Một người phụ nữ nhận được một cuộc gọi cho hay rằng cháu trai của cô đã bị bắt và cần tiền bảo lãnh khẩn cấp. Họ sắp xếp cho một “người chuyên trách bảo lãnh tại ngoại” đến nhà cô để thu 29,000 USD tiền mặt.
Ngày hôm sau, sau một cuộc gọi khẩn cấp khác, người bảo lãnh tại ngoại này đến nhà cô một lần nữa, tìm cách thu thêm 10,000 USD tiền “bảo lãnh.”
Thay vì vậy, ông ta đã bị bắt.
Đó chỉ là một vụ việc xảy ra ở Sykesville, Maryland, vào năm 2020. Bộ Tư pháp (DOJ) cho biết, ông Michael Odell Anderson, giả làm người bảo lãnh tại ngoại, kể từ đó đã nhận tội âm mưu thuyết phục nhiều nạn nhân cao niên đưa hàng ngàn dollar bằng những lý do sai sự thật.
Tổng cộng, ông Anderson và đồng phạm đã lừa đảo ít nhất 49 nạn nhân với số tiền hơn 842,000 USD — trong đó 578,170 USD vẫn chưa được thu hồi. Theo dự kiến, ông Anderson sẽ bị tuyên án vào ngày 21/03/2024.
Theo tài liệu của tòa án, ông Anderson và đồng phạm thường nói với các nạn nhân rằng số tiền mà họ giao nộp sẽ được trả lại cho họ sau đó.
Họ cũng thường nói với các nạn nhân rằng “đã có một ‘lệnh bịt miệng’ đối với vụ án yêu cầu giữ bí mật và nạn nhân không được chia sẻ thông tin với người khác,” DOJ cho biết.
Khoảng một năm trước, bà Lindy Wise, khoảng 60 tuổi, một nhà thiết kế web và là người đam mê nhiều lĩnh vực công nghệ, đã nhận được một tin nhắn cho biết các khoản thanh toán An sinh Xã hội của bà đã thay đổi, và nếu bà muốn biết lý do, hãy “nhấp vào đây.”
Bà Wise nói với The Epoch Times: “Mọi thứ đã được làm xong xuôi rồi.” Tuy nhiên, vào phút cuối, bà nói rằng có điều gì đó không ổn nên bà quyết định không nhấp vào liên kết.
“Quý vị biết đấy, khi bước ra khỏi nhà, lên xe đi đâu đó, khi đang đi bộ vào trung tâm thành phố, thì quý vị phải để ý đến những gì xung quanh mình và cảnh giác,” bà Wise cho hay.
“Giờ thì chúng ta phải luôn cảnh giác khi lên mạng. Lúc nào tôi cũng nhận được tin nhắn — thường là vài lần một tuần. Và do tôi làm trong ngành công nghệ, nên tôi biết mình cần tìm gì, nhưng cũng ngạc nhiên lắm. Mấy người này biết người cao niên dễ bị lừa. Chúng tôi không rành công nghệ lắm, và thế hệ của chúng tôi cả tin hơn. Đôi khi, chúng tôi cô độc và cô đơn. Vì vậy, chúng tôi dễ bị lừa trước nhiều chiêu lừa đảo khác nhau.”
Bà Ally Armeson, giám đốc điều hành các chương trình của Mạng lưới Trợ giúp về Tội phạm mạng (CSN), nói với The Epoch Times rằng kiểu lừa đảo nhắm vào bà Wise được gọi là “smishing” (lừa đảo qua tin nhắn).
CSN là một tổ chức bất vụ lợi cung cấp đào tạo, phát triển sáng kiến, và các hoạt động trong hệ sinh thái chấp pháp và bảo vệ người tiêu dùng để giúp nạn nhân phục hồi sau khi họ gặp phải tội phạm mạng.
“Liên quan đến lừa đảo qua điện thoại … một số đơn cử như là một cuộc gọi tự động (cuộc gọi gửi tin nhắn được ghi âm trước), tin nhắn văn bản (smishing), hoặc chỉ là cuộc gọi điện thoại ‘trực tiếp’ với một người nào đó,” bà Armeson cho biết.
“Với lừa đảo qua tin nhắn, tất cả chúng ta đều nhận được những tin nhắn được cho là từ Amazon, hoặc từ một ngân hàng, v.v., cho chúng ta biết về hoạt động đáng ngờ sẽ dẫn đến việc trương mục của mình bị đóng trừ phi chúng ta đặt lại mật khẩu tại liên kết được cung cấp.”
