp nhận dạng của bà Heather Idoni tại Trung tâm Giam giữ Quận Grayson ở Leitchfield, Kentucky, hôm 05/01/2024. (Ảnh: GCDC)
Ảnh chụp nhận dạng của bà Heather Idoni tại Trung tâm Giam giữ Quận Grayson ở Leitchfield, Kentucky, hôm 05/01/2024. (Ảnh: GCDC)

“Chuyện tôi vào đây thật là bất công, và tất cả những ai biết tôi và nghe câu chuyện của tôi đều kinh hoàng,” bà nói. “Các tù nhân khác, những bạn tù, cai ngục, tất cả họ đều nói, ‘Bà không thuộc về nơi này.’”

Nhưng bà Idoni cho biết bà đã cầu nguyện cho những người phụ nữ mà bà gặp gỡ trong khoảng thời gian chờ xét xử hơn 18 tháng, và bà nhận thấy những mối quan hệ này thật có ý nghĩa.

“Tôi thực sự hiểu mục đích của Chúa khi [Ngài sắp xếp cho] tôi ở đây. Tuy nhiên, có một số điều thực sự khó khăn mà tôi phải vượt qua. Và tôi coi những khó khăn đó là sự tôi luyện mà Chúa ban cho,” bà nói. “Tôi thực sự cảm nhận được sự chăm sóc của Chúa dành cho tôi mỗi ngày. Tôi nhận ra rằng, bởi vì tôi xin Ngài khiến tôi mãn nguyện trong mọi hoàn cảnh, nên mọi chuyện dễ dàng hơn. Thực tế là có rất nhiều niềm vui trong đó.”

Bà ở cùng phòng giam với 11 phụ nữ khác và mọi người đã bắt đầu học Kinh Thánh. Một số người rất muốn học. Những người không ngồi cùng bàn thì ở lại giường và lặng lẽ lắng nghe.

Cũng đang chờ tuyên án trong vụ án ở Tennessee còn có ông Coleman Boyd, 52 tuổi, ở Bolton, Mississippi, cha của 13 đứa con, trong đó có một đứa con nuôi sơ sinh 6 tháng tuổi. Do bị kết án, ông cũng bị mất luôn công việc bác sĩ phòng cấp cứu.

Ông Chester Gallagher cũng bị kết án. Ông là một cựu nhân viên cảnh sát Las Vegas. Vào năm 1989, ông bị bắt và sa thải tại một cuộc biểu tình ngồi ủng hộ sự sống sau khi nói với cấp trên rằng ông không thể làm ngơ khi ông tin rằng đó là một vụ sát nhân đang diễn ra. Ông Dennis Green ở Virginia, một mục sư tại Mục vụ Sự sống và Tự do, cũng đang chờ tuyên án.

Bốn bị cáo khác trong vụ án ở Tennessee đang chờ xét xử với cáo buộc nhẹ hơn. Có những vụ án khác về Đạo luật FACE đang được tiến hành trên khắp đất nước.

Ông Coleman Boyd và 9 trong số 13 người con của ông đứng bên ngoài ngôi nhà của họ ở Bolton, Mississippi, hôm 21/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Ông Coleman Boyd và 9 trong số 13 người con của ông đứng bên ngoài ngôi nhà của họ ở Bolton, Mississippi, hôm 21/02/2024. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Những sinh mạng được cứu

Những người tư vấn và ngăn phá thai đường phố tiếp tục các hoạt động ngày càng rủi ro bởi vì những hoạt động này có hiệu quả. Mạng sống của trẻ sơ sinh được cứu, và phụ nữ tìm được giải pháp thay thế.

Một người phụ nữ làm chứng chống lại các bị cáo ở Nashville nói rằng cô đã bị các hoạt động của họ ngày hôm đó ngăn không cho vào. Bồi thẩm đoàn chưa bao giờ nghe phần còn lại của câu chuyện: Cô ấy tiếp tục sinh con và kết hôn với cha của đứa bé.

“Mẹ rất … yêu thương con. Con giúp mẹ trở nên hoàn hảo và khuyến khích mẹ tiến lên phía trước. Mẹ chưa bao giờ biết lòng mình có thể rộng lượng đến thế,” cô viết về đứa con của mình trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Ông Houck cho biết ông đã chứng kiến ít nhất 100 phụ nữ lựa chọn không phá thai vào phút cuối.

Ông nhớ lại một cặp vợ chồng đã đến tổ chức Planned Parenthood Philadelphia vào ngày ông Biden nhậm chức tổng thống. Khi họ chuẩn bị bước vào thì ông Houck nói với họ rằng ngày hôm đó họ không nên vào đó. Sau đó, họ nói với ông rằng họ đã cầu xin Chúa gửi cho họ một dấu hiệu nếu Ngài không muốn họ phá thai, và họ xem nhận xét của ông là dấu hiệu như thế.

“Tôi nói, ‘Này, chúng ta cùng đi uống cà phê nhé, tôi sẽ lấy cho hai bạn một chiếc bánh sừng bò chocolate.’ Chúng tôi ngồi xuống và tôi nói, ‘Này, hai bạn có thể làm như thế này. Chúng tôi có thể giúp hai bạn. Chúng ta cùng đến trung tâm trợ giúp thai kỳ nhé.’ Chúng tôi đã đưa họ đến đó. Họ đặt một cuộc hẹn; họ đã quay trở lại. Tôi nói: ‘Chúng ta hãy giữ liên lạc nhé.’”

Con của họ chào đời vào tháng Bảy và ông Houck vẫn giữ liên lạc với họ.

Ông cũng đã an ủi một người phụ nữ vừa mới phá thai đang bước ra khỏi tòa nhà khóc lóc vì hối hận. Họ đặt tên cho đứa con của cô để giúp cô vơi bớt nỗi đau.

“Chúng tôi biết đây đã là phút chót rồi. Chúng tôi biết rằng 95% phụ nữ mà chúng tôi nói chuyện vẫn sẽ vào đó … và có thể sẽ không đáp lại lời khuyên của chúng tôi để tha mạng cho con họ,” ông Houck nói.

Nhưng khi có những người phụ nữ đáp lại, ngay cả khi điều đó xảy ra không tới 5% thì “điều đó không chỉ khiến chúng tôi tiếp tục quay lại lần nữa, mà còn cứu được một sinh linh. Đó là linh hồn con người. Đó là việc nuôi dưỡng sự sống.”

Thanh Nguyên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times