“Hầu hết chúng tôi có thể biết liên kết đó không phải là chính thức, nhưng nếu một người đang vội vàng hoặc bị rối trí, thì họ có thể nhấp vào liên kết giả mạo và cung cấp thông tin đăng nhập của họ. Sự rối trí thực sự có thể khiến chúng ta gặp rắc rối. Những kẻ lừa đảo biết tất cả chúng ta đều bị phân tâm — và những tin nhắn lừa đảo đó là một cách dễ dàng, ít tốn công sức để lấy thông tin của mọi người và đánh cắp tiền.”
Bà Armeson nói rằng mặc dù các trò lừa đảo qua tin nhắn là phổ biến và thường hiệu quả, nhưng những trò lừa đảo mà người tiêu dùng thường mắc phải nhất là “lừa đảo mạo danh.”
Đây cũng là một trong những trò lừa đảo gây tổn thương nhất cho nạn nhân.
“Khi tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ, tội phạm mạng có thể giả vờ là bất kỳ ai một cách rất thuyết phục — ai đó từ một cơ quan chính phủ, một người trong gia đình hoặc một người bạn, một người yêu đầy hứa hẹn — đặc biệt là khi giờ đây chúng có sẵn Trí tuệ Nhân tạo có khả năng sáng tạo tùy ý,” bà Armeson nói.
“Chúng tôi gặp một nạn nhân bị lừa đảo tình ái. Sau khi trình báo sự việc, nạn nhân đã bị người lừa đảo đe dọa qua nhiều cuộc điện thoại. Kẻ lừa đảo nói rằng hắn ta sẽ đến nhà để hãm hại cô ấy.”
“Điều đáng sợ hơn là nạn nhân sống một mình và bị điếc theo luật quy định (legally deaf). Tuy rằng cảnh sát đã bảo đảm với nạn nhân rằng tội phạm qua mạng này ở bên ngoài Hoa Kỳ và rằng nạn nhân sẽ không bị làm hại, nhưng nạn nhân vẫn hết sức sợ hãi, đặc biệt là vào ban đêm.”
“Người đó trở nên căng thẳng đến mức cô ấy cân nhắc đến việc từ bỏ cuộc sống tự lập của mình.”
Gia tăng lừa đảo qua điện thoại
Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã nhận được 1.2 triệu khiếu nại về cuộc gọi tự động trong năm tài khóa 2023.
FBI báo cáo rằng trong năm 2022, những người trưởng thành trên 60 tuổi đã đệ trình hơn 88,000 đơn khiếu nại lên Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet (IC3) của FBI, với tổng thiệt hại lên tới hơn 3.1 tỷ USD — tăng 84% so với năm 2021.
Các nạn nhân độ tuổi từ 50 đến 59 tường trình thiệt hại với tổng trị giá hơn 1.8 tỷ USD một chút, và gần 95,000 nạn nhân độ tuổi từ 30 đến 39 tường trình thiệt hại hơn 1.2 tỷ USD.
Một báo cáo khác của Hiệp hội Người về hưu Mỹ quốc, trong đó bao gồm dữ liệu từ nhiều cơ quan hơn, cho thấy việc lợi dụng tài chính của người cao niên khiến nạn nhân từ 60 tuổi trở lên thiệt hại hơn 28.3 tỷ USD mỗi năm.
Bà Armeson nói: “Thực tế là những người cao niên thường tiết kiệm được nhiều tiền hơn để nghỉ hưu, và vì vậy họ là những mục tiêu ‘có lợi’ hơn.”
“Kẻ lừa đảo sẽ dành nhiều thời gian và công sức hơn vào một vụ lừa đảo nếu họ cho rằng sẽ nhận được nhiều tiền hơn, vì vậy những người cao niên có thể gặp phải những vụ lừa đảo thận trọng hoặc tinh vi hơn.”
“Một số trò lừa đảo trong số này có thể trở nên khá phức tạp, và những kẻ lừa đảo rất giỏi khiến mọi người lo lắng hoặc sợ hãi bằng cách nói những câu như ‘trương mục của quý vị đã bị xâm phạm,’ ‘Quý vị nợ tiền,’ ‘Quý vị sẽ mất quyền lợi.’”
Bà Armeson cảnh báo rằng trong khi người cao niên ngày càng trở thành mục tiêu, thì những thế hệ trẻ hơn cũng vậy.
Bà nói: “Việc truy cập thông tin cá nhân thông qua mạng xã hội đang giúp những kẻ lừa đảo nhắm mục tiêu vào tất cả mọi người.” FTC cho biết những người trẻ tuổi đang mất tiền vì lừa đảo với tỷ lệ cao hơn những người trên 70 tuổi.
Bà Cathy Wilson, một cố vấn chuyên nghiệp được cấp phép tại Trung tâm Tư vấn LifePaths và là tác giả của cuốn sách có nhan đề “The Emotional Impact of Being Scammed and How to Recover” (“Tác Động về Cảm Xúc khi Bị Lừa Đảo và Cách Phục Hồi”), cũng đồng tình.
“Có lẽ một cách hay để nghĩ về mục tiêu của những kẻ lừa đảo là họ nhắm vào những người phần nào dễ bị tấn công,” bà nói với The Epoch Times.
“Nhiều vụ lừa đảo nhắm vào những người cao niên không có kinh nghiệm sử dụng công nghệ so với nhóm dân số trẻ hơn. Đó là một điểm yếu. Các nhóm tuổi khác có những điểm yếu khác.”
Bà Wilson nêu ra một báo cáo của Better Business Bureau, trong đó cho thấy những kẻ lừa đảo thường nhắm mục tiêu vào người trưởng thành từ 18 đến 24 tuổi trong các vụ “lừa đảo ngân phiếu giả.” Đó là khi một “nhà tuyển dụng” yêu cầu nạn nhân gửi một tấm ngân phiếu và chuyển tiền.
Một khi nạn nhân nhận ra rằng tấm ngân phiếu đó không có thật, thì họ đã nợ ngân hàng số tiền được chuyển, và kẻ lừa đảo lấy được tiền của họ.
Đơn cử như trường hợp của anh Karl, không cho biết họ, người đã chớp lấy cơ hội làm công việc mà anh cho là hợp pháp — đánh giá dịch vụ khách hàng tại các cửa hàng bán lẻ.
Anh Karl nói với Cơ quan Quản lý Ngành Tài chính (FINRA): “Họ muốn tôi trở thành một ‘người mua sắm bí ẩn.’”
“Quý vị nhận được tấm ngân phiếu trị giá 2,950 USD, quý vị nhắn tin cho họ nói rằng ‘đã nhận được nhiệm vụ.’ Sau đó, quý vị tiếp tục và gửi tấm ngân phiếu đó ở ngân hàng, và gửi cho họ [nhà tuyển dụng lừa đảo] một tin nhắn nói rằng ‘tiền đã được gửi.’”
“Quý vị đợi cho đến khi ngân phiếu được thanh toán trước khi đi mua sắm — nên tôi nghĩ, được rồi, đây không phải là một trò lừa đảo.”
FINRA cho biết những kẻ lừa đảo này đã yêu cầu anh Karl “nhanh chóng đến một loạt các cửa hàng để gửi lệnh chuyển tiền với tổng trị giá 2,600 USD đến các địa chỉ cụ thể do công ty cung cấp” và đưa ra ý kiến phúc đáp.
“Nhà tuyển dụng mới của anh Karl nhấn mạnh rằng anh ấy cần hoàn thành nhiệm vụ càng nhanh càng tốt. Anh ấy được yêu cầu giữ lại 350 USD còn lại để hoàn thành nhiệm vụ,” FINRA cho biết.
Tuy nhiên, tấm ngân phiếu này là gian lận, dẫn đến việc anh Karl chuyển 2,600 USD tiền của mình cho kẻ lừa đảo kia.
Better Business Bureau cho biết các vụ lừa đảo việc làm là “những vụ lừa đảo rủi ro nhất dành cho lứa tuổi 18–24,” tiếp theo là các vụ lừa đảo mua hàng trực tuyến và lừa đảo mã kim.
Tháng Mười Một, DOJ đã tịch thu gần 9 triệu USD tiền Tether, một loại mã kim đã được sử dụng để lừa đảo hơn 70 nạn nhân thông qua các vụ lừa đảo tình ái và lừa đảo niềm tin mã kim.
Mất niềm tin, tiền bạc, và mối quan hệ
Những kiểu lừa đảo này có thể gây ra cảm giác xấu hổ và tội lỗi, và dẫn đến tổn thất tài chính. Nhưng giống như bà Armeson, bà Wilson cho biết những vụ lừa đảo tình ái là loại lừa đảo xảo quyệt và gây tổn thương nhất.
Bà Armeson cho biết: “Các vụ lừa đảo mạo danh liên quan đến một kẻ lừa đảo giả danh người khác để đánh cắp tiền hoặc thông tin cá nhân, thường dẫn đến hành vi trộm cắp danh tính, loại lừa đảo số 1 hồi năm 2022, theo dữ liệu của FTC.” Những kiểu lừa đảo này cũng có thể thuộc danh mục “lừa đảo tình ái” và “làm thịt heo” (“pig butchering”).
Theo FINRA, “làm thịt heo” là nói đến hoạt động “vỗ béo heo trước khi giết mổ” và thường liên quan đến việc một kẻ lừa đảo đầu tư vào một mối quan hệ giả mạo trước khi hoàn toàn biến mất sau khi hoàn thành vụ lừa đảo.
“Kẻ lừa đảo đôi khi sẽ xây dựng mối quan hệ với người đó trong nhiều tháng trước khi đề cập đến chủ đề giúp nạn nhân đầu tư,” bà Wilson cho hay.
Bà Armeson cho biết việc lừa đảo tình ái gây tổn thương theo hai cách.
“Có tổn thương tài chính cũng như tổn thương tinh thần. Điều mà nhiều người không nhận ra là sự kết thúc của một vụ lừa đảo tình ái cũng là kết thúc một mối quan hệ. Nạn nhân bị mâu thuẫn — họ ghét kẻ lừa đảo, nhưng cũng vẫn có mối liên hệ tình cảm với nhân vật mà kẻ lừa đảo đóng giả,” bà cho biết.
“Các nạn nhân phải đối mặt với sự mất niềm tin và hy vọng. Thường phải một mình hồi phục vì mọi người cảm thấy xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ và trình báo tội phạm. Nhiều nạn nhân sẽ không kể cho gia đình hoặc bạn bè biết chuyện đã xảy ra với họ vì họ cảm thấy quá xấu hổ.”
Bà Wilson cho biết mọi người thường cho rằng người bị lừa hẳn là “ngu ngốc, bất cẩn, hoặc cả tin.”
“Bị lừa đảo không có nghĩa một người là ngu ngốc hoặc cả tin. Mà có nghĩa là kẻ lừa đảo —một tội phạm — đã tìm thấy và lợi dụng điểm yếu. Những kẻ lừa đảo có kỹ năng cao trong việc lợi dụng người khác trong những hoàn cảnh mà chúng tạo ra, thông tin có sẵn trên Internet, và khả năng thao túng tâm lý,” bà nói.
“Mỗi người trong chúng ta cần ghi nhớ rằng bất kỳ người nào cũng hoàn toàn có thể bị lừa đảo.”
“Một cách tốt để bảo vệ bản thân và những người khác là thường xuyên nói chuyện với gia đình bạn hoặc những người khác mà bạn quan tâm về những trò lừa đảo và những trò lừa đảo mới hơn mà quý vị đã nghe nói đến.”
Tìm cách chữa lành
Bà Armeson gợi ý một số bước cụ thể như sau cho nạn nhân bị lừa đảo:
- Ngừng mọi liên hệ với (những) người đã liên lạc với quý vị
- Lưu lại tất cả thông tin hoặc tin nhắn về (những) người đã liên lạc với quý vị trong trường hợp quý vị cần khởi kiện.
- Nếu quý vị đã cung cấp thông tin tài chính, chẳng hạn như số thẻ tín dụng hoặc thông tin trương mục ngân hàng, hãy liên lạc ngay với ngân hàng hoặc công ty phát hành thẻ tín dụng của quý vị. Họ có thể giúp quý vị hủy việc chuyển ngân hoặc lấy lại tiền cho quý vị.
- Nếu quý vị gửi tiền qua thẻ quà tặng hoặc chuyển ngân, hãy tường trình hành vi lừa đảo cho nhà phát hành. Họ có thể giúp quý vị dừng giao dịch này. Tìm thông tin liên lạc của nhà phát hành bằng cách truy cập trang web hợp pháp của họ.
- Nếu quý vị đã cung cấp thông tin cá nhân, chẳng hạn như số An sinh Xã hội, quý vị có thể gặp rủi ro bị đánh cắp danh tính. Hãy theo dõi báo cáo tín dụng và trương mục tài chính của quý vị để lưu ý nếu có bất kỳ hoạt động tín dụng bất thường nào, và cân nhắc việc đóng thẻ tín dụng của quý vị.
- Tường trình vụ lừa đảo cho FTC và FBI.
Là một người cố vấn, bà Wilson cho biết những người mà bà thường tư vấn cho biết họ có cảm giác bị tổn thương, đau buồn, và bị phản bội sau một vụ lừa đảo. Bà cũng đã tạo các video trợ giúp cụ thể và xem miễn phí trên YouTube về “Cách Vượt qua Sau khi Bị lừa đảo” (“How to Get Over Being Scammed”).
Đối với những người muốn được giúp đỡ nhiều hơn, bà Wilson cũng cung cấp các khóa học dành cho gia đình và bạn bè của nạn nhân, một nhóm ủng hộ trực tuyến dành cho những người có vai trò trợ giúp, chẳng hạn như người ủng hộ nạn nhân, và các nguồn lực dành cho nạn nhân.
“Rất thiếu thông tin về tác động cảm xúc,” bà nói. “Ngay khi nhận ra mình đang bị lừa đảo, cảm giác thật tồi tệ khi tin rằng bản thân họ ngu ngốc và vô cùng xấu hổ về bản thân.”
“Không phải lúc nào tôi cũng khuyên người ta tìm đến tư vấn vì điều đó không hữu ích cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta đều tìm thấy sự trợ giúp, an ủi, và chữa lành theo cách riêng của mình. Đồng thời, làm việc với một cố vấn có kỹ năng chữa lành chấn thương tâm lý là vô cùng hữu ích với nhiều người.”
Về cách mà người nhà và những người thân có thể trợ giúp nạn nhân bị lừa đảo, bà Wilson nói: “Lời khuyên đầu tiên và quan trọng nhất mà tôi muốn đưa ra là xin đừng nói ‘Sao lại dễ bị lừa vậy chứ?’”
“Trong việc giúp đỡ người thân yêu của quý vị thì sự tin tưởng và sự tử tế của quý vị là vô giá.”
Đối với những người từng trải qua một vụ lừa đảo tình ái, CSN cung cấp một chương trình giúp đỡ miễn phí giữa những người cùng cảnh ngộ.
“Chương trình giúp đỡ giữa những người cùng cảnh ngộ của chúng tôi là một trong những nguồn lực duy nhất dành cho các nạn nhân của vụ lừa đảo tình ái,” bà Armeson nói. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp kiến thức về an ninh mạng, tình bạn thân thiết, khả năng tự trao quyền, và sự vực dậy sau tổn thương.
“Thật không may, những nạn nhân của vụ lừa đảo tình ái cũng thường bị lừa lại lần nữa vì rất nhiều thông tin của họ đã bị kẻ lừa đảo tình ái đánh cắp.”
Bà Armeson nói rằng nếu ai đó từng là nạn nhân của một vụ lừa đảo, dù chỉ là một vụ lừa đảo nhỏ, thì rất có thể họ sẽ bị nhắm tới lần nữa.
“Tội phạm trên mạng có cái mà họ gọi là ‘danh sách những người dễ bị lừa,’” bà nói. “Danh sách những người dễ bị lừa là một cơ sở dữ liệu liên tục về tên của những người được xem là mục tiêu đáng giá để lừa đảo hoặc những người đã bị ảnh hưởng bởi các vụ lừa đảo trước kia.
“Quý vị càng liên quan tới nhiều vụ lừa đảo, thì quý vị càng ‘tiến lên’ trong danh sách những người dễ bị lừa này và trở thành mục tiêu đáng giá hơn.”
Bảo vệ bản thân
Các loại lừa đảo mà mọi người nên đề phòng thì luôn thay đổi.
Theo bà Amerson, các biện pháp an toàn tốt nhất mà mọi người có thể sử dụng để bảo vệ mình khỏi những kẻ lừa đảo là hãy nghi ngờ về những cuộc gọi bất ngờ; xác thực danh tính người gọi một cách độc lập; không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính; không tin tưởng vào số căn cước của người gọi; cảnh giác với cách nói chuyện khẩn cấp hoặc đe dọa; thực hiện sàng lọc và lọc cuộc gọi; và luôn tường trình các cuộc gọi đáng nghi ngờ.
Bà đề nghị mọi người nên thiết lập “việc phòng thủ mạng cho tốt,” như thiết lập xác thực đa yếu tố; cập nhật cài đặt quyền riêng tư; kích hoạt cập nhật tự động cho ứng dụng, phần mềm, hoặc hệ điều hành; sử dụng một chương trình quản lý mật khẩu hoặc tạo các nhóm mật khẩu mạnh; và hiểu rõ các yếu tố của thư điện tử lừa đảo